Đời sống công nghiệp khiến cư dân thành thị ít được thưởng thức các thực phẩm tươi, mới như dân ở nông thôn ngay cạnh vùng sản xuất. Dù vậy, trước nhu cầu thích thực phẩm tươi, mới của người tiêu dùng có tiền, các đơn vị bán hàng sẽ tìm cách đáp ứng.
Chị Trần Thị Oanh (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) có 2 con nhỏ khó nuôi nên chị luôn phải chọn lọc thực phẩm cho gia đình thật kỹ. "Mỗi tháng, ông bà ngoại ở quê miền Trung thường gửi gạo mới xay vào cho nhà ăn.
Gạo ở quê còn cám, ăn có vị ngọt, không nhạt nhẽo như gạo xá mua ở cửa hàng. Đặc biệt, gạo ở quê để một thời gian sẽ bị có mọt, không "trơ trơ" như gạo ngoài hàng. Mình không biết họ xử lý gạo bằng chất gì nên không dám ăn gạo ấy nữa" – chị Oanh bộc bạch.
"Tháng nào ông bà cũng phải lo gửi gạo cho mình cũng cực nên vừa rồi đi hội chợ gặp một công ty khởi nghiệp bán gạo xay tại chỗ đã mua ăn thử và sau đó đặt hàng dài hạn luôn. Gạo ở đây ngon và khá yên tâm không bị tẩy trắng hay chất bảo quản nhưng giá khá cao.
Nhà tôi thường mua gạo Sóc Trăng 24 với giá 45.000 đồng/kg trong khi gạo cùng giống ở thị trường giá chỉ 20.000 – 30.000 đồng/kg" - chị Oanh so sánh.
Người tiêu dùng ngày nay không chỉ cần ăn no mà cần ăn ngon và lành
Do thị hiếu của người Việt thích thực phẩm tươi nên nên dòng hàng này được gọi là gạo tươi (dù là hàng khô, đã qua xử lý nhiệt - PV), để chỉ loại gạo mới, được xay xát tại chỗ bằng một máy xay mini. Chi phí đầu tư một máy xay lúa mini này lên đến trên 100 triệu đồng, chưa kể máy lọc sạn khoảng 30 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Hồng Châu, đại diện Công ty TNHH Lộc Thiên Nhiên (TP HCM), kinh doanh mô hình này, cho biết giá bán cao vì chi phí sản xuất cao.
Với máy công nghiệp, 1,3-1,4 kg lúa khô sẽ được 1 kg gạo trắng nhưng loại máy mini này phải cần 1,6-1,8 kg lúa khô, với gạo đen thì cần hơn 2 kg lúa. Lý do là máy do Nhật thiết kế dành cho gạo hạt tròn trong khi Việt Nam gạo hạt dài mới là chủ lực.
"Gạo là lương thực chính của người Việt nhưng gần đây do công nghiệp hóa, gạo bị lau kỹ, đánh bóng, chỉ còn tinh bột, hết vitamin và khoáng chất.
Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe, quay lại ăn gạo kiểu ông bà ta xưa. Với giá trị dinh dưỡng, độ ngon và chi phí trả thêm hàng ngày thì giá gạo tươi như vậy là không hề đắt" – bà Châu phân tích.
Máy xay gạo mini được đem đến trình diễn tại một sự kiện tại TP HCM
Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) mới đây cũng tung thêm dòng hàng "gạo tươi" để phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Tigifood cho biết gạo tươi là xu hướng mới của thị trường.
Theo ông Đức, ưu điểm của loại gạo này là hương vị ngon hơn gạo xay công nghiệp nhưng hạn sử dụng ngắn, nhất là nếu gạo chỉ được đóng gói trong túi giấy nên người tiêu dùng cần lưu ý ăn sớm, không để lâu.
Chuyên về gạo hữu cơ, ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hoa Nắng cho biết thị hiếu chung của người Việt là thích gạo mới, dẻo, thơm nên các cửa hàng trữ lúa, xay tại chỗ cho khách sẽ đáp ứng được điều này.
"Các máy xay gạo mini giữ được lớp cám bên ngoài, giữ được dinh dưỡng của hạt gạo nhưng với điều kiện phải là lúa sạch, hữu cơ vì lớp cám bên ngoài rất dễ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nếu được canh tác thường" – ông Tú cảnh báo.
Chọn gạo mới
Việt Nam có 3 vụ lúa chính trong năm là: đông xuân, hè thu và lúa mùa nhưng gần như tháng nào cũng có nơi thu hoạch lúa nên có gạo mới quanh năm. Chỉ có một số vùng mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ, thường là gạo đặc sản, người tiêu dùng sẽ phải ăn gạo cũ nửa năm để chờ vụ mới.
"Cách đơn giản là nhìn "date" (hạn sử dụng) trên túi gạo. Mua gạo càng gần ngày sản xuất (ngày xay xát) thì gạo càng mới. Trên thị trường Việt Nam, các loại gạo xay xong đóng gói ngay thường để hạn sử dụng 1 năm; các loại gạo trữ sẵn sau đó mới đóng túi thường để hạn sử dụng 6 tháng, thường là gạo cũ.
Các loại gạo xay sẵn cũng có dòng gạo lứt, gạo xát dối (còn cám), người tiêu dùng có thể chọn lựa." – một người kinh doanh lâu năm trong ngành gạo tiết lộ.