Hẳn nhiều người không còn xa lạ với cái tên Nguyễn Hà Linh, cô chủ của chuỗi cửa hàng Koh Samui với món kem dừa làm mưa làm gió vài năm trước và từng được Forbes vinh danh Top "30 Under 30" năm 2015.
Sau khi phải dừng cuộc phiêu lưu với Koh Samui vì kem dừa thoái trào, Hà Linh chuyển sang kinh doanh mô hình nhà hàng đồ ăn Thái Koh Yam.
Ngoài ra, cô còn là founder của trung tâm tiếng Anh Ibest, đồng sáng lập TUTA Makeup&Academy – một trung tâm makeup đã quen mặt với giới showbiz. Linh cũng chính là người khởi xướng mô hình kinh doanh nhượng quyền với thương hiệu Cộng Cà Phê.
Không uống cà phê, không makeup, chỉ ăn đồ Thái
Chủ nhà hàng có phải biết nấu ăn không? Mở quán cà phê chắc phải biết pha chế hoặc ít nhất cũng uống cà phê chứ? Với Hà Linh thì không hẳn.
Tại một workshop gần đây, cô tiết lộ rằng dù kinh doanh quán cà phê, chuỗi makeup hay nhà hàng Koh Yam nhưng sự thật bản thân không uống cà phê, chẳng hề có thói quen trang điểm và đồ Thái thì cũng chỉ ăn thôi.
Theo quan điểm của Linh, có rất nhiều người làm nghề lâu năm, như đầu bếp trong nhà hàng hay nhân viên pha chế của quán Cà Phê Cộng cũng hay tách ra tự kinh doanh nhưng khả năng thành công không chắc chắn.
Quan trọng hơn cả là có chiến lược kinh doanh, có hiểu biết về marketing hay không?
"80% anh chị chủ các doanh nghiệp mà mình biết và ngưỡng mộ, họ có sự nhạy bén xuất sắc trong sales và marketing.", cô chia sẻ. "Kỹ năng sales và marketing, nếu chưa có thì nên học. Dù bạn có nấu ăn, làm bánh hay pha chế ngon đến đâu mà không khiến người ta biết đến mình thì cũng chẳng có ý nghĩa gì."
Một mô hình chuẩn chỉnh sẽ kinh doanh bền vững
Chuỗi cửa hàng kem dừa Koh Samui của Hà Linh là hiện tượng từng gây nên cơn sốt trên thị trường vào khoảng 4 năm trước nhưng không lâu sau cũng phải ngậm ngùi đóng cửa, thay "áo mới" bằng các nhà hàng Thái Koh Yam.
Thất bại trị giá khoảng 7 tỷ đồng, chưa kể thời gian và công sức này đã dạy cô nhiều bài học. "Thị trường ngoài Bắc theo trào lưu rất nhanh, và quên trào lưu cũng rất nhanh. Cái khó là tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững, chứ không phải chỉ dừng lại ở mô hình kinh doanh tạo trào lưu", Hà Linh từng chia sẻ.
Đến giờ, quan điểm đó vẫn không hề thay đổi. Nữ doanh nhân 8X cho rằng dù có nghĩ đến xu hướng nào thì điều cốt lõi trong kinh doanh F&B vẫn là sản phẩm và dịch vụ. Một mô hình chuẩn chỉnh, tử tế thì sẽ kinh doanh bền vững. Đây là điều sẽ quyết định khách hàng có quay lại hay không, khác hoàn toàn với việc thu hút họ lần đầu.
Nói về trend trà chanh gần đây, cô cho rằng mô hình nhượng quyền này có thể đòi hỏi ít chi phí hơn và thu hồi vốn nhanh nhưng chi tiêu bình quân trên mỗi khách hàng rất thấp.
Đối với chuỗi Koh Yam, Hà Linh không đặt mục tiêu mở rộng số lượng địa điểm nhanh chóng mà thay vào đó, tìm cách khiến thực khách chi tiêu nhiều hơn trong bối cảnh nhiều thương hiệu nhà hàng Thái khác đang chứng kiến doanh thu dần sụt giảm.
Cô tiết lộ mức chi tiêu trung bình của mỗi khách tại Koh Yam mới chỉ dừng lại ở khoảng 180.000 – 220.000 đồng, ca tối thì cao hơn, từ 200.000 đến 250.000 đồng.
Mô hình "chiếc cốc" bền vững
Để một mô hình F&B có thể sống lâu, vượt qua được những khó khăn của nền kinh tế hay sự đổ bộ những xu hướng mới, đâu là yếu tố quan trọng hàng đầu? Bạn có thể liên tưởng đến hình ảnh chiếc cốc nước như thế này!
Nước trong cốc tượng trưng cho vốn đầu tư, sản phẩm, nhân sự hay địa điểm, thiết kế, marketing,… gọi chung là "content" (nội dung). Nhưng cái giữ được những yếu tố này chính là bản thân cái cốc, mà Hà Linh gọi đó là "context" (môi trường).
Nếu cốc bị nứt, các nhân tố bên trong sẽ bị rơi vãi, trôi đi. Từ đó có thể hiểu, môi trường (doanh nghiệp) chính là yếu tố cốt lõi giữ vững cho mô hình kinh doanh.
Còn tay cầm, tượng trưng cho mục tiêu và sứ mệnh của công ty. Cốc vỡ, nước bị đổ hết nhưng tay cầm vẫn còn đó.
"Mục tiêu và sứ mệnh là điều để nhân viên, doanh nghiệp của bạn bám lấy, duy trì. Nếu một nhà hàng bị đóng cửa nhưng tinh thần được giữ vững, ta có thể tiếp tục làm lại một địa điểm mới, một Koh Yam Thái mới", Hà Linh khẳng định.