Nhà báo nổi tiếng với loạt bài “Đấu tranh - tránh đâu?”: Chuyện chưa kể trên mặt báo

Thành Nam |

Nghỉ hưu đã 12 năm nhưng nhắc tới bà Minh Đức, nhiều người vẫn ấn tượng về hình ảnh một nữ nhà báo có mái tóc ngắn bồng bềnh, đôi mắt sáng toát lên vẻ cương nghị, bản lĩnh, chuyên xông pha vào điểm nóng chống tiêu cực. Một trong số những loạt bài chấn động dư luận của bà là “Đấu tranh – tránh đâu?” từng đoạt giải A giải Báo chí Quốc gia những năm đầu thiên niên kỷ. Gặp lại bà hôm nay, mới biết có rất nhiều câu chuyện chưa từng được kể trên mặt báo.

15 tuổi đã “va” với báo

Nhà báo Minh Đức (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Minh Đức) tốt nghiệp khoa Tiếng Pháp, Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Cơ duyên với nghề báo của bà bắt đầu từ câu chuyện khi còn là cô học trò chưa đầy 15 tuổi.

Thuở ấy, trường của Minh Đức phải sơ tán về nông thôn, một phóng viên mục Bút Thép của Báo Thiếu niên Tiền phong về trường phỏng vấn học sinh về cuộc sống ở nông thôn.

Qua cách nhìn nhận trong sáng, thẳng thắn, cô học trò Minh Đức lên tiếng về việc người dân không có nước sạch để dùng, phải sử dụng nước ao hồ sinh hoạt.

Chính cô nữ sinh cũng chẳng ngờ, chia sẻ thật thà của mình đã phải hứng chịu “búa rìu” dư luận, cô còn bị các bạn “chụp mũ” là tầng lớp tiểu tư sản! Mãi khi đất nước thống nhất, tiêu chí nước sạch được đặt lên hàng đầu.

Bây giờ, nhớ lại ký ức, nhà báo Minh Đức cho rằng, thuở bước chân vào nghề, từ kỷ niệm ấy bà đã định hướng ngay cho mình phẩm chất trung thực và cái tâm trong sáng.

“Làm nghề báo, nếu thiếu trung thực sẽ bị lệch hướng. Chính cái trung thực sẽ “cứu” các nhà báo khỏi tai nạn nghề nghiệp.

Còn chữ “tâm”, một nhà báo tuyệt đối không được có suy nghĩ mình đứng “phe” nọ đánh “phe” kia mà nhiệm vụ là lấy lại công bằng cho những người không thể có công bằng nếu không có báo chí; là đừng coi sự ngã đổ của một ai đó làm điều sung sướng hay cơ hội với mình”, nhà báo Minh Đức chia sẻ.

Quan điểm rõ ràng như vậy nên trong cuộc đời làm báo, tính cho tới lúc về hưu, bà không chút ân hận về những việc mình đã làm.

Nhà báo Minh Đức kể, với những người dân đang mong mỏi báo chí đòi lại sự công bằng, dẫu họ có bày bia, rót trà bà cũng từ chối.

Một lần duy nhất, bà miễn cưỡng nhận quà là sau vụ việc chống tiêu cực ở Quảng Ninh, những người dân từng bị cơ quan công quyền “bớt xén” tiền đền bù, sau khi có được công bằng, để tỏ lòng cảm ơn báo chí, người dân đã “rượt đuổi” bà và đồng nghiệp với thùng hải sản sau xe.

Nhà báo Minh Đức đành bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng! Chúng tôi nhận của các bác vì sợ đôi bên cứ rượt nhau sẽ xảy ra tai nạn”.

Trên đường về, trong lòng rấm rứt không yên, khi còn cách Hà Nội 17km, bà quyết định phải nói dối là cách tốt nhất để “thoát” khỏi tình trạng trớ trêu, để những người trong đoàn xóa bỏ được suy nghĩ “nhà báo hành dân”.

Bà nói: “Chị rất mê hải sản nhưng không hiểu sao dạo này cứ ăn hải sản là bị dị ứng. Thôi thì nhờ bọn em “giải quyết” hộ chị nhé!”.

“Không ngờ, người cứu tôi lại là một phụ nữ”

Nhà báo nổi tiếng với loạt bài “Đấu tranh - tránh đâu?”: Chuyện chưa kể trên mặt báo - Ảnh 1.

Nhà báo Minh Đức (thứ 2 từ phải sang) bên người thân.

Không ít nhà báo viết đề tài chống tiêu cực từng chia sẻ rằng, công việc của họ đôi khi ảnh hưởng đến cả gia đình, cuộc sống.

Nữ nhà báo Minh Đức cũng không là ngoại lệ. Bà kể, trong một lần thực hiện bài viết về tình trạng lấn chiếm đất di tích, bà nhận được cuộc điện thoại của một cán bộ thanh tra thành phố “nhắc nhở”.

Cú điện thoại gọi đúng bữa cơm. Thế là không khí gia đình trở nên căng thẳng vì ai cũng muốn tránh cho mái ấm khỏi mọi phiền hà, rắc rối.

Xông pha trong công việc, cố gắng chu toàn với gia đình nhưng vì không muốn cả nhà lo lắng nên nhiều khi, nhận được điện báo lúc nửa đêm, nữ nhà báo phải rón rén “lẩn” ra khỏi nhà như một “tên trộm” để nghe cho hết cuộc điện thoại đó rồi vác balo lên đi.

Có lần, sau một cuộc điện thoại kiểu như thế, bà chỉ kịp dặn hai đứa con: “Mẹ đi công tác sớm, chiều mẹ về”. Hôm đó bà tham dự cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh với các hộ dân đang khiếu kiện về vấn đề đất đai.

Một trong những kỷ niệm của đời làm báo khiến bà ứa nước mắt là khi kỹ sư Hứa Thúy Lan – một trong 4 kỹ sư giám sát việc phá dỡ chợ Đồng Xuân – “qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai” được trả lại những tháng lương bị cắt đã nhờ Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Lao động chuyển toàn bộ số tiền tới Quỹ nạn nhân chất độc màu da cam và các cụ già cô đơn không nơi nương tựa.

Rồi trong vụ việc bảo vệ khu Truy Viễn Đàn, người của dòng họ Ngô Thì đã tặng bà bản sao cuốn gia phả (chi Thế Đức), trong đó có ghi chép giai đoạn “giông tố” và cảm ơn đích danh nữ nhà báo Nguyễn Thị Minh Đức.

Hoặc vụ “ông Tây” Gianis Phraybec - Giám đốc Công ty Thủy tinh Đaly - suýt “không có đường về nước” vì khâu giải quyết bùng nhùng về thanh lý tài sản đã nói với bà trong buổi gặp gỡ trước khi lên đường về nước sau 9 năm bị “lâm vào đường cùng” rằng: “Tôi không ngờ, người cứu tôi lại là một phụ nữ!”.

Bốn nhà báo nữ lao vào “lò lửa”

Một trong những loạt bài đứng tên nhà báo Minh Đức gây “chấn động” xã hội nhiều năm trước chính là vụ phá dỡ chợ Đồng Xuân, đơn vị thi công “móc túi” bạc tỷ của nhà nước, thông qua hàng loạt hành vi gian dối. Loạt bài mang tên “Đấu tranh - tránh đâu?” này được đưa trên Đài Tiếng nói Việt Nam và được nhận giải A - Giải Báo chí Quốc gia năm 2002.

Điểm đặc biệt ở vụ việc chính là sự vào cuộc của một nhóm 4 nữ phóng viên công tác tại các báo như: Lao Động, An ninh Thế giới, Phụ nữ TP Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhóm nhà báo nữ sau đó được hai đồng nghiệp nam, một người ở Báo Nhân Dân và một người ở Báo Hà Nội Mới đã đưa tin và sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng để họ yên tâm “lao vào công việc”.

Nhắc đến chi tiết 4 nhà báo nữ cùng chấp nhận lao vào một vụ việc được cho là “lò lửa” này, nhà báo Minh Đức nở nụ cười chất chứa nhiều tâm tư và đáp: “Phụ nữ thì nặng lòng hơn, một khi đã thương thì thương đến cùng.

Có một anh phóng viên trẻ lúc đó cũng lo cho tôi và hỏi: “Chị không sợ bị tạt a xít à?”. Tôi chỉ cười và im lặng! Bởi vì lúc ấy tôi bị ám ảnh tột độ về cái chết của một nữ công nhân.

Chị chết vì những tấm bê tông rơi tự do, khi bên B tháo dỡ chợ Đồng Xuân bằng phương pháp thủ công (bằng tay) nhưng lại “móc túi” Nhà nước bằng cách khai khống, phá dỡ bằng máy.

Tôi cũng nghĩ đến chị Thúy Lan từng có ý định tự tử vì tuyệt vọng, về câu chị nghẹn ngào nói với tôi: Tôi làm đúng với lương tâm mà sao lại khổ thế này?”.

Nhiều năm qua, dù đã về hưu nhưng nhà báo Minh Đức vẫn dõi theo sự phát triển của nền báo chí nước nhà, đặc biệt là hành trình nhập cuộc của đội ngũ nhà báo viết về đề tài chống tiêu cực.

Vừa trò chuyện cùng chúng tôi, bà vừa kể tên một số nhà báo mà chỉ nghe trên phương tiện thông tin đại chúng bản thân đã khâm phục bởi tinh thần dấn thân không quản hiểm nguy, cạm bẫy rình rập.

Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi vẫn nhận thấy đề tài này còn ít trên mặt báo. Có những vụ việc hậu quả đã rất lớn rồi, dư luận đã rất nóng rồi, Chính phủ vào cuộc rồi thì báo chí mới đưa tin.

Về đặc thù nghề nghiệp, báo chí cần phát hiện vấn đề ngay từ lúc ban đầu để tránh các vụ khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương”.

Trước câu hỏi, làm điều tra, “rào cản” lớn nhất là gì? Nhà báo Minh Đức trả lời: “Rào cản lớn nhất chính là sai lầm của nhà báo ở quá trình đưa tin không chính xác, thiếu cẩn trọng về nghiệp vụ.

Chẳng hạn, đã viết về đề tài chống tiêu cực thì phải hết sức cẩn thận. Biết 10, đưa lên báo 10, đôi khi thất bại. Chỉ đưa 5-6 mà đúng, đủ là hiệu quả”.

Ở hầu hết các vụ việc chống tiêu cực, ngoài phẩm chất của một người cầm bút đấu tranh cho lẽ phải, nhà báo Minh Đức còn "dắt lưng" nhiều "bí quyết" trong đó có việc khi phát hiện ra sai phạm phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, gặp gỡ người khiếu nại và người bị khiếu nại rồi đối chiếu luật, phản biện.

Bà khẳng định: "Thực ra phóng viên nào đã viết về đề tài này đều cảm nhận được nỗi vất vả, khó khăn và cả sự thua thiệt".

Nhà báo Minh Đức sinh năm 1949 tại Ninh Bình. Bà công tác tại Ban Thời sự - Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1975 – 2005. Năm 1985, bà đoạt giải Nhì cuộc thi viết về Hungary do Tổ chức Quốc tế các Nhà báo (OIJ) tổ chức.

Năm 2002 bà đoạt giải A (thể loại phát thanh) giải báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức với tác phẩm "Đấu tranh – tránh đâu", "Nỗi khổ của người chống tiêu cực" với loạt bài viết về vụ tiêu cực tại chợ Đồng Xuân .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại