"Đó cũng là một cách tự vệ"
"Lẩu cua đồng Hoà Lạc xin thông báo tạm dừng bán hàng để cùng Hà Nội chung tay phòng chống dịch Covid-19. Thời gian từ 9/3/2020 đến hết ngày 15/3/2020, hoặc đến khi có thông báo lại", đây là đoạn trích trong bài đăng trên Fanpage của nhà hàng lẩu cua đồng nổi tiếng khu Hòa Lạc, Xuân Mai hôm 9/3 – một ngày sau khi Hà Nội ghi nhận 4 ca mắc Covid-19.
5 năm điều hành và quản lý nhà hàng, anh Ngô Văn Ký chia sẻ, quyết định lần này là đáng nhớ và khó khăn hơn cả lần anh quyết định tháo dỡ toàn bộ biển tên, biển chỉ dẫn vào nhà hàng vì quá đông khách vài năm trước.
"Khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Vĩnh Phúc, lượng khách chơi golf ở khu vực này đã chuyển lên sân ở Đồng Mô. Cộng với việc nhiều gia đình chuyển địa điểm vui chơi cuối tuần ra ngoại ô thay vì đến địa điểm công cộng trong thành phố khiến lượng khách của nhà hàng tăng vọt.
Toàn bộ 5 khu, bao gồm 4 nhà cổ và một khu ngoài trời của nhà hàng chật kín người, lên đến hơn 1.000 khách/ngày khiến nhân viên rất sợ bị lây nhiễm virus corona mới", anh Ngô Văn Ký cho biết.
Một góc bàn ăn ngoài trời tại nhà hàng lẩu cua đồng Hòa Lạc vừa tạm ngừng hoạt động vì dịch Covid-19.
Ban đầu, nhà hàng từ chối khách đặt bàn qua điện thoại và dự định giữ lại một nhóm nhân viên để phục vụ những khách đến ăn trực tiếp hoặc đã mất công đi đường xa tìm đến. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, anh Ký quyết định tạm ngừng toàn bộ hoạt động nhà hàng, cho nhân viên nghỉ việc một tuần lễ.
"60 nhân viên chính thức và 30 nhân viên cộng tác, trong đó có tới 80% là lao động nữ, họ có gia đình và con nhỏ, toàn bộ đều là người sống cùng làng, cùng thôn. Nếu họ xảy ra vấn đề gì thì tôi không còn đường mà về quê", anh Ký chia sẻ.
Việc tạm ngừng hoạt động trong hơn một tuần lễ, vừa là cách ông chủ trấn an tinh thần và bảo vệ sức khỏe cho nhân viên, cũng để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Theo anh, đây là một cách tự vệ, nhân hệ số an toàn của chính mình và cộng đồng trong dịch Covid-19.
"Tôi không nghĩ đó là hành động dũng cảm hay liều lĩnh gì cả, đơn giản là vì mình và nhân viên trước đã, bởi có tiền cũng không mua được tính mạng con người. Vui hơn là điều này được nhân viên và các ông chồng của chị em nhân viên rất ủng hộ", anh Ký nói.
Chuẩn bị thật kỹ rồi mở cửa đón khách trở lại
Việc từ chối phục vụ khách khiến nhà hàng gặp không ít vấn đề như sụt giảm doanh thu. Ngoài ra, không ít khách hàng lặn lội đường xa tìm đến khá bực bội vì không được dùng bữa. Tuy nhiên, theo anh Ký, sau khi giải thích những lo ngại về bệnh dịch, anh nhận được sự cảm thông của không ít người.
Trên Fanpage của nhà hàng, rất đông thực khách đã bình luận về việc họ sẽ quay trở lại đây khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tuy vậy, để không bị động trong việc tiếp đón như trước đó, ông chủ nhà hàng lẩu cua đồng cho biết, trong hơn một tuần lễ tạm ngưng đón khách, nhà hàng đang được tu sửa, mở rộng không gian lên gấp 3 lần so với trước đây.
Anh cũng chia sẻ, để làm được điều này ngoài chuẩn bị tài chính thì phần lớn là do nhà hàng làm trên đất của gia đình nên không chịu áp lực chi phí thuê mặt bằng.
"Chúng tôi mở thêm 6.000 m2 khuôn viên đón khách, trong đó bao gồm một nhà cổ mới. Cứ 3 dãy bàn thì sẽ bỏ đi 1 dãy để khoảng cách giữa các khu vực ăn uống là từ 5m, vừa rộng rãi lại tránh tiếp xúc gần, không an toàn cho khách", anh Ký nói.
Ngoài ra, toàn bộ nhân viên nhà hàng sẽ tuân thủ và thực hiện nghiêm ngặt hướng dẫn của Bộ Y tế về việc giữ vệ sinh tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang khi làm việc.
"Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực thì đây là một quyết định đúng đắn. Chúng tôi đã mất nhiều năm để gây dựng nhà hàng, nếu chẳng may có nhân viên bị bệnh hoặc ai đó nhiễm bệnh đến đây thì rất không hay. Chi bằng, chúng tôi chuẩn bị thật kỹ rồi mở cửa lại đón khách", anh Ký chia sẻ.