Nguyên cán bộ hải quan Cát Lái nhận hối lộ hầu tòa

HOÀNG YẾN |

Cáo trạng nêu đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, gây cản trở hoạt động của các doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành hải quan.

Ngày 9-4, TAND TP.HCM đưa ra xét xử vụ Nguyễn Trường Duy (sinh năm 1968, nguyên công chức Đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan TP.HCM) bị truy tố về tội nhận hối lộ .

Phiên tòa dự kiến kéo dài hai ngày. Bị cáo Duy có bốn luật sư bào chữa và HĐXX cũng triệu tập hơn 40 người đến phiên xử với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong đó có ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TP.HCM .

Theo hồ sơ, từ tháng 1 đến tháng 12-2015, lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đội Kiểm soát hải quan và của cá nhân, Duy đã có hành vi phạm tội.

Cụ thể, Duy dùng nhiều thủ đoạn để thỏa thuận, yêu cầu các doanh nghiệp (DN), người làm thủ tục khai báo hải quan cho DN phải chi tiền cho mình.

Mục đích của việc chi tiền là để hàng hóa của các DN khi nhập khẩu sẽ không bị kiểm tra thực tế 100%.

Duy đã sử dụng địa chỉ nhà riêng tại đường Trần Khắc Chân (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) và phòng làm việc ở cảng Cát Lái làm nơi nhận tiền.

Đồng thời Duy cũng thông qua mẹ ruột của mình để nhận hối lộ của 50 DN với tổng số tiền 542 triệu đồng.

Ngày 29-12-2015, khi công an bắt quả tang Duy tại nhà mẹ ruột, khám xét nhà đã phát hiện và niêm phong 64 bì thư và giấy gói tiền, tổng cộng thu giữ 964,5 triệu đồng.

Ban đầu Duy bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS).

Đến tháng 7-2016, cơ quan tiến hành tố tụng đã thay đổi, truy tố Duy về tội nhận hối lộ (Điều 279 BLHS) và truy tố bổ sung tội buôn lậu (Điều 153 BLHS) xảy ra tại Công ty Nam Hà Sơn để điều tra.

Kết quả điều tra đã xác định ngoài việc lợi dụng chức trách, nhiệm vụ, Duy còn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như lợi dụng tâm lý lo ngại của DN, người làm dịch vụ hải quan khi hàng hóa nhập khẩu để kiểm tra.

Trong số 50 DN chi tiền cho Duy, có 12 đơn vị từng bị Đội Kiểm soát hải quan của Duy phối hợp kiểm tra hàng hóa.

Duy còn thường xuyên sử dụng, thay đổi SIM điện thoại và dùng SIM rác để liên lạc, thỏa thuận với các DN và cá nhân làm thủ tục khai báo hải quan để che giấu tội phạm.

Bị can cũng lợi dụng địa điểm không phải là nơi cư trú của mình và dùng người thân trong gia đình để nhận tiền bất hợp pháp. Cơ quan điều tra xác định đây là hành vi nhận hối lộ rất nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, tại cơ quan điều tra, Duy không thừa nhận nhưng căn cứ vào các lời khai và tài liệu thì có đủ căn cứ kết luận hành vi phạm tội.

Các chứng cứ này được thu thập từ các chủ DN, người làm thủ tục hải quan cho DN; danh sách số điện thoại của các cơ quan viễn thông; kết luận giám định giọng nói trong các file ghi âm cuộc gọi giữa Duy và người làm dịch vụ hải quan; kết quả đối chất của những người có liên quan với mẹ Duy; lời khai các công chức hải quan liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác.

Cáo trạng nêu đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, gây cản trở hoạt động của các DN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành hải quan.

Về hành vi buôn lậu xảy ra tại Công ty Nam Hà Sơn có liên quan đến một số đối tượng đang là bị can trong vụ án khác, cơ quan điều tra không thể hoàn thành sớm việc điều tra nên đã tách ra để xử lý sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại