Nguy cơ xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc do căng thẳng tại Eo biển Đài Loan

Bùi Hùng |

Việc Trung Quốc tập trận xung quanh khu vực Eo biển Đài Loan và đã phóng 11 tên lửa trong đó có 5 tên lửa rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản đã dấy lên căng thẳng mới tại khu vực.

Căng thẳng Mỹ-Trung vẫn đang tiếp diễn, thì dư luận lại lo ngại rằng một căng thẳng mới giữa Nhật-Trung có lẽ sẽ không tránh khỏi.

Xung đột Nhật-Trung?

Cuộc tập trận mà Trung Quốc thực hiện nhằm phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Nhật Bản cũng có đồng quan điểm với Mỹ về vấn đề Đài Loan. Chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio khi thành lập Nội các cũng đã thêm một Bộ phụ trách vấn đề nhân quyền, mà Bộ này có trách nhiệm theo dõi những vấn đề liên quan đến Đài Loan.

Theo chuyên gia quân sự của Đài Loan, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1996 Trung Quốc thực hiện phóng tên lửa xung quanh khu vực Eo biển Đài Loan. Và căng thẳng quân sự tại khu vực này đang trở nên căng thẳng. Đài Loan lên án đây là hành vi khiêu khích trật tự quốc tế, phá hoại hiện trạng eo biển Đài Loan.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo ngay lập tức đã lên án việc Trung Quốc phóng tên lửa khi tập trận, và hơn thế nữa tên lửa lại rơi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Đây là hành động không thể chấp nhận được bởi là “vấn đề lớn liên quan đến an ninh quốc gia và an toàn của người dân Nhật Bản”. Đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản là Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc.

Dự kiến Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận đến hết chiều ngày 7/8. Trong thời gian tập trận, Trung Quốc yêu các tàu thuyền, máy bay không đi qua khu vực diễn tập. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục phóng tên lửa trong khi diễn tập. Trong một tuyên bố đưa ra, quân đội Trung Quốc nhấn mạnh rằng “tất cả đã nhằm mục tiêu một cách chính xác”. Với tuyên bố này Nhật Bản không thể không xem là mục tiêu của Trung Quốc nhắm tới.

Nhật Bản cũng thông tin thêm, trong cuộc diễn tập diễn ra vào ngày hôm qua (4/7) có khoảng 100 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, 10 tàu tham gia. Trong 11 tên lửa có 4 tên lửa được phóng từ tỉnh Phúc Kiến với khoảng cách từ 500 đến 550km xuống phía Đông eo biển Đài Loan. Ngoài tên lửa, Nhật Bản đang lo ngại việc Trung Quốc thực hiện diễn tập bắn đạn thật.

Một quan chức thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho rằng tình hình khu vực đang căng thẳng và các chuyến bay của Nhật Bản tới Đài Bắc, các nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng, gây bất tiện cho sinh hoạt người dân.

Mâu thuẫn từ bàn đàm phán

Trước đó, trong ngày 4/8, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến có cuộc gặp, tuy nhiên, phía Trung Quốc bất ngờ hủy cuộc gặp. Lý do không được công bố cụ thể, nhưng giới phân tích cho rằng Trung Quốc muốn phản đối Nhật Bản khi có cùng lập trường với Mỹ trong vấn đề Đài Loan. Mặt khác, Ngoại trưởng Nhóm G7 ngày 3/8 cũng đã ra tuyên bố phê phán sự uy hiếp quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Trong các cuộc gặp với Ngoại trưởng Campuchia, Ngoại trưởng Australia, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước hoạt động quân sự của Trung Quốc với mục đích phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới Đài Loan, khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước ASEAN và các quốc đảo Thái Bình Dương hướng tới thực hiện khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong sáng nay, Thủ tướng Kishida Fumio đã hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đang ở thăm Nhật Bản. Dư luận tập trung vào việc hai bên sẽ trao đổi ý kiến về căng thẳng tại eo biển Đài Loan cũng như căng thẳng mới giữa Nhật-Trung khi liên quan tới vấn đề Đài Loan.

Tháng 9 năm nay, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, sự kiện vốn trước đó được coi là sẽ cải thiện mối quan hệ, nhưng với tình hình này nguy cơ hai nước không tổ chức với qui mô quốc gia. Trung Quốc đã thể hiện rõ lập trường của mình về vấn đề Đài Loan, đó là “một Trung Quốc”, không nước nào có quyền can thiệp nội bộ. Những bên nào xâm phạm điều này thì Trung Quốc sẽ không nhân nhượng.

Phía Nhật Bản cùng với Mỹ không chấp nhận điều đó và đều đưa vấn đề Đài Loan ra thảo luận tại các diễn đàn quốc tế, thúc đẩy hợp tác riêng rẽ với Đài Loan. Thậm chí đưa vấn đề Đài Loan vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Điều này khiến Trung Quốc không khỏi “nổi nóng” và phản kháng.

Vì vậy, căng thẳng Mỹ-Trung mà xuất phát đầu tiên từ góc độ kinh tế vẫn đang “sôi sục”, thì giờ đây một căng thẳng mới giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ góc độ quan điểm chính trị có thể sẽ bùng phát. Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc-cường quốc thứ 2 thế giới với Mỹ và Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tới cục diện thế giới, nhất là trong bối cảnh tất cả các quốc gia, khu vực vẫn đang đối mặt với đại dịch, hậu quả của đại dịch Covid-19 mang lại./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại