Sự hiện diện của Raiffeisen nhấn mạnh mối quan hệ sâu sắc giữa Áo và Nga. Ảnh: globalcapital.com
Danh sách đen của Ukraine không có giá trị pháp lý, nhưng có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng, củng cố áp lực buộc ngân hàng Raiffeisen phải rời khỏi Nga. Đây là động thái mà ngân hàng Raiffeisen của Áo sẵn sàng thực hiện nhưng vẫn chưa xảy ra.
Áo đã muốn Ukraine loại Raiffeisen khỏi danh sách đen để đổi lấy việc thông qua gói trừng phạt Nga mới nhất của EU.
Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen của Áo vận hành một hệ thống thanh toán ở Nga cung cấp dịch vụ cho hàng trăm công ty. Sau áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý quốc tế, ngân hàng này đã công bố ý định chuyển hoạt động kinh doanh của mình khỏi lãnh thổ Nga.
Trước đó vào ngày 15/11, Ủy ban châu Âu đã đệ trình lên Hội đồng EU các đề xuất về gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga. Đề xuất áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 120 cá nhân và thực thể với cáo buộc liên quan đến việc hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngoài ra, EU đề xuất các lệnh cấm mới đối với nhập khẩu và xuất khẩu kim cương của Nga, cũng như các biện pháp tăng giá dầu và chống hành vi lách lệnh trừng phạt của EU.
Đến ngày ngày 12/12, các đại sứ EU đã không đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt Nga này. Quyết định này bị cản trở bởi Áo, khi chính phủ nước này yêu cầu Ukraine loại Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen khỏi danh sách "các nhà tài trợ quốc tế cho chiến tranh".
Cho đến hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của Hội đồng châu Âu trong năm 2023 diễn ra từ 14-15/12, có thông tin Vienna tiếp tục chặn gói trừng phạt Nga thứ 12. Cùng lúc đó, nước này tiến hành đàm phán để buộc Kiev loại Raiffeisen khỏi danh sách đen.
Mặc dù Áo công khai ủng hộ Ukraine, nhưng một số quan chức nói chuyện với Reuters cho biết họ không muốn cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ với Nga vì cho rằng vẫn có thể khôi phục quan hệ. Đầu tháng 10, Ngoại trưởng Áo, Alexander Schallenberg, đã công khai chỉ trích danh sách đen của Ukraine là tùy tiện tại cuộc họp của các bộ trưởng châu Âu ở Kiev.
Sự hiện diện của Raiffeisen nhấn mạnh mối quan hệ sâu sắc giữa Áo và Nga, vốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ thông qua các đường ống dẫn khí đốt và tài chính của Moskva, với Vienna là trung tâm thu nhận tiền mặt từ Nga và các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ.
Mặc dù UniCredit của Italy cũng có hoạt động kinh doanh ở Nga nhưng Raiffeisen lớn hơn nhiều và đã trở thành một phép thử cho quyết tâm của phương Tây trong việc chấm dứt quan hệ với Nga.
Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã đổ hàng tỷ USD viện trợ tài chính và quân sự vào Ukraine và ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga sâu rộng, nhưng sau hơn 21 tháng giao tranh, Kiev đang gặp khó khăn hơn trong duy trì sự ủng hộ này.