Nguyễn Phúc tộc Việt Nam yêu cầu hủy cuộc đấu giá kim ấn triều Nguyễn tại Pháp

Lê Hiếu |

Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã ban hành văn bản gửi đến ông Jean Gauchet - Giám định viên của hãng đấu giá Millon, tại Pháp, yêu cầu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật quý của Việt Nam, trong đó có kim ấn triều Nguyễn.

Kim ấn Hoàng đế chi bảo của Triều Nguyễn được rao bán dấu giá - ảnh của Millon.

Kim ấn Hoàng đế chi bảo của Triều Nguyễn được rao bán dấu giá - ảnh của Millon.

Liên quan việc Kim ấn Triều Nguyễn và bát vàng của vua Khải Định được rao đấu giá tại Pháp, chiều 27/10, ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, Hoàng tộc Nhà Nguyễn cho biết, Hội đồng đã có văn bản gửi hãng đấu giá Millon tại Pháp, yêu cầu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá này. Văn bản của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam do ông Nguyễn Phước Bửu Nam ký, gửi đến ông Jean Gauchet - Giám định viên của hãng đấu giá Millon.

Trước đó, hãng đấu giá Millon, tại Pháp thông báo sẽ tổ chức đấu giá 2 cổ vật là đồ ngự dụng của Việt Nam, gồm Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" được chế tác dưới Triều Hoàng đế Minh Mạng với giá khởi điểm từ 2.000.000 đến 3.000.000 Euro và bát vàng của vua Khải Định với giá khởi điểm từ 20.000 đến 25.000 Euro.

Theo mô tả của đơn vị tổ chức đấu giá, kim ấn "Hoàng đế chi bảo" là ấn triện bằng vàng quý hiếm, được chế tác với đế kép hình vuông, tay cầm được đúc một con rồng 5 móng, thúc chạm rất tinh xảo, trên trán của rồng có chạm khắc chữ 王 (Vương); đuôi rồng cong lên phía sau đầu và uốn lượn theo hình xoắn ốc, vây trên lưng nổi bật tô điểm cho cơ thể khỏe mạnh, trên thân rồng có vảy đều đặn, phần đầu với đôi sừng hươu dũng mãnh, phía dưới là mồm sư tử uy nghi với răng nanh lộ rõ. 4 chân rồng bám chắc chắn trên mặt đế với năm móng vuốt vươn ra mạnh mẽ; phía dưới đế có khắc "Hoàng đế chi bảo".

“Văn bản gửi cho 4 người của hãng đấu giá Millon là ông Chủ tịch, ông Phó Chủ tịch và hai giám định viên. Trong đó đề cập, cái Ấn này đã 200 năm và truyền từ vị Vua này sang vị Vua khác. Đó là Quốc Bảo của Vương triều Nguyễn và Việt Nam nên việc Vua Bảo Đại để lại quyền thừa kế cho bà Monique Baudot, con cháu của bà đem đi đấu giá là vượt khỏi quyền của ông. Đây là gắn với Công ước của Unesco năm 1970 về các bảo vật của các Quốc gia, chống lại việc buôn bán các bảo vật này” - ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam cho biết./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại