Nguyễn Cường: Nhạc sĩ của những bản nhạc tiền tỷ

Thanh Hà/Báo Gia đình & Xã hội |

Để quảng bá cho cafe Việt, nhạc sĩ Nguyễn Cường có hợp xướng “Đại bàng giọt đắng”, do doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đặt hàng với chi phí hơn 1 tỷ đồng.

Sau đó là tỉnh Gia Lai đặt ông viết hợp xướng "Mặt trời trên đỉnh Chư H'Drông" với tổng số tiền lên đến 2,7 tỷ đồng. Mới đây, ông lại cho ra đời tác phẩm "Đà Giang đại hợp xướng" sau 1 năm thực hiện. Ông bảo: "Người ta nhận tiền thì tăng cân, còn mình thì sút 5kg vì vắt kiệt sức để thực hiện".

Không viết khi không có "đầu ra"

Với cái tên "Đà Giang đại hợp xướng", e rằng sẽ có nhiều ý kiến tranh luận về nó. Nhất là cái từ "đại hợp xướng"...

- Tôi cố tình chọn cái tên đó và biết là sẽ có ý kiến này khác. Trước khi chọn, tôi có hỏi ý kiến nhạc sĩ Minh Đạo - tác giả phối khí và hai anh em đi đến thống nhất để nguyên như vậy.

Đà Giang nghĩa là sông Đà, từng lưu dấu ấn của rất nhiều đại thi sĩ Việt Nam như Vũ Hoàng Chương, Tản Đà, Nguyễn Tuân...

Hợp xướng có hai loại: Ca khúc hợp xướng - là bài hát ngắn với nhiều người hát. Một loại nữa là hợp xướng nhiều chương và tôi chọn thể loại này cho “Đà Giang đại hợp xướng”.

Thực chất, nó là bản giao hưởng vì viết theo ngôn ngữ giao hưởng với 4 bè: Nam, nữ cao và nam, nữ trầm. Ở Việt Nam, hình thức này không có nhiều lắm đâu, tôi nhớ như "Bài thơ gửi Thái Nguyên" của nhạc sĩ Hoàng Vân, phổ thơ Hoàng Trung Thông.

Đó cũng là bản hợp xướng viết với ngôn ngữ giao hưởng.

Một tác phẩm lớn như vậy hẳn là cũng phải có lý do rất đặc biệt thì ông mới sáng tác?

- Đúng vậy, từ trước đến nay tôi không bao giờ viết một tác phẩm mà không biết đầu ra. Nhất là với tác phẩm lớn như thế này.

Và mỗi tác phẩm của tôi viết ra đều có những số phận và cơ duyên rất đặc biệt.

Như với “Đà Giang đại hợp xướng” này được xuất phát từ mối duyên với doanh nhân Vũ Duy Bổng - một người con của tỉnh Hòa Bình.

Ông muốn có một món quà ý nghĩa để tặng cho quê hương nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh.

Lúc đầu, tôi dự định viết 1-2 ca khúc gì đó, nhưng lên đến nơi, tìm hiểu văn hóa của Hòa Bình thì tôi thấy là nếu chỉ viết ca khúc thì sẽ không thể nói hết được giá trị của nó.

Vậy là chuyển hướng sang viết trường ca.

Nhưng càng đi sâu vào thì tôi càng thấy vẻ đẹp và sự hoành tráng của xứ Mường. Họ có hẳn một nền văn hóa: Văn hóa Mường.

Khi đã có nền văn hóa thì nó sẽ là cơ sở tạo nên sự trường tồn cho dân tộc đó. Chính vì vậy, cần phải viết ra bằng hình thức lớn nhất là hợp xướng.

Tôi đã phải mất đúng 1 năm trời đọc sách, đi thực địa và gần như đóng cửa để toàn tâm toàn ý với tác phẩm này.

Với hợp xướng, chi phí để dàn dựng là rất tốn kém. Vậy nhạc sĩ làm thế nào để thuyết phục được người "đầu tư" cho tác phẩm?

- Với người khác thì có thể khó nhưng với tôi thì không. Vì tôi đã có 3 tác phẩm như vậy được đặt hàng rồi. Như "Đại bàng giọt đắng" dài 3 chương, do doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đặt hàng.

Chi phí khoảng hơn 1 tỷ đồng. "Mặt trời trên đỉnh Chư H'Drông" (4 chương) viết trong dịp khánh thành tượng đài Bác Hồ ở Tây Nguyên do tỉnh Gia Lai đặt hàng.

Tác phẩm này, tôi huy động tới 3.000 diễn viên, chi phí lên đến 2,7 tỷ đồng cho cả sáng tác, thu thanh, chỉ huy dàn dựng.

Một tác phẩm nữa là “Parasamgate” viết cho dịp đại lễ Vesak diễn ra tại Ninh Bình. Đây đều là những tác phẩm rất tốn kém nên không phải nơi nào cũng có thể làm được.

Nếu dàn dựng đúng dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng biểu diễn live, “Đà Giang đại hợp xướng” cần đến vài tỷ đồng.

