Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Đại sứ Lê Văn Bàng cho biết ông rất buồn khi nghe tin Phó Thủ tướng Vũ Khoan qua đời, đồng thời gửi lời chia buồn đến gia đình bà Hồ Thị Thể Lan và con trai Vũ Hồ.
Chia sẻ với Tiền Phong, Đại sứ Bàng cho biết, kỷ niệm sâu sắc nhất của ông với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là chuyện vào tháng 7/2000. Khi đó, bác Khoan đang là Bộ trưởng Thương mại, được Chính phủ giao nhiệm vụ sang Mỹ thương lượng lại Hiệp định Thương mại mà hai bên đã ký tắt.
Đó là nhiệm vụ khó khăn và bác Khoan khi đó rất lo lắng, không biết có thể thuyết phục Mỹ hay không. Khi đó, ông Bàng đang là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ.
Bác Khoan và Đại sứ Bàng cùng đến gặp Đại diện thương mại Mỹ Charlene Barshefsky, để trình bày rằng Việt Nam rất mong ký nhưng muốn thay đổi một số chi tiết trong hiệp định cho phù hợp với quan điểm của Việt Nam.
Bà Barshefsky bảo đáng lẽ Mỹ không thay đổi sau khi đã ký tắt, nhưng vì bác Khoan sang tận đó và quyết tâm ký kết nên Mỹ sẽ tiếp thu ý kiến.
Hiệp định ban đầu quy định tỷ lệ đầu tư từ 50-50, nhưng Việt Nam muốn đổi thành 51-49 để có quyền quyết định. Cuối cùng Mỹ chấp nhận, nhưng cũng yêu cầu thay đổi điều khoản khác có lợi cho họ. Cuối cùng, hai bên đã ký được hiệp định, và bác Khoan được Tổng thống Bill Clinton khi đó tiếp tại Nhà Trắng, cho thấy Washington cũng rất trân trọng hiệp định.
Sau khi ký xong, hai bên phải đưa ra Quốc hội và lấy ý kiến dư luận, bước cuối cùng là trao đổi công hàm để hiệp định mới có hiệu lực.
Tuy nhiên, Mỹ hứng đợt tấn công khủng bố kinh hoàng vào ngày 11/9/2001, nên từ chối tiếp khách. Bác Khoan, khi đó vẫn là Bộ trưởng Thương mại, vô cùng lo lắng làm sao để sang Mỹ trao công hàm. Đối với Việt Nam, hiệp định rất quan trọng vì sau khi có hiệu lực sẽ giúp thuế giảm 30-40% cho hàng hóa vào thị trường Mỹ.
“Khi đó tôi về nước rồi, nhưng bác Khoan bảo tôi phải quay lại Washington để vận động. Nếu không phía Mỹ sẽ không đón ai”, ông Bàng kể.
Đại sứ Lê Văn Bàng. (Ảnh: Viettimes)
Nghe lời bác Khoan, Đại sứ Bàng quay lại Mỹ. Nhưng Mỹ nói rằng kể cả ông Bàng sang cũng không đón, dù ông Bàng ở đó 8-9 năm và rất thân thiết với Mỹ. Tình hình khi đó rất căng thẳng.
Cuối cùng, Đại sứ Bàng cho biết ông đã nhờ Thượng nghĩ sĩ John McCain can thiệp, giúp ông gặp được Bộ Ngoại giao Mỹ. Họ nói rằng họ không đón bất kỳ đoàn nào, nhưng vì ý kiến của ông Vũ Khoan và ông McCain nên họ chấp nhận. Nhờ đó, ngày 10/12/2001, bác Khoan hoàn thành nhiệm vụ trao công hàm để Hiệp định bắt đầu có hiệu lực.
Đánh giá về đóng góp của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho quan hệ Việt – Mỹ, Đại sứ Bàng khẳng định, bác Khoan là người kế tục những thành tựu lớn mà nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch để lại, trong giai đoạn từ 1996 - 2006, khi đảm nhận các vị trí Thứ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại và Phó Thủ tướng.
Đại sứ Bàng cũng vẫn nhớ câu chuyện năm 2005, khi ông cùng bác Khoan sang Mỹ tiền trạm cho Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ. Những sắp xếp đó có đóng góp lớn để chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một thủ tướng Việt Nam thành công.
Đại sứ Bàng cho biết, bác Khoan sau này còn phụ trách và tham gia trực tiếp nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, đặc biệt là tổng chỉ huy hội nghị APEC 2006, đóng góp lớn cho ngoại giao của Việt Nam và quan hệ Việt – Mỹ, dù bác Khoan là chuyên gia về quan hệ với Nga và Trung Quốc.