Tình trạng này diễn ra sau khi một số trang mạng và cá nhân có uy tín ở Campuchia bày tỏ sự bất bình trước việc Thái Lan có kế hoạch đề nghị Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận kịch múa mặt nạ “Khon” truyền thống là Di sản văn hóa phi vật thể UNESCO.
Theo Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan Veera Rojpojanarat, dù có kế hoạch đề cử, nước này vẫn chưa chính thực đệ trình hồ sơ lên UNESCO do hiện Bangkok chưa tham gia Công ước Bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể.
Ông Veera cũng nói rằng hai nước hoàn toàn có thể cùng đệ trình UNESCO công nhận hoặc có hồ sơ đề cử riêng như trường hợp Triều Tiên và Hàn Quốc đã từng làm với món kim chi truyền thống.
Trong vài ngày qua, các trang mạng ở Campuchia đã tràn ngập thông tin phản đối kế hoạch của Thái Lan với lý do rằng kịch múa “Khon” của Thái Lan có xuất xứ từ một di sản của văn hóa Khmer và có tên gọi theo tiếng Khmer là “Lakhon Khol."
Dư luận tại Campuchia cũng đồng thời chỉ trích chính phủ nước này không có hành động kịp thời ngăn chặn đề xuất của phía Thái Lan.
Sau khi xuất hiện sự phản đối này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đã viết trên Facebook cá nhân rằng Phnom Penh đang chuẩn bị đề cử kịch múa “Lakhon Khol” là Di sản văn hóa phi vật thể UNESCO.
Người phát ngôn Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia Norak Satya cũng cho biết nước này đã bắt đầu chuẩn bị hồ sơ và đã đi trước Thái Lan rất nhiều trong công tác nghiên cứu vấn đề, đồng thời cũng nhấn mạnh Thái Lan chưa phải là thành viên của Công ước Di sản thế giới.
Dựa trên Sử thi Ramayana, kịch múa mặt nạ có nhiều phiên bản khác nhau tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có cả Lào.
Điệu múa được gọi là Khon trong tiếng Thái, Lakhon Khol trong tiếng Khmer và Pra Lak Pra Ram trong tiếng Lào.
Xung đột vũ trang từng nổ ra giữa Thái Lan và Campuchua kể từ năm 2008 khi Phnom Penh đệ trình di sản Đền Preah Vihear làm Di sản Văn hóa thế giới. Thái Lan đã phản đối điều này nhưng không thành công./.