Xuất hiện bất ngờ và thân thiện cùng nhóm nhà báo đi thăm nhà máy sản xuất điện thoại VinSmart của Vingroup ngày 3/12 vừa qua, nguyên thứ trưởng bộ Bưu chính Viễn thông (nay là bộ Thông tin và Truyền thông) luôn không giấu được nụ cười trên môi.
Ông nói, bản thân không ngạc nhiên và bất ngờ về những công nghệ mà Vingroup đã mang về nhà máy VinSmart, bởi công ty này có tiềm lực tài chính cũng như tên tuổi không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Việt Nam.
"Tôi không ngạc nhiên, không bất ngờ khi nhìn thấy những thiết bị hiện đại nhất thế giới từ Đức, Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc có mặt tại đây. Bởi lẽ một doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính lớn, thương hiệu lớn, có tầm nhìn lớn như Vingroup, mà lại đi sau các hãng hàng đầu thế giới, chấp nhận cạnh tranh với thế giới thì chắc chắn sẽ phải đưa về những công nghệ tối tân nhất.
Điều tôi ấn tượng đó là quy trình và dây chuyền sản xuất được đảm bảo nghiêm ngặt, từ SMT, ASL cho đến lắp ráp... mỗi công đoạn đều được kiểm tra. Tôi tin rằng sản phẩm tốt, khuyến mãi tốt và hậu mãi cực tốt, đặc biệt là giá cả phù hợp thì Vsmart sẽ có vị trí xứng đáng trên thị trường ngay từ những thế hệ đầu tiên trong năm đầu tiên xuất hiện".
Nói về việc chỉ sau 6 tháng công bố, VinSmart đã có sản phẩm để tung ra thị trường thì liệu có cần lo ngại về chất lượng hay không, TS Mai Liêm Trực cho rằng đối với khách hàng, nhà máy được xây dựng nhanh hay chậm, sản phẩm làm nhanh hay chậm không quan trọng, nhưng đối với doanh nghiệp thì đó lại là những tính toán chiến lược mang tính sống còn.
"Với truyền thống của Vingroup, tôi nhìn thấy được khát vọng của Vingroup, khát vọng để tạo ra được sản phẩm đầu tiên và thực sự có khả năng thương mại hoá, và có thị phần xứng đáng 10-30% ở thị trường Việt Nam. Chính điều này dường như đã truyền được cảm hứng cho những con người của Vingroup.
Tôi rất ấn tượng khi Vingroup 'tụ nghĩa' được những chuyên gia trong ngành về dưới trướng. Tôi gặp rất nhiều người quen, từ Viettel, VNPT, Apple, Samsung, Nokia... họ đã rất thạo nghề, đã có vị trí xứng đáng, nhưng vẫn về đây để chia sẻ một tầm nhìn, một khát vọng của Việt Nam".
Trước câu hỏi về việc liệu có nên lo lắng cho một doanh nghiệp non trẻ trong ngành trước sức cạnh tranh của loạt ông lớn ngành công nghệ đã và đang góp mặt ở Việt Nam hay không, ông Mai Liêm Trực cho rằng đâu đó có những số liệu thống kê cho rằng Việt Nam có độ sẵn sàng cho công nghệ trước cách mạng 4.0 thấp là đúng, tạo ra thách thức, nhưng đó cũng là lợi thế.
"Lợi thế của chúng ta chính là chưa có gì cả, mà có khát vọng. Thế giới công nghệ bây giờ đã khác rồi, không phải một nơi có thể làm tất cả từ A-Z, mà mỗi nơi có thể chỉ chuyên biệt ở một khâu nhất định. Nếu chúng ta có thể đưa cả thế giới Việt Nam, thì mới có thể đưa Việt Nam ra thế giới được.
Với dự án này, tôi tin rằng họ gần như đã đưa thế giới vào Việt Nam. Câu chuyện còn lại chỉ là họ làm sao để đưa Việt Nam ra thế giới, thông qua các sản phẩm của mình hay không".