Nhưng nếu thế thì không đại gia nào có thể chấp nhận được nên vẫn có cách để làm cho nó trở nên đẳng cấp với mức chi phí hợp lý nhất.

Viết xong, cảm giác như được giải thoát

Nguyễn Cường: Nhạc sĩ của những bản nhạc tiền tỷ - Ảnh 1.

Với số tiền lớn như vậy, lại mất nhiều công sức nhưng chỉ biểu diễn một lần trong dịp kỷ niệm rồi... cất kho thì lãng phí quá.

- Không thể là phí được. Một nền văn hóa lớn có “Đẻ đất đẻ nước”, có dòng thủy điện vĩ đại, với một “Đường lên Tây Bắc” như vậy thì cần có một phản ánh tương xứng.

Tôi chỉ lo mình không đủ tài để viết thôi.

Trong 4 chương, điều gì khiến ông thấy "vật vã" nhất?

- Đó là làm thế nào để khái quát được cơ bản lịch sử của Hòa Bình. Các địa danh, dấu tích văn hóa nổi bật của xứ Mường nếu không khéo sẽ trở nên rất "phô".

Đây là điều khiến tôi phải tìm cách để đưa vào sao cho mềm nhất, uyển chuyển nhất.

Sau cùng thì tìm được cách rất khéo thế này: “Sông Đà, đất Mường ta, Bi, Vang, Thàng, Động/Sông Đà, đất Mường ta sử thi để đời/Đẻ đất đẻ nước, Đẻ đất đẻ nước/ Đẻ đất nước/Từ đó Lạc Sơn, Yên Thủy, Hòa Bình...”.

Vậy là tha hồ kể hết tên các huyện và các dấu tích văn hóa cũng được liệt kê rất điệu đà: "Mái nhà Mai Châu chiêng hát lời/Nắng ngời Cao Phong cam trĩu cành/Đất lành Lương Sơn động đá bạc/Yên Lạc heo may mùa mía gọi, Tây Tiến còn đây bản hùng ca...”; Hay: "Hoa văn giao duyên vờn lưng ong/rung rinh xà tích Cỏ Mường Bi, suối Mường Vang/Chảy thành sông, dựng thành thác/Thẳm vực sâu, vút đèo cao/Ruộng bậc thang, loang loang sóng/Đường lên Tây Bắc là đây”.

Tại sao nhạc sĩ không viết ca khúc cho đỡ tốn kém mà độ phổ cập sẽ dễ và nhanh hơn?

- Thì tôi đã có hàng trăm ca khúc rồi. Giờ phải có những cái khác để thỏa mãn sự khát khao rộng lớn bề thế hơn về âm nhạc.

Riêng việc viết cho ra hình thức hợp xướng giao hưởng thôi cũng đã khó lắm rồi.

Tác phẩm này là cái thứ tư và tôi không dám chắc là mình sẽ còn viết được cái thứ năm, vì nó tốn công tốn sức vô cùng. Viết xong, tôi cảm giác như mình được giải thoát vậy.

Với những tác phẩm lớn, thường người nhạc sĩ sẽ sáng tác với tâm thế để nó trở thành tác phẩm để đời. Nhưng giả như nó không được người nghe đón nhận thì có đồng nghĩa với việc ông sẽ dừng lại thể loại này?

- Tôi viết trước tiên để thỏa mãn khát vọng nghệ thuật của mình, một khát vọng đã được kiểm chứng tốt 40 năm qua.

Tác phẩm này là cảm hứng của tôi trước văn hóa Mường, văn hóa của dân tộc cùng gốc gác với văn hóa Việt.

Tuy nhiên, tôi luôn hiểu một cách sâu sắc qua thực tế rằng, cảm thụ, đánh giá tác phẩm là đời sống và hình như tác phẩm nào cũng có số phận của nó, như con người vậy.

Khi viết xong, nó tuột khỏi tay tác giả nên không dám nghĩ chuyện để đời.

Cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện!

"Đà Giang đại hợp xướng" gồm có 4 chương:

Chương 1: Đà Giang Bi Vang Thàng Động (nói lên gốc tích của người Mường).

Chương 2: Thuyền du bến nước sông trăng (với 4 câu thơ: "Đà Giang ai vặn một dòng xanh/Thi nhân lênh đênh một ánh tình/Thuyền dâng bến không, chén say ngập gió/Nẻo xa hư thực, trăng nước liêu trai" được triển khai thành một chương).

Chương 3: Đường lên Tây Bắc (nói lên những đóng góp của Hòa Bình trong Chiến dịch Điện Biên Phủ).

Chương 4: Ta xây thành phố mơ cùng sông Đà.

Toàn bộ 4 chương này viết trên giai điệu chủ đạo của cồng Mường là Bình, Boong, Bính, Khẳm. Điều đặc biệt là 4 nốt này được hát bằng ngôn ngữ hợp xướng để tạo âm thanh và hình ảnh chứ không dùng chiêng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại