Thừa Thiên Huế đến Nam Bộ sẽ quan sát hiện tượng nguyệt thực tốt nhất
Theo thông báo từ NASA, nó sẽ diễn ra từ 0h14 phút sáng ngày 28/7/2018 (theo giờ Việt Nam) khi đó Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối và kết thúc vào khoảng 6h30 sáng 28/7. Thời gian diễn ra nguyệt thực toàn phần trong khoảng 3h21 đến 4h13 (gần một giờ).
Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng mưa to vào đêm 27 và ngày 28/7, nên người yêu thiên văn không thể chứng kiến nguyệt thực từ 0h đến 6h30. Song các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Nam Bộ do ít mây, không mưa nên đây sẽ là khu vực lý tưởng để xem nguyệt thực dài nhất thế kỷ.
Được biết, cùng lúc với hiện tượng nguyệt thực cũng sẽ xuất hiện mưa sao băng Delta Aquarids với cực điểm vào ngày 28-29/7. Đây cũng sẽ là một hiện tượng thú vị cho ai yêu thiên văn. Được biết, một số sao băng đầu tiên của Perseids, mưa sao băng lớn nhất hàng năm, xuất hiện.
Theo đó, theo các chuyên gia thiên văn, hiện tượng nguyệt thực lần này là sự xuất hiện lần thứ 2 trong năm. Sau sự kiện này, đến tháng 5/2021 và tháng 11/2022 người yêu thiên văn mới được chứng kiến tiếp. Trong lần xuất hiện dài nhất thế kỷ này người xem có thể dùng mắt thường để quan sát. Nếu muốn thấy nguyệt thực rõ hơn có thể trang bị thêm ống nhòm, máy ảnh.
Hiện tượng nguyệt thực sẽ xuất hiện vào ngày 28/7 người xem có thể quan sát rất rõ tại Thừa Thiên Huế, các tỉnh Nam Bộ.
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần ảnh hưởng thế nào tới các loài động vật?
Đối với người yêu thiên văn thì hiện tượng nguyệt thực, nhật thực là hiện tượng tự nhiên thú vị. Tuy nhiên theo phát hiện của các nhà khoa học, nhiều loài động vật có phản ứng lạ lùng với hiện tượng này.
Điển hình vào những thập niên 1500 đã có những ghi chép về việc các loài chim hót, ngừng bay và rơi xuống khi nhật thực đang diễn ra.
Tiếp theo, vào năm 1932, hiện tượng nhật thực kéo dài 10 phút tại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã ghi nhận khoảng hơn 500 báo cáo về các phản ứng kỳ lạ của các loài động vật.
Nổi bật như các loài dế gáy to hơn, ong kéo về tổ với số lượng rất lớn, những loài như gà, bồ câu quây lại thành từng đàn trong chuồng...Còn đối với một số chú chó thì lại cảm thấy sợ nên chúng thường tìm đến những chỗ kín như gầm giường, gầm tủ để nấp cho tới khi hiện tượng kết thúc.
Chúng ta vẫn biết dơi định vị bằng sóng âm chứ không phải bằng mắt như nhiều loài động vật khác. Tuy nhiên vẫn có điều gì đó đặc biệt ở hiện tượng nguyệt thực khiến loài này trở nên "tăng động".
Còn đối với loài khỉ cú Argentina thường đi kiếm ăn vào bình minh, hoàng hôn, hay những khi có trăng. Tuy nhiên, nghiên cứu vào những lần có nguyệt thực vào năm 2003 và 2004 lại cho thấy điều kỳ lạ.
Bằng cách dùng những chiếc vòng cổ định vị, các nhà khoa học nhận ra những chú khỉ được quan sát chỉ tìm cách lẩn trốn chứ không hoạt động nhiều như bình thường.
Trong khi các loài động vật khác tỏ ra khá sợ trước hiện tượng nguyệt thực xuất hiện thì loài bò lại không hề quan tâm và vẫn hoạt động bình thường.
Hiện tượng nguyệt thực là gì? Nguyệt thực là hiện tượng thiên văn khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng với nhau, với Trái Đất ở giữa. Do vậy, nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào những ngày Trăng tròn. Kiểu và chiều dài của nguyệt thực phụ thuộc vào vị trí của Mặt Trăng so với các điểm nút quỹ đạo của nó. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi ánh sáng Mặt Trời trực tiếp bị bóng của Trái Đất che hoàn toàn. Ánh sáng duy nhất nhìn thấy được là khúc xạ qua bóng tối của Trái đất. |
Ánh sáng này có màu đỏ vì cùng lý do hoàng hôn có màu đỏ, do sự tán xạ Rayleigh của các tia sáng màu có bước sóng ngắn hơn. Bởi vì màu đỏ của nó, nguyệt thực toàn phần đôi khi được gọi là Mặt Trăng máu.