Nếu thông tin được xác minh là đúng thì đây là một bước nhượng bộ của các thành viên NATO trước sức ép mạnh mẽ từ phía Mỹ. Rõ ràng, đứng trước nguy cơ tan vỡ, liên minh quân sự mạnh nhất thế giới không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận đòi hỏi của Washington.
Thỏa thuận nếu được ký kết sẽ đáp ứng yêu cầu quyết liệt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra. Tuy nhiên, Pháp đã khẳng định rõ nước này không tham gia vào thỏa thuận đó. NATO đang hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về vấn đề chi tiêu quốc phòng trước khi liên minh quân sự này có cuộc họp thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập ở thủ đô London vào tháng tới.
Thỏa thuận mới sẽ giúp NATO chấm dứt nhiều tháng đàm phán sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa vấn đề cải cách tài chính ra liên minh.
Với việc đạt được thỏa thuận, các nước thành viên NATO gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Canada sẽ tiến tới đóng góp ngân sách 2,5 tỉ USD hàng năm để điều hành Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). So với hàng trăm tỉ USD mà các nước NATO đầu tư cho lực lượng vũ trang của họ mỗi năm, đây là con số nhỏ. Nhưng đó là một con số mà các nước thành viên NATO hy vọng sẽ làm hài lòng Tổng thống Trump sau khi ông này hồi tháng Bảy năm 2018 từng tức giận nói rằng Mỹ phải “trả hàng chục tỉ USD, con số quá nhiều, để bảo vệ Châu Âu".
"Đó là một động thái mang tính chính trị. Không có liên minh NATO nếu không có Mỹ”, một vị quan chức ngoại giao cấp cao của NATO đã thừa nhận như vậy.
Pháp ngay từ đầu đã phản đối đề xuất. Với 30.000 quân được triển khai cùng các tàu trên khắp thế giới, Paris cho rằng, họ đã đóng góp nhiều hơn mức cần thiết cho hoạt động phòng thủ của liên minh, duy trì một mức độ sẵn sàng chiến đấu ở mức cao và rót hàng tỉ USD vào các nghiên cứu quốc phòng. Paris sẽ không cản trở thỏa thuận nhưng sẽ để phiếu trắng, ba nhà ngoại giao của NATO cho hay.
Chi tiêu quốc phòng của Pháp cao hơn của Đức. Paris nói rằng, nước này sẽ đáp ứng yêu cầu chi 2% GDP cho quốc phòng sớm nhất là vào năm 2025 trong khi Đức sẽ đạt mức này vào năm 2031, giới chức ở hai nước cho biết.
Tổng thống Trump cáo buộc các đồng minh Châu Âu, đặc biệt là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu – Đức, về việc coi sự bảo vệ của Mỹ là đương nhiên. Washington muốn các nước thành viên NATO phải chi nhiều hơn, chia sẻ gánh nặng tài chính với Mỹ.
Kể từ khi Tổng thống Trump lên cầm quyền, số phận của NATO liên tục bị đặt dấu chấm hỏi. Ông chủ Nhà Trắng nhiều lần thể hiện sự khó chịu và tức giận trước việc các nước thành viên NATO không đáp ứng đúng quy định về chi tiêu quốc phòng.
Ông Trump đã dùng những lời lẽ gay gắt để công khai chỉ trích, lên án các nước đồng minh tại các hội nghị thượng đỉnh NATO. Nhà lãnh đạo nước Mỹ từng gây sốc khi đặt câu hỏi về giá trị của liên minh NATO đối với nước Mỹ. Ông này đã có hàng loạt cuộc thảo luận với giới chức an ninh hàng đầu của Mỹ để bàn về việc rút Mỹ ra khỏi NATO. Diễn biến này thực sự đã khiến các đồng minh phương Tây của Mỹ choáng váng.
Tổng thống Trump vẫn thường cáo buộc các thành viên của NATO chất mọi gánh nặng chi tiêu quốc phòng lên Mỹ. Mỹ hiện tại là thành viên mạnh nhất của NATO. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ nhiều hơn chi tiêu của tất cả các nước thành viên khác cộng lại.
Năm 2016, Mỹ đóng góp 3,61% GDP cho ngân sách quốc phòng trong khi Đức chỉ đóng góp 1,19% GDP. 10 nước khác thậm chí còn đóng góp ít hơn và 7 nước, trong đó có Canada, Italia và Tây Ban Nha, sẽ phải tăng gần gấp đôi ngân sách để đạt được mục tiêu đề ra. Luxembourg sẽ phải tăng gấp 4 lần ngân sách quốc phòng để đáp ứng mục tiêu.