Khuyến cáo được đưa ra chỉ vài giờ sau khi trận động đất có độ lớn 7,1 ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Miyazaki làm rung chuyển khu vực Tây Nam Nhật Bản. Nguyên nhân vì sao Nhật Bản thường xảy ra động đất lớn lại một lần nữa được nhắc đến. Bên cạnh đó là cách người dân đất nước Mặt trời mọc ứng phó với thảm họa thiên nhiên này.
Các nhà địa chất Nhật Bản đã có một cuộc họp khẩn cấp sau trận động đất có độ lớn 7,1 ngoài khơi tỉnh Miyazaki. Hiện, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã kiến nghị đưa 707 thành phố, thị trấn thuộc 29 địa phương từ tỉnh Ibaraki đến tỉnh Okinawa nằm trong diện dự báo sẽ có động đất với độ lớn từ 6,0 trở lên và sóng thần có thể cao từ 3m trở lên.
Một ngôi nhà bị sập do động đất ở thành phố Osaki, tỉnh Miyazaki (Ảnh: AFP)
Theo các nhà địa chất, Nhật Bản là một trong những quốc gia có hoạt động địa chấn mạnh nhất trên thế giới do nằm trên ranh giới của 4 mảng kiến tạo khiến động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Với việc nằm ngay trên vành đai lửa Thái Bình Dương, mỗi thế kỷ, Nhật Bản đều phải hứng chịu một vài trận động đất mạnh có sức tàn phá kinh hoàng.
Ông Clive Oppenheimer - Giáo sư khoa Địa lý, Trường Đại học Cambridge - phân tích: "Nhật Bản nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương. Đây cũng là nơi xảy ra nhiều trận động đất rất mạnh. Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cả hai nằm cùng vị trí vành đai, nơi xác định ranh giới của mảng Thái Bình Dương".
Ước tính, Nhật Bản mỗi năm hứng chịu khoảng 2.000 trận động đất mà con người có thể cảm nhận được. Những cảnh báo về động đất hay sóng thần cũng không còn là điều quá xa lạ đối với người dân Nhật Bản nhưng họ không hoảng sợ mà tìm cách thích nghi với nó. Người dân biết cách ứng phó khi động đất xảy ra, từ hệ thống cảnh báo sớm trên điện thoại đến các biện pháp kỹ thuật chống chịu rung lắc cho các công trình. Các cuộc diễn tập phòng chống thiên tai thường xuyên được tổ chức, giúp người dân luôn sẵn sàng ứng phó với các tình huống.
Ông Clive Oppenheimer cho biết: "Còi báo động sẽ reo trong 5 phút khi xảy ra thảm họa. Mọi người đều chú ý và ý thức được rủi ro. Nhưng sẽ không có kiểu hoảng loạn, vội vã hay bất cứ điều gì bởi mọi người đều biết phải làm gì trong tình huống đó".
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã quyết định hủy chuyến thăm đến các nước Trung Á là Kazakhstan, Uzbekistan và Mông Cổ dự kiến diễn ra từ ngày 9 - 12/8 để tập trung chỉ đạo công tác ứng phó với nguy cơ xảy ra động đất lớn trong tuần tới. Dự báo, nếu siêu động đất xảy ra, các đợt rung chấn mạnh có thể xảy ra trên một diện rộng từ vùng Kanto đến vùng Kyushu và sóng thần cao sẽ xuất hiện dọc theo bờ biển Thái Bình Dương từ vùng Kanto đến vùng Okinawa.