Nguyễn Thái Luyện: Tôi có 1.600 tỉ đồng

Trần Thái |

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện khai trước tòa rằng có người yêu cầu Luyện tăng vốn điều lệ của công ty lên 1.600 tỉ đồng.

Chiều 9-12, VKSND TP HCM xét hỏi Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Alibaba - gọi tắt Công ty Alibaba) và các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy tại công ty này.

Xét hỏi Nguyễn Thái Luyện, đại diện VKSND TP HCM đề nghị Luyện làm rõ nguồn vốn điều lệ 1.600 tỉ đồng. Trong vòng 1 năm 2016, vốn điều lệ của Công ty Alibaba đã tăng từ 1 tỉ đồng lên 1.600 tỉ đồng nhưng trả lời chủ tọa phiên xét xử vào phiên buổi sáng, Luyện chỉ mới lý giải có 10 tỉ đồng làm vốn từ việc thế chấp nhà và vay gia đình.

Luyện khai lý do bị cáo tăng vốn 1.600 tỉ đồng là do đối tác thực hiện dự án Tây Bắc - Củ Chi hứa góp. Sau đó, đối tác cho biết Ban Quản lý dự án Tây Bắc Củ Chi không đồng ý hợp tác nên đối tác của công ty đề nghị ngưng góp vốn. Luyện nói lúc này bị cáo dự định sẽ đăng ký lại số vốn điều lệ là 100 tỉ đồng, là vốn thực chất bị cáo có.

Nguyễn Thái Luyện: Tôi có 1.600 tỉ đồng - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa.

VKSND hỏi tại thời điểm tăng vốn, bị cáo thực chất có 1.600 tỉ đồng tiền mặt hay không? Bị cáo quanh co rằng vốn đăng ký khác với vốn thực góp, dựa vào quá trình kinh doanh nhưng nói rằng "Người mà báo với tôi đăng ký vốn thì họ có thực tế số tiền đó".

Luyện nói sau khi tăng vốn lên 1.600 tỉ đồng, để đáp ứng nguồn vốn này, bị cáo ký ủy quyền nguồn đất góp vốn vào công ty, tài liệu này được bị cáo công chứng chuyển nhượng góp vốn. Đại diện VKS hỏi: "Vậy thực sự bị cáo có 1.600 tỉ đồng?". Bị cáo đáp: "Tôi có".

Người thực hành quyền công tố hỏi tiếp về việc bị cáo khai do báo chí phản ảnh nên dự án Tây Bắc - Củ Chi không thực hiện được. "Đúng ra, nếu dự án thật, minh bạch thì khi báo chí viết bài thì có thêm nhiều khách hàng, bộ phận truyền thông của bị cáo đỡ mệt mỏi chứ?" - kiểm sát viên hỏi.

"Điều kiểm sát viên vừa nói hoàn toàn trái với thực tế kinh doanh bên ngoài. Khi bất cứ công ty nào lập dự án, chỉ cần có thông tin trái chiều liên quan cơ quan chức năng thì mọi thứ sẽ ngưng toàn bộ, khoản vay cũng bị ngưng" - Luyện nói.

Đại diện VKS hỏi: "Vậy về mặt pháp lý, dự án chưa được thực hiện đúng không?" Luyện trả lời: "Tôi có đầy đủ giấy mời của Ban Quản lý dự án Tây Bắc mời nghiên cứu thực hiện dự án. Tôi thông báo với khách hàng về việc công ty được mời thực hiện dự án đó và giới thiệu dự án với khách hàng".

Kiểm sát viên hỏi tiếp: "Bị cáo có nhớ nội dung công văn 129 của Hiệp hội Kinh doanh bất động sản về dự án Tây Bắc - Củ Chi có 3 nội dung: dự án chưa có quy hoạch 1/500; chưa có sự đồng ý của Sở Xây dựng nên chưa có sơ đồ phân lô dự án; dự án chưa thực hiện thủ tục lựa chọn đầu tư nên Công ty Alibaba không có tư cách để xưng chủ đầu tư?".

Đại diện VKSND nói thêm thời điểm này Luyện đã "đăng đàn" phản ứng Hiệp hội Kinh doanh bất động sản vì làm ảnh hưởng uy tín Công ty Alibaba. Từ đây có thể hiểu, các bị cáo đã biết để bán được dự án, thủ tục cần phải có quy hoạch, có sự đồng ý của cơ quan chức năng kể cả khi phân lô bán nền cũng cần sự đồng ý của Sở Xây dựng cho phép mới được tiến hành thu hút vốn đầu tư.

Luyện khai không nhớ việc "đăng đàn" và nói rằng thời điểm đó công ty chưa mở bán, chỉ mới giới thiệu dự án. Bị cáo còn cho rằng nội dung công văn trên không đúng vì chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Alibaba Tây Bắc Củ Chi, Công ty Alibaba chỉ là môi giới.

Trả lời VKSND, Luyện liên tục chối tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Luyện nói đất mua làm dự án là đất nông nghiệp có quy hoạch, do đó mới có chuyện giá cao hơn thị trường. Bị cáo còn khai không đã thống nhất vấn đề này với khách hàng, khách hàng đồng ý mới làm hợp đồng. Trong khi đó, tài liệu của cơ quan điều tra chứng minh Công ty Alibaba hợp đồng ký chuyển nhượng cho khách thể hiện đất bán là thổ cư.

"Tôi không hề có sự gian dối, tôi đã bàn bạc với khách hàng. Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tôi mới tách. Tới giờ vẫn không để ai mất tiền. Nhìn một cách nào đó, công ty tôi giúp cho rất nhiều người đầu tư và sinh lời. Bản thân tôi nhất quán với những gì đã làm từ trước đến nay" - Luyện khai.

Trong khi Luyện một mực phủ nhận cáo buộc phạm tội của VKSND thì bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) cùng hai em trai Luyện là các bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố.

Quá trình xét hỏi, VKSND TP HCM còn đề cấp đến các tang vật 20 thỏi kim loại màu vàng Luyện cất trong két sắt. Luyện nói: "Tôi bỏ thỏi kim loại không phải vàng vào két để làm gì thì sẽ mắc cười. Tôi không có ý kiến gì về chuyện này".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại