Nguyên Bộ trưởng TT&TT: Vì sao đây là 5 cuốn sách thanh niên Việt không nên bỏ lỡ?

Trương Thu Hường |

"Trong cuộc đời này, không ai có thể đi tới thành công mà không trải qua đôi lần thất bại. Thế nên 5 cuốn sách này là sự lựa chọn quá tốt của lịch sử mà chúng ta không nên bỏ qua" - TS Lê Doãn Hợp nói.

Trong số những người có ảnh hưởng xã hội đóng vai trò đồng hành, truyền cảm hứng cho Hành trình Từ Trái tim do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng, không thể không nhắc đến nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), TS Lê Doãn Hợp. Ông cũng là người rất tâm huyết với việc đồng hành cùng Trung Nguyên đưa sách quý đến với thế hệ trẻ trong lực lượng vũ trang.

Mới đây, cựu Bộ trưởng vốn là người mê sách đã dành cho phóng viên buổi phỏng vấn, tiết lộ lý do chân thành nhất khiến ông ủng hộ Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ thực hiện chương trình tặng sách và chia sẻ giá trị của 5 cuốn sách quý cần cho thanh niên Việt, cũng như cách đọc sách sao cho hiệu quả.

* Đọc lại bài 1: Cuộc gặp với Đặng Lê Nguyên Vũ và 4 lý do khiến nguyên Bộ trưởng TT&TT tin vào Hành trình Từ Trái Tim

5 cuốn sách thanh niên Việt đừng nên bỏ lỡ!

TS Lê Doãn Hợp cho rằng, trên đời này sách tốt không bao giờ lạc hậu mà chỉ có con người lạc hậu. Những cuốn sách quý thì dù ra đời cách đây cả ngàn năm vẫn còn giá trị. Nếu đọc sách mà biết cách tiếp thu tinh hoa của nó thì sách cũ giúp hiểu về quá khứ, trong cái quá khứ lại soi chiếu vào hiện tại và tương lai.

Chiếu theo ý nghĩa đó, 5 cuốn sách mà Trung Nguyên đang trao tặng đến người Việt trẻ không thể coi là lỗi thời và vẫn luôn ẩn chứa nhiều giá trị quý mang tính nền tảng, cần thiết cho tất cả thanh niên Việt.

Nguyên Bộ trưởng TT&TT: Vì sao đây là 5 cuốn sách thanh niên Việt không nên bỏ lỡ? - Ảnh 3.

Cụ thể:

- Cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp nói về đất nước khởi nghiệp tốt nhất thế giới là Israel. Thanh niên Việt có thể soi chiếu vào đó để học tập hoài bão, làm giàu và ý chí phục quốc. Người dân Israel có ý chí rất mạnh mẽ đã tạo ra năng suất lao động cao hơn hẳn Việt Nam và cao hơn gấp nhiều lần mức trung bình của thế giới. Điều ấy đã giúp họ từ một đất nước xuất phát ở vạch mốc khó khăn, đi sau thế giới nhưng đã vươn lên thành nền kinh tế ở Top đầu thế giới.

"Điều kiện thiên nhiên ở Israel khắc nghiệt, hầu hết diện tích là sa mạc. Vậy mà ở nước họ, cứ một người làm nông nghiệp đủ nuôi được hàng chục người. Vì thế, đây là cuốn sách rất đáng đọc khi muốn hun đúc ý chí làm giàu và phục quốc".

Theo TS Hợp, trong thời đại này, việc làm giàu chính đáng được coi là thước đo tài năng. "Chẳng có ai tự đặt tay lên ngực khoe mình thông minh mà lại nghèo. Nghèo kinh tế tức là nghèo cả ý chí, trí tuệ và tiềm năng". Vì thế, muốn dựng xây đất nước, giải quyết bài toán của đời mình, trước hết là phải biết vươn lên làm giàu chính đáng.

- Khuyến học là cuốn sách tạo cho con người ý chí phải chịu học, chịu đọc, chịu nghe để tổng kết thực tiễn. Con người sinh ra phải không ngừng học hỏi thì mới mong tiến bộ. Người thông minh nhất là người sớm phát hiện ra chỗ yếu kém của mình để sửa chữa nhanh nhất. Việc đó không thể tự dưng mà có, cần phải có quá trình học hỏi và đào luyện qua thực tiễn

- Cuốn sách Đắc nhân tâm giúp học cách làm người. Theo TS Hợp, trên đời này không có đạo đức thì không thể làm được việc gì thậm chí chỉ biết làm khổ người khác. Đạo đức là cái cốt lõi bên trong để tỏa ra bên ngoài, tạo nên con người có văn hóa, giàu năng lực hành động và tình thương yêu.

Nguyên Bộ trưởng TT&TT: Vì sao đây là 5 cuốn sách thanh niên Việt không nên bỏ lỡ? - Ảnh 4.

- Nghĩ giàu làm giàu là cuốn sách hay dạy về ý chí, biết suy nghĩ về vấn đề làm giàu và lăn lội tìm ra phương cách thực hiện. "Muốn giàu về hành động trước hết phải giàu về suy nghĩ, ý tưởng, giàu về tâm đức và Nghĩ giàu làm giàu chính là cuốn sách quý nói về vấn đề đó".

- Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách dạy chúng ta rằng, mỗi lần thất bại lại là bài học dạy cách đứng dậy tốt hơn. Ông Hợp cho rằng, con người ở đời này có 3 nỗi sợ lớn nhất chính là: Sợ thất bại mà không dám hành động, thất bại rồi không dám làm lại và thắng lợi rồi lại thỏa mãn chủ quan.

Trong thời đại công nghệ 4.0 này, tất cả những gì gọi là thành công dễ biến thành cản trở khiến nhiều người thỏa mãn. Vì thế, cuốn sách trên chính là bài học, lời động viên nhằm tháo gỡ 3 nỗi sợ ấy. Nó dạy chúng ta phải không ngừng cố gắng vươn lên. Trong trường hợp phải chịu thất bại thì cũng kiên trì tìm ra hướng mới để làm lại, có tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm để đi tới thành công.

"Trong cuộc đời này, không ai có thể đi tới thành công mà không trải qua đôi lần thất bại. Thế nên 5 cuốn sách này là sự lựa chọn quá tốt của lịch sử mà chúng ta không nên bỏ qua".

Thời gian có hạn, đọc sách thế nào cho hiệu quả nhất?  

Không chỉ riêng 5 cuốn sách mà Trung Nguyên trao tặng, theo TS Hợp, muốn thành công, chúng ta phải đọc nhiều đầu sách. Việc đọc sách có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Ông phân tích, mỗi người đều trải qua 3 môi trường học tập đó là: Học từ thầy (trên lớp), học từ sách (kho tri thức của nhân loại) và học từ thực tiễn cuộc sống. Cả ba yếu tố đó đều quan trọng, không thể xem nhẹ thứ nào.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để đọc sách có hiệu quả? Chia sẻ về điều này, TS hợp phân tích, mỗi người một ngày có 24 giờ. 8 tiếng dành cho làm việc, lao động. 8 tiếng để ngủ. Vậy nên, toàn bộ thời gian để đọc sách chỉ tranh thủ trong vòng 8 tiếng sinh hoạt cá nhân. Trong quãng thời gian hạn chế đó, chúng ta lại có bao nhiêu việc cần làm như thăm hỏi, giao lưu kết nối, ăn uống, vui chơi... Ngoài sách, mỗi người hầu như đều có rất nhiều lựa chọn như thể thao, xem phim, nghe nhạc...

"Vậy thì chúng ta sẽ đọc sách vào khoảng thời gian nào và đọc trong bao lâu? Theo tôi, mỗi người một ngày nên dành từ 1 đến 2 tiếng để đọc sách. Thời gian tốt nhất là từ 21 đến 23h tối hoặc 5 đến 6h sáng.

Với tôi, 5-6h sáng tôi thường dành để lên mạng đọc báo, cập nhật thông tin mới trong ngày nhưng từ 21-23h nên dành để đọc sách.

Những lúc đi đường, ví dụ đi ô tô thì có thể tranh thủ nghe đài, xem sách cũng là một cách đọc bởi vì 70% tri thức của con người đến từ việc nghe, xem và đọc".

Nguyên Bộ trưởng TT&TT: Vì sao đây là 5 cuốn sách thanh niên Việt không nên bỏ lỡ? - Ảnh 7.

Về cách đọc sách hiệu quả, TS Hợp cũng chia sẻ ba cách mà mình thường áp dụng:

- Thứ nhất là tạo nên một CLB gồm khoảng 5-7 người cùng chung sở thích đọc. Khi có cuốn sách hay, người nào đọc đầu tiên sẽ đọc kỹ, gạch chân những ý quan trọng để người đọc sau tiết kiệm thời gian.

- Cách thứ 2 là đọc từ 3 đến 5 dòng cùng một lúc, chỗ nào thấy tâm đắc thì dừng lại đọc kỹ hơn.

- Thứ 3 là đặt hàng cho bạn bè đọc và họ sẽ trao đổi lại nội dung với mình. Nếu cuốn hay có thể đọc lại.

"Đôi khi chúng ta gặp bạn bè cafe để trò chuyện, trao đổi về những cuốn sách mình đã đọc, trao đổi tri thức, kinh nghiệm cũng là cách vừa kết nối, vừa lan tỏa vừa giúp đỡ lẫn nhau".

Ông Hợp cũng khuyên người trẻ nếu muốn làm chính trị thì nên dành thời gian đọc các loại sách: Triết học (cung cấp phương pháp luận); sách kinh tế chính trị học; lịch sử; sách về các danh nhân thành đạt và cuối cùng là đọc trên mạng internet theo nguyên tắc có chọn lọc.

"Xét về cách đọc sách, tóm lại cần sự sáng tạo để làm thế nào trong thời gian ngắn nhất tiếp thu được nhiều thông tin nhất. Việc này không ai có thể bày cho ai cả, tự mỗi người phải chọn cho mình cách đọc phù hợp và phải nhớ rằng, mỗi ngày chúng ta sống trên đời tức là đang tiến tới cái chết gần hơn, cho nên phải quý thời gian và dành thời gian để làm những việc có ích", TS Hợp nhắn nhủ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại