Bên lề sự kiện Techfest diễn ra chiều 26/11, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch học viện MVV, nhà sáng lập TopClass đã có những trao đổi nhanh với chúng tôi xoay quanh câu chuyện đầu tư vào các startup.
Vốn là nhà đầu tư của khoảng trên dưới 20 startup, với 4 lĩnh vực gồm truyền thông, y tế, giáo dục và công nghệ, ông Sơn cho biết ông thường rót vốn từ vòng đầu tiên, tận dụng hệ sinh thái có sẵn của mình để hỗ trợ startup trong các vấn đề như xây dựng MVP (Minimum Viable Product — Sản phẩm khả dụng tối thiểu), đẩy truyền thông, bán hàng,…
Tỷ lệ thành công, thất bại của các thương vụ này là 50/50, "một nửa là sống, một nửa là ‘tèo’".
Trong đó có những thương vụ khiến ông tự hào như Doctor Anywhere - Ứng dụng giúp người dùng nhanh chóng kết nối với mạng lưới bác sĩ tư vấn và các dịch vụ sức khoẻ.
Hay một cái tên khác là Everlearn - Nền tảng giáo dục trực tuyến được nhiều đối tác nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, các tổ chức quốc tế như UNDP, ADB tin dùng. Điểm chung là 2 dự án này đều đang "sổng khoẻ", liên tục phát triển và có dòng tiền tốt.
Tuy nhiên một số thương vụ có thể coi là thất bại, ví dụ như FastGo. Theo số liệu ABI Research công bố 6 tháng đầu năm nay, Grab, Gojek và Be chiếm tới 99,3 % thị phần trong thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam. FastGo chỉ chiếm 0,7% thị trường, thậm chí giảm nhẹ so với 1% vào năm ngoái. Màu áo xanh lam gần như biến mất trên đường phố Hà Nội hay TPHCM.
"Khi tôi đầu tư vào FastGo, tôi rất thích ý tưởng tại sao mình không thể canh trạnh với các đối thủ ngoại, trong khi tôi tin công nghệ của người Việt Nam không hề thua kém.
Tuy nhiên phải thừa nhận đó là cuộc chơi tốn tiền. Đây không phải cuộc chơi công nghệ mà là cuộc chơi về tài chính. Và tài chính thì mình không thể cạnh tranh được với họ", chủ tịch học viện MVV thừa nhận.
Dù ông Sơn không tiết lộ con số cụ thể nhưng theo thông tin trên báo chí, tháng 8/2018, FastGo tăng vốn lên 2,4 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông có thêm sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư cá nhân, trong đó ông Nguyễn Thanh Sơn nắm 2,703%, ông Nguyễn Hoàng Long 2,703%; bà Nguyễn Thị Thanh Hương 0,541%; ông Hồ Chương 5,405% và ông Đào Minh Phú 5,406%. Sở hữu của ông Nguyễn Hữu Tuất và ông Nguyễn Hòa Bình cùng giảm xuống còn 41,621% mỗi người.
Tháng 1/2019, một nhà đầu tư đến từ thiên đường thuế British Virgin Islands tham gia góp vốn gần 881 triệu đồng vào FastGo với tỉ lệ sở hữu đạt 25,23%, qua đó đưa vốn của công ty tăng lên 3,2 tỉ đồng.
Ông Sơn lý giải ông thường giữ vai trò nhà đầu tư thiên thần, nên không góp nhiều vốn mà chủ yếu hỗ trợ startup các vấn đề liên quan. Như vậy, ông sẽ đầu tư ít để hoặc tận dụng hệ sinh thái, hoặc đóng góp theo kiểu hoàn toàn mạo hiểm. Thực tế, FastGo có thể xếp vào trường hợp thứ 2.
"Với FastGo, tôi đầu tư vào con người và tôi thích ý tưởng của họ. Nhưng FastGo là một startup không liên quan đến các lĩnh vực tôi từng đầu tư.
Sau này tôi lý giải, một trong những lý do mình thất bại là mình đầu tư vào lĩnh vực mà bản thân không biết gì. Đây cũng là bài học để tôi lựa chọn startup tập trung hơn, ví dụ nên trong mảng y tế hay giáo dục chẳng hạn", ông Sơn nói thêm.
Cũng theo nhà đầu tư này, nhìn chung khi lựa chọn startup để rót vốn trong giai đoạn đầu, ông thường quan tâm đến 3 yếu tố: (1) Sản phẩm có đơn giản hay không, vì phải đơn giản mới làm được MVP thật nhanh.; (2) Thị trường có đủ lớn hay không, nếu càng lớn thì càng tốt; (3) Đội ngũ có thể tin tưởng được hay không, tin tưởng không chỉ vào tài năng mà cả phẩm chất đạo đức.
"Vấn đề bao giờ cũng nảy sinh khi startup thành công, vì khi thành công họ thu hút những nhà đầu tư lớn hơn mình nhiều, nếu không phải là người có tính cách tốt thì những nhà đầu tư thiên thần vào từ vòng đầu như mình rất dễ gặp vấn đề", ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay.