Hiện chỉ có Bulgaria được EU cho phép nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển, tuyến đường này sẽ hoạt động đến cuối năm 2024. Ảnh: Euractiv
Theo mạng tin Euractiv.bg (Bulgaria) mới đây, sự ổn định chính trị của Bulgaria đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng thị trường nhiên liệu khi liên minh cầm quyền muốn cắt giảm phụ thuộc vào dầu mỏ Nga.
Một số nguồn tin trong quốc hội và chính phủ Bulgaria xác nhận với Euractiv.bg rằng điều này có liên quan đến vấn đề gây tranh cãi với tập đoàn năng lượng Lukoil của Nga, công ty sở hữu nhà máy lọc dầu Neftochim Burgas và độc quyền trên thị trường bán buôn tại Bulgaria.
Mặc dù rõ ràng rằng Bulgaria đang hướng tới giảm phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực dầu mỏ, nhưng nước này dường như muốn sử dụng việc xử lý nguồn năng lượng của Nga như một lý do để được chấp nhận vào khu vực miễn thực thực Schengen và đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) của EU.
“Chưa có gì được quyết định cả. Vấn đề sẽ tiếp tục được thảo luận”, một thành viên của phe đa số trong liên minh cầm quyền của Chính phủ Bulgaria cho biết trong điều kiện giấu tên.
Trong khi đó, Thủ tướng Bulgaria Nikolay Denkov được cho là đã phản đối đưa ra biện pháp cứng rắn với Lukoil, đặc biệt liên quan đến việc quốc hữu hóa nhà máy lọc dầu lớn nhất ở Balkan này, và nhấn mạnh rằng nhà máy lọc dầu đó có thể tiếp tục hoạt động với nguồn cung được đảm bảo và giá nhiên liệu không tăng đáng kể.
Chính phủ Bulgaria cũng đề xuất nước này tiếp tục hợp tác với công ty dầu mỏ của Nga cho đến mùa xuân năm 2024, nhưng đa số trong quốc hội khẳng định thời hạn này sẽ giảm xuống đến cuối năm 2023. Những người kiên quyết chấm dứt nhanh chóng hợp đồng với Lukoil là đảng GERB của cựu thủ tướng Boyko Borissov hiện có số ghế lớn nhất trong quốc hội Bulgaria và đảng thiểu số DPS.
Vấn đề lớn nhất
Tương lai của nhà máy lọc dầu ở Burgas của Lukoil là một trong những vấn đề lớn nhất đối với liên minh ủng hộ châu Âu mong manh hiện nay tại Bulgaria. Những bước đi sai lầm trong tương lai đối với Lukoil sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn, nguy cơ rất cao sẽ là cái cớ để các đảng chỉ trích chính phủ.
Trong một báo cáo đệ trình lên Hội đồng An ninh Quốc gia của Chính phủ Bulgaria, cơ quan an ninh nước này (SANS) dự báo rằng khi nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển bị giảm xuống, giá nhiên liệu sẽ tăng ít nhất 0,1 - 0,15 euro/lít.
Báo cáo của SANS cũng cảnh báo các nhà chức trách về khoản vay gần 800 triệu USD do Litasco cấp cho Neftochim Burgas. Phần lớn trong số đó đã được hoàn trả, nhưng trong trường hợp chấm dứt sớm hợp đồng, chủ nợ có thể tuyên bố vỡ nợ 300 triệu USD còn lại và phá sản nhà máy lọc dầu. Điều này có thể sẽ gây ra chấn động trên thị trường nhiên liệu ở Bulgaria và Bắc Macedonia.
Nếu vì những lý do khác nhau, nhà máy lọc dầu trên phải đóng cửa, Bulgaria sẽ phải dựa vào các thương nhân địa phương để nhập khẩu nhiên liệu, việc này cần có thời gian. Dữ liệu từ tháng 6/2023 cho thấy Bulgaria chỉ có trữ lượng nhiên liệu trong hai tháng.
Trong tháng 9 này, khi phiên họp mùa thu của Quốc hội Bulgaria được triệu tập trở lại, các nghị sĩ sẽ thảo luận về vấn đề trên. Hiện Bulgaria là nước duy nhất ở châu Âu được EU cho phép nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển, tuyến đường này sẽ hoạt động đến cuối năm 2024.
Ngày 21/7 vừa qua, Quốc hội Bulgaria đã bỏ phiếu về việc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền sử dụng kho cảng dầu Rosenets, gần cảng Burgas ở Biển Đen, của công ty dầu mỏ Lukoil thuộc Nga, với mục đích sau đó Bulgaria tiếp quản lại cảng và đẩy nhanh tiến độ để Bulgaria gia nhập hiệp ước Schengen của EU.
Cảng Rosenets, ngay bên ngoài Burgas, là cảng dầu chuyên dụng duy nhất trên bờ Biển Đen của Bulgaria, nằm dưới sự kiểm soát của Lukoil kể từ năm 2011 trên cơ sở hợp đồng thuê đất 35 năm. Cảng này phục vụ nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria, Neftochim Burgas, có công suất xử lý 196.000 thùng/ngày, cũng thuộc sở hữu của Lukoil. Hồi tháng 1 năm nay, Quốc hội Bulgaria đã thông qua một quyết định mở đường cho chính phủ tiếp quản hoạt động của nhà máy lọc dầu này trong tối đa một năm.