Nhà đầu tư nước ngoài xếp hàng vào tổ chức tín dụng yếu kém Việt Nam

Ngọc Tòa |

Hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đang được đẩy mạnh, trong đó đối tượng là các tổ chức yếu kém lại càng được quan tâm hơn với mục tiêu xử lý nhanh và dứt điểm.

Chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và quản trị mua lại và phát triển các ngân hàng yếu kém.

Nắm bắt được chủ trương này, thời gian qua đã có nhiều định chế tài chính nước ngoài đến tìm hiểu để tham gia tái cơ cấu các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém của Việt Nam.

Điển hình mới đây ngày 29/3 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp ông Nobiru Adachi, Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn J Trust sang làm việc tại Việt Nam. Ông Nobiru Adachi cho biết J Trust đã dành thời gian tìm hiểu và muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém tại Việt Nam.

Trong số 3 ngân hàng yếu kém, đã được Chính phủ mua lại với giá 0 đồng, J Trust bày tỏ quan tâm tham gia cơ cấu lại ngân hàng Xây dựng (CBBank) để trở thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp của Nhật Bản.

Tập đoàn J Trust sẽ không chỉ tham gia về vốn, mà cả công nghệ hỗ trợ nghiệp vụ và muốn được Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong việc đàm phán và giao dịch thành công.

Được biết J Trust đã và đang tham gia vào các dịch vụ ngân hàng thương mại, dịch vụ tài chính bán lẻ và dịch vụ thu nợ trên khắp châu Á, từ Mông Cổ đến Indonesia và là tổ chức có kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong việc hỗ trợ các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn và đã khôi phục thành công một số công ty tài chính tiêu dùng, mua lại và tái cơ cấu thành công một số ngân hàng yếu kém ở Hàn Quốc và Indonesia.

Cũng trong ngày 29/3, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có buổi tiếp ông Richard F.Chandler – Chủ tịch Tập đoàn Clermont. Ông Richard F.Chandler báo cáo Thống đốc về Tập đoàn Clermont và bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng thông qua việc tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Tập đoàn Clermont là tập đoàn tài chính quốc tế có trụ sở tại Singapore. Từ năm 2002, Clermont đã tham gia vào quá trình tái thiết hệ thống ngân hàng của Nhật Bản, Ấn Độ và Nga thông qua các khoản đầu tư vào Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), Công ty tài chính phát triển nhà ở (Ấn Độ) và là cổ đông lớn của Sberbank (Nga).

Ngoài ra, Tập đoàn Clermont còn đầu tư vào Citi Group, Bank of America (Mỹ), KB- Bank (Hàn Quốc). Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, Clermont đã tham gia đầu tư vào nhiều công ty, tập đoàn lớn trong đó nổi bật là Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ với tỷ lệ sở hữu tới 100%.

Trước đó, một ngân hàng 0 đồng khác là OceanBank cũng đã được nhắc tới khi có đối tác nước ngoài muốn mua lại. Thời điểm đầu năm 2018 khi thông tin chính thức được đại diện NHNN công bố thì đối tác ngoại đã ở giai đoạn 2 của công cuộc tìm hiểu.

Hay mới đây, một đối tác của Thái Lan là công ty TNHH Srisawad Corporation cũng bày tỏ nguyện vọng với Chính phủ về việc mua lại công ty tài chính ALC I của Agribank.

Thể hiện rõ thiện chí của mình, Srisawad cho biết đồng ý trả cho Agribank đầy đủ phần vốn điều lệ ban đầu và toàn bộ số tiền nợ gốc do ALCI đã vay của Agribank (hơn 523 tỷ đồng) trong thời gian hoạt động, đồng thời thừa kế toàn bộ công nợ hiện tại của ALCI.

Ngoài việc rất quan tâm các tổ chức tín dụng yếu kém thì thời gian qua các định chế tài chính nước ngoài cũng muốn tăng cường hiện diện tại hệ thống tài chính Việt Nam bằng việc tham gia mua cổ phần của các ngân hàng.

Điển hình như đối tác KEB Hana của Hàn Quốc muốn trở thành cổ đông lớn của BIDV bằng việc sở hữu 15% vốn hay tại Ngân hàng Nam Á cũng đã cơ bản làm việc xong với đối tác ngoại để tiến tới bán vốn trong năm 2019 này.

Xu hướng nhà đầu tư ngoại tham gia lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam cũng được các nhà phân tích thế giới nhìn nhận.

Trong một phân tích mới đây, các chuyên gia của Moody's đánh giá rằng hầu hết các ngân hàng Việt vẫn sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel II, chuẩn bị có hiệu lực từ năm 2020, do đó, việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là tâm điểm chú ý của các ngân hàng trong năm 2019, bởi thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại