Trong bài tham luận Triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam - Thách thức và cơ hội tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023: Hướng tới khu công nghiệp xanh, khu kinh tế xanh do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức 16/11 ở TP.HCM, ông đề cập đến câu chuyện Trung Quốc có thể trở thành một trong những quốc gia có nguồn FDI lớn nhất vào Việt Nam trong những năm tới. Thưa ông, đâu là những cơ sở cho những nhận định trên?
TS. Nguyễn Công Ái: Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Việc Trung Quốc và Mỹ đưa ra thông điệp vừa cạnh tranh vừa hợp tác sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo hai nước, Tổng Thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm cơ hội tăng cường quan hệ với Mỹ thông qua một nước thứ ba, và đó có thể là Việt Nam. Họ đầu tư sang Việt Nam không chỉ để phục vụ thị trường trong nước, mà cả thị trường ASEAN, Mỹ và rộng hơn là toàn cầu.
TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG, tại sự kiện Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023: Hướng tới khu công nghiệp xanh, khu kinh tế xanh do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức 16//11 ở TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn.
KPMG đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc và nhận thấy rằng các doanh nghiệp này rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Từ đó chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong những năm tới đây.
Theo ông, các nhà đầu tư Trung Quốc muốn đầu tư vào mảng nào tại Việt Nam?
TS. Nguyễn Công Ái: Các ngành mà nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm nhiều tại Việt Nam là sản xuất xe điện và phụ tùng, sản xuất pin xe điện, và năng lượng tái tạo. Trung Quốc là quốc gia sở hữu các công ty hàng đầu thế giới về sản xuất tấm pin mặt trời và turbin gió. Trung Quốc cũng sở hữu công nghệ tinh chế quặng, trong đó có đất hiếm ở trình độ rất cao nên hai bên có nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực này.
Theo ông, các ngành như dệt may, đồ gỗ thời gian tới sẽ ra sao?
TS. Nguyễn Công Ái: Sản xuất dệt may, đồ gỗ đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, người tiêu dùng ít mua sắm hơn khi kinh tế không ổn định. Tôi không nghĩ là thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng không khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là sử dụng nhân công giá rẻ nên các ngành này sẽ không phải là trọng tâm phát triển trong thời gian tới. Các địa phương ở Việt Nam cũng đang hướng tới thu hút đầu tư vào các ngành như công nghệ, logistics, xản xuất và chế biến.
Việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ra sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Công Ái: Khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao của nền công nghiệp, của sự phát triển của đất nước. Ở Việt Nam hiện nay, việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một khu công nghiệp sinh thái có thể vẫn đang vượt tầm đối với nhiều nhà phát triển bất động sản.
Đồng ý là cần phát triển khu công nghiệp sinh thái nhưng chọn mức độ sinh thái như thế nào thì phải phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước. Hiện nay khu công nghiệp sinh thái vẫn còn mới phát triển và đang trong quá trình tìm ra mô hình phát triển phù hợp.
Tiêu chí các nhà đầu tư chọn khu công nghiệp tại Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài ra sao?
TS. Nguyễn Công Ái: Theo khảo sát của KPMG, vị trí khu công nghiệp là điều nhà đầu tư quan tâm đầu tiên. Ví dụ, đầu tư vào các tỉnh đồng bằng sông Mekong, dù giá cả hấp dẫn, chính quyền khuyến khích đầu tư, nhưng cơ sở hạ tầng chưa phát triển hoặc nguồn nhân lực chất lượng cao chưa có ở đó thì nhà đầu tư phải xem xét. Đó là lý do vì sao các nhà đầu tư thường chọn các khu vực như Bình Dương, Bắc Ninh, rồi Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng. Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, nhân lực là tiêu chí rất quan trọng, họ mong muốn nguồn có nhân lực chất lượng cao, ổn định.
Yếu tố xanh đã nằm trong list các tiêu chí của doanh nghiệp khi chọn khu công nghiệp chưa, thưa ông?
TS. Nguyễn Công Ái: Yếu tố xanh luôn là yếu tố nhà đầu tư mong muốn. Họ ưu tiên sử dụng điện xanh nhưng cũng có doanh nghiệp yêu cầu cao hơn, và mong muốn việc xử lý nước thải, các điều kiện dịch vụ khác trong khu công nghiệp cũng phải phù hợp với việc bảo vệ môi trường.
Dòng vốn FDI trong năm sau sẽ ra sao, thưa ông? Ba quý đầu năm 2023, FDI tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ngắn hạn dòng vốn vẫn đang tăng lên. Từ nay đến cuối năm 2023 dự kiến sẽ còn tăng cao hơn. 2024 có thể sẽ là năm mà các nhà đầu tư càng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu.
Việt Nam có lợi thế gì so với các quốc gia khác trong khu vực trong việc thu hút FDI từ Trung Quốc?
TS. Nguyễn Công Ái: So với quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế hơn hẳn. Trong khi các quốc gia khác ở xa Trung Quốc, Việt Nam thuận lợi là gần gũi về mặt địa lý, đặc biệt là miền Bắc. Việt Nam có hệ thống cảng đang phát triển nhanh nên hàng hoá từ nội địa Trung Quốc xuất sang dễ dàng. Nếu phát triển hệ thống đường cao tốc Bắc Nam nhanh và ổn định thì lại càng thêm lợi thế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!