Nguyên mẫu đời thực của Peter Pan - cậu bé không bao giờ lớn

Trần Trang |

Mặc dù Peter Pan đã trở thành biểu tượng của sự tự do và tuổi trẻ hồn nhiên vô lo vô nghĩ, nhưng nguyên mẫu đời thực của của nhân vật này lại có cuộc đời đầy bi kịch.

Nguyên mẫu đời thực của Peter Pan - cậu bé không bao giờ lớn - Ảnh 1.

Nhà văn J.M.Barrie và tác phẩm nổi tiếng của mình (Bìa ấn bản năm 1915). Ảnh: The Vintage News

Năm 1897, khi đang dắt chó đi dạo quanh Vườn Kensington ở London, nhà văn J.M.Barrie đã có cuộc gặp gỡ thú vị với 3 người bạn nhỏ đặc biệt mà không ai ngờ là sẽ là những người có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời ông sau này. Thời điểm đó, J.M.Barrie là một tiểu thuyết gia 37 tuổi đến từ Scotland còn các cậu bé mà ông gặp là con của gia đình Llewelyn Davies, bao gồm: George 5 tuổi, Jack 4 tuổi và Peter vẫn là trẻ sơ sinh.

Nhận thấy những đứa trẻ này có sức hút đặc biệt, Barrie đã làm quen với chúng. Và cũng từ đó về sau, nhà văn người Scotland nhanh chóng trở thành bạn thân của cả gia đình Llewelyn Davies và dành nhiều thời gian bên lũ trẻ.

Năm 1902, J.M.Barrie lần đầu tiên đưa nhân vật cậu bé không muốn lớn lên giới thiệu với thế giới qua cuốn tiểu thuyết "The Little White Bird" của mình. Tác phẩm đã thu về thành công lớn và nhanh chóng được chuyển thể lên sân khấu.

Năm 1911, sau hơn một thập kỷ làm bạn và được tiếp thêm nguồn cảm hứng to lớn từ gia đình Llewelyn Davies, Barrie đã viết xong cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh mang tên "Peter Pan và Wendy".

Đến năm 1900 và 1903, đôi vợ chồng Arthur và Sylvia Llewelyn Davies có thêm hai người con là Michael và Nico. Nhà văn J.M.Barrie đã kết hôn hai lần nhưng không có con, vì thế ông dành hết tình cảm của mình cho năm cậu bé nhà Llewelyn Davis và gọi chúng là "The Lost Boys" (những cậu bé lạc lối). Những đứa trẻ khi ấy cũng rất yêu quý Barrie và gọi ông là "chú Jim".

Nguyên mẫu đời thực của Peter Pan - cậu bé không bao giờ lớn - Ảnh 3.

Các cậu bé nhà Davies: Nico (được bố Arthur bế); Jack, Peter, George (hàng 2 từ trái sang) và Michael (đứng phía trước). Ảnh: The Vintage News

Đã có nhiều giả thuyết cho rằng, cảm hứng để Barrie tạo nên Peter Pan là từ câu chuyện thời thơ ấu của chính mình. Anh trai ông qua đời trong một tai nạn trượt băng năm 13 tuổi rồi ở lại mãi trong ký ức Barrie với hình ảnh một đứa trẻ không bao giờ lớn. Và kể cả Barrie, sau sự việc đau thương đó dường như đã không thể trưởng thành một cách trọn vẹn.

Tuy nhiên, Barrie từng chia sẻ nhân vật Peter Pan là sự kết hợp tính cách của cả 5 cậu bé nhà Llewelyn Davies, những đứa trẻ chính là nguồn cảm hứng để ông tạo nên nhân vật đặc biệt này.

Nguyên mẫu đời thực của Peter Pan - cậu bé không bao giờ lớn - Ảnh 5.

Michael hoá trang thành hóa trang thành Peter Pan năm 6 tuổi. Ảnh: The Vintage News

Thật không may, năm 1907 bi kịch đã ập đến với gia đình bé nhỏ khi người bố Arthur qua đời vì bệnh ung thư xương và người mẹ Sylvia cũng qua đời vì ung thư chỉ 3 năm sau đó. Kể từ lúc ấy, Barrie trở thành người giám hộ và luôn ở bên hỗ trợ cho những đứa trẻ mà ông luôn yêu quý và coi như con ruột.

Mặc dù Peter Pan đã trở thành một trong những nhân vật tồn tại vĩnh viễn và được yêu thích nhất mọi thời đại, là biểu tượng của sự tự do và tuổi trẻ hồn nhiên vô lo vô nghĩ, nhưng cuộc đời của anh em nhà Llewelyn Davies - nguồn cảm hứng để tạo nên nhân vật này lại đầy bi kịch.

Khi trưởng thành, anh cả George đăng ký tình nguyện phục vụ với tư cách là sĩ quan trong Quân đội Anh vào Thế chiến thứ nhất và hy sinh ở tuổi 21 khi tham gia chiến đấu năm 1915.

Năm 1921, khi đang theo học tại Đại học Oxford, Michael Llewelyn Davies đột ngột chết đuối trên sông Thames cùng với người bạn thân của mình. Cậu được miêu tả là một thiếu niên thông minh, có tiềm năng làm nên những điều vĩ đại và cũng được coi là người có ảnh hưởng lớn nhất trong việc xây dựng nhân vật Peter Pan. Trong số những đứa trẻ, Michael là người thân thiết nhất với Barrie, đến mức ông đã viết rằng sự ra đi của Michael cũng như đặt một dấu chấm hết cho cuộc đời mình.

Nguyên mẫu đời thực của Peter Pan - cậu bé không bao giờ lớn - Ảnh 7.

Barrie vào vai thuyền trưởng Hook và Michael vào vai Peter Pan tái hiện lại cảnh trong câu chuyện. Ảnh: The Vintage News

Mặc dù cùng tên với nhân vật nổi tiếng mà nhà văn Barrie xây dựng, Peter Llewelyn Davies luôn cho rằng bản thân không liên quan gì đến Peter Pan và cũng luôn day dứt với suy nghĩ mình là người duy nhất không sống theo những gì Barrie mong đợi. Năm 1960, Peter lúc này đã 63 tuổi, nghiện rượu nặng và sức khỏe kém. Khi biết vợ và ba con trai đều bị di truyền căn bệnh Huntington nguy hiểm (một rối loạn di truyền dẫn đến cái chết của các tế bào não), Peter đã gieo mình xuống gầm một đoàn tàu ở London tự sát.

Còn John, đứa con thứ hai của gia đình Llewelyn Davies lại không hề thân thiết với Barrie như George và Michael, anh ta luôn có ác cảm với nhà văn vì cho rằng ông muốn thế chỗ của bố mình. John qua đời ở tuổi 65 vì bệnh phổi, trước khi Peter tự sát nửa năm.

Người em út Nico được xem là có cuộc đời bình yên nhất và sống lâu hơn những người còn lại. Năm 1980, Nico qua đời ở tuổi 76. Trước đó, ông đã làm cố vấn cho nhà văn Andrew Birkin trong quá trình thực hiện loạt phim ngắn "The Lost Boys" của BBC vào năm 1978.

Nguyên mẫu đời thực của Peter Pan - cậu bé không bao giờ lớn - Ảnh 8.

Hình ảnh Peter Pan trong phim hoạt hình kinh điển của Walt Disney. Ảnh: Moviesanywhere

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại