Trao đổi với Tiền Phong , ông Nguyễn Phước Bửu Nam - Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam - cho biết thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hội đồng gửi văn bản tới Tổng thống Emmanuel Macron. Văn bản liên quan tới hai bảo vật hoàng gia được rao bán tại nhà đấu giá Millon. Đó là lô 100 bát vàng của vua Khải Định, được ước lượng 20.000-30.000 euro, lô 101 ấn triện bằng vàng của vua Minh Mạng, giá ước lượng 2-3 triệu euro.
“Chúng tôi cho rằng chiếc ấn Hoàng đế chi bảo là quốc bảo truyền từ đời vua này sang đời vua khác của vương triều Nguyễn từ 200 năm nay được ghi vào sử sách của vương triều Nguyễn. Chúng tôi cũng xin nhắc lại một cách vắn tắt lịch sử, chiếc ấn này của Hoàng đế Minh Mạng (1820-1841) là một trong những chiếc ấn có giá trị nhất trong lịch sử dân tộc của chúng tôi”, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc nêu.
Chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Ảnh:
Theo đó, năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị giao chiếc ấn Hoàng đế chi bảo này cho Chính quyền Cách mạng Việt Nam - như một biểu tượng chuyển giao quyền lực, đánh dấu sự chuyển đổi của đất nước Việt Nam từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ cộng hòa. Về sau, qua nhiều biến chuyển của thời cuộc, chiếc ấn đã lưu lạc nhiều nơi và cuối cùng lại trở về với Cựu hoàng Bảo Đại.
Ông sống ở Pháp với bà Monique Baudot, qua đời ngày 31 tháng 7 năm 1997. Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo nằm trong tay bà Monique Baudot cho đến khi bà qua đời vào tháng 9/2021, ở tuổi 75. Hơn một năm sau, những người thừa kế của bà đặt chiếc ấn này - là bảo vật của nước Việt Nam - vào tay một nhà đấu giá Pháp là Millon.
“ Chúng tôi rất ngạc nhiên khi bảo vật của quốc gia Việt Nam được rao bán như những thỏi vàng một cách rất thông thường. Chúng tôi băn khoăn về tính pháp lý việc vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam - vua Bảo Đại - 'được cho là' đã chuyển nhượng quyền thừa kế các đồ vật đó, trong khi chiếc ấn của vua Minh Mạng cũng như chiếc bát bằng vàng nói trên đều là những vật quốc bảo. Chúng tôi tự hỏi với quyền hạn nào, Đức vua Bảo Đại có thể tự cho mình quyền chuyển nhượng cho dù nhà đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào đi nữa.
Nước Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên, đã ký Công ước UNESCO vào năm 1970 nhằm tăng cường cuộc chiến chống buôn bán các hiện vật văn hóa từ năm 2005. Liệu việc đấu giá bảo vật của quốc gia Việt Nam có xem xét đầy đủ và thận trọng các khía cạnh pháp lý, dựa vào Công ước UNESCO 1970 nói trên hay không? ”, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam nêu.
Văn bản của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam gửi Tổng thống Pháp.
Ông Nguyễn Phước Bửu Nam cho biết Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam không coi trọng giá trị kinh tế của các bảo vật này... Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo nói trên gắn với một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam và là một bảo vật thực sự của quốc gia Việt Nam. Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam tha thiết đề nghị Tổng thống Pháp "can thiệp nhằm hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật nêu trên của nhà đấu giá Millon, trong khi chờ các cơ quan hữu trách điều tra”.
Nhà đấu giá Millon dời ngày đấu giá vào phút chót
Sau những ý kiến từ Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam và Bộ VHTTDL, nhà đấu giá Millon có ý định dời ngày đấu giá vào 10/11 thay vì 31/10 như thông báo. Tuy nhiên tới sáng 31/10, nhà đấu giá này rút thông báo lùi ngày bán đấu giá, vẫn đưa hai hiện vật ấn vàng và bát vàng ra đấu giá trong phiên 11h ngày 31/10 (giờ Paris).
Thế nhưng khi bắt đầu phiên bán hàng nghệ thuật Việt Nam vào 11h (tức 17h ngày 31/10, giờ Hà Nội), nhà đấu giá Millon thông báo dời lịch đấu giá hai cổ vật triều Nguyễn vào 10/11.