Nguy cơ chiến tranh toàn diện và tính toán của Israel và Hamas ở “chảo lửa” Gaza

Kiều Anh |

Cuộc xung đột leo thang nghiêm trọng ở “chảo lửa” Gaza liệu có biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện, trong khi Israel và Hamas đang có những tính toán gì đằng sau diễn biến trên?

Khói bốc lên sau khi Israel không kích một tòa nhà ở thành phố Gaza ngày 13/5/2021. Ảnh: AP

Khói bốc lên sau khi Israel không kích một tòa nhà ở thành phố Gaza ngày 13/5/2021. Ảnh: AP

Liệu chiến tranh toàn diện có xảy ra ở Dải Gaza?

Israel và lực lượng Hamas đều hiểu, cuộc chiến tranh thứ 4 ở Dải Gaza, giống như 3 cuộc giao tranh trước đó, sẽ không thể đem đến giải pháp cuối cùng cũng như gây nên tổn thất ra sao cho khu vực của 2 triệu người Palestine sinh sống này. Trong những ngày hoặc những tuần trước khi một hiệp định đình chiến diễn ra, mỗi bên đều muốn tuyên bố chiến thắng nhằm phục vụ cho những toan tính riêng của mình.

Với Israel, một chiến thắng nghĩa là ám sát thành công một lãnh đạo cấp cao của Hamas hoặc phá hủy số lượng nhất định các đường hầm, bệ phóng tên lửa và một số cơ sở hạ tầng khác nhằm thực hiện chiến thuật “cắt cỏ”, một cụm từ được phía Israel sử dụng rộng rãi ám chỉ việc trấn áp tạm thời lực lượng chiến binh Palestine trước cuộc đối đầu tiếp theo.

Với lực lượng Hamas, cái giá lớn nhất mà lực lượng này muốn đạt được là bắt giữ các binh lính Israel để sau đó trao đổi với những người Palestine bị bắt giữ. Nhóm này cũng muốn thông qua việc một số tên lửa tầm xa rơi trúng các thành phố của Israel để thể hiện năng lực quân sự của mình khi đối đầu với một kẻ thù mạnh hơn nhiều.

Dĩ nhiên, việc ám sát một nhân vật chủ chốt của Hamas hay việc bắt giữ một binh lính Israel sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng nghiêm trọng và có thể khiến một số lượng lớn dân thường ở Dải Gaza thiệt mạng. Tuy nhiên, cả hai bên đều không cho rằng họ sẽ sử dụng các phương tiện quân sự để đạt được những mục tiêu lớn hơn. Thay vào đó, những gì mà cả hai bên có thể mong đợi là một giải pháp tương tự như hiệp định đình chiến không chính thức do quốc tế làm trung gian từng chấm dứt các cuộc chiến tranh giữa lực lượng Hamas và Israel vào năm 2009, 2012 và 2014.

Để lật đổ Hamas, Israel sẽ cần chiếm lại Gaza trong một chiến dịch trường kỳ và đẫm máu, cũng như có thể gây ra sự chỉ trích dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Do đó, thậm chí những người có lập trường cứng rắn nhất của Israel cũng không trông đợi vào viễn cảnh này. Tương tự, Hamas không hy vọng có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa của Israel và Ai Cập áp lên Dải Gaza khi lực lượng này nắm quyền từ các lực lượng đối lập Palestine khác vào năm 2007.

Các rocket mà lực lượng Hamas nã vào Israel với 1/4 trong số này rơi ở Gaza đã dẫn đến loạt không kích đáp trả của Israel. Tính đến ngày 16/5, ít nhất 197 người ở Gaza đã thiệt mạng, trong đó có 58 trẻ em và 34 phụ nữ. Số người bị thương trong tuần vừa qua là 1.225 người và con số này chắc chắn sẽ còn tăng thêm. Những quả rocket cũng khiến 10 người Israel thiệt mạng cũng như gây ra sự hoảng loạn ở Tel Aviv và Jerusalem.

Tính toán của Israel và lực lượng Hamas

Việc Hamas phóng tên lửa dù trúng hay không trúng các mục tiêu đều đang giúp Hamas đạt được những tính toán nhất định. Trong những năm gần đây, lực lượng này đã tiến hành một lệnh ngừng bắn không chính thức với Israel, đánh đổi việc duy trì tình hình lắng dịu để được chấm dứt lệnh phong tỏa và nhận hàng triệu USD hỗ trợ từ Qatar được vận chuyển thường xuyên qua cửa khẩu Erez của Israel.

"Số người thiệt mạng và sự phá hủy từ các cuộc không kích thật kinh khủng", Tareq Baconi - một nhà quan sát thuộc Nhóm Phân tích Khủng hoảng Quốc tế cho hay. Tuy nhiên, đối với Hamas, “đây là điều không thể tránh khỏi khi người Palestine chống lại sự chiếm giữ của Israel".

Việc phóng rocket cũng giúp Hamas tập hợp sự ủng hộ bằng cách tự xây dựng hình ảnh của mình như một phong trào tự do đấu tranh cho quyền lợi của người Palestine và bảo vệ chủ quyền với Jerusalem - tâm điểm của cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.

"Theo tôi, cả hai bên đều muốn chấm dứt cuộc xung đột này và trở về nhà. Hamas đã nhận được nhiều thứ hơn những gì mà lực lượng này mong muốn khi phóng các rocket tầm xa vào Jerusalem và Tel Aviv, cũng như kích động bạo lực trong các thành phố của Israel. Nếu họ tiếp tục, sẽ có nhiều thương vong, tổn thất và khó khăn hơn cho Gaza", Amos Harel - một phóng viên về quân sự cho tờ Haaretz của Israel nhận định.

Ron Ben-Yishai, một nhà quan sát kỳ cựu về chiến tranh Israel thì cho rằng Tel Aviv không thể điều động các lực lượng trên mặt đất trừ khi Hamas tiến hành một cuộc tấn công "thảm khốc".

"Chẳng hạn, nếu Hamas phóng một tên lửa lớn và tên lửa này rơi trúng một nhà trẻ ở Israel, điều này sẽ dẫn đến một cuộc tấn công trên mặt đất", ông Yishai nhận định.

Hamas đã giành được thắng lợi lớn trước các đối thủ của mình giữa bối cảnh Chính quyền Palestine ngày càng mất đi ảnh hưởng và chỉ còn kiểm soát một số khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.

Tháng trước, Tổng thống Mahmoud Abbas đã hoãn cuộc bầu cử đầu tiên của Palestine trong 15 năm giữa bối cảnh hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy đảng Fatah của ông sẽ đánh bại được Hamas. Vị thế của lực lượng Hamas ngày càng tăng lên trong chi Tổng thống Mahmoud Abbas hầu như đứng ngoài cuộc xung đột.

Trong khi đó, Israel cũng thu được những lợi thế nhất định từ việc duy trì hiện trạng ở Gaza. Nước này thường đổ lỗi sự thất bại của tiến trình hòa bình cho Hamas, đồng thời coi lực lượng này là một nhóm khủng bố.

Tuy nhiên, nhà quan sát Harel nhận định, với nhiều người Israel, Hamas là "một kẻ thù được yêu thích" bởi lực lượng này bác bỏ giải pháp 2 nhà nước. Điều đó sẽ giúp Israel cô lập Gaza để khu vực này không bùng nổ thành một cuộc xung đột quy mô lớn, đồng thời củng cố quyền kiểm soát Đông Jeruslaem và khu Bờ Tây.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chưa bao giờ công khai nói về điều này nhưng "một nguồn tin cho biết ông thực sự khá thoải mái với Hamas", nhà quan sát Harel đánh giá.

Israel đã chiếm khu vực Đông Jerusalem, khu Bờ Tây và Gaza trong cuộc chiến tranh năm 1967, những vùng lãnh thổ mà người Palestine muốn bao gồm trong nhà nước tương lai của họ. Năm 2005, Israel đã rút quân và dân thường khỏi Gaza.

Tuy nhiên, nhiều người Palestine và cộng đồng quốc tế vẫn coi Gaza là một khu vực bị chiếm đóng và nên là một phần của nhà nước Palestine. Hơn một nửa dân số ở Gaza là hậu duệ của những người tị nạn từ Israel, quốc gia kiểm soát không phận, lãnh hải, đăng ký dân số và các cửa khẩu thương mại của khu vực này. Bất kỳ một giải pháp rộng khắp nào cho cuộc xung đột hiện nay đều là viễn cảnh xa tầm tay.

Không có một cuộc trao đổi hòa bình đáng kể nào trong hơn 1 thập kỷ qua và việc mở rộng các khu định cư, cũng như kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây của Israel đã khiến nước này vấp phải chỉ trích.

Ngoài ra, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Hamas sẽ chấm dứt quyền kiểm soát ở Gaza cũng như các lệnh phong tỏa mà Israel cho là cần thiết để kiềm chế nhóm này.

"Dù cuộc tấn công trên mặt đất có diễn ra hay không thì điều đó không quan trọng. Israel vẫn sẽ duy trì một chiến lược rộng khắp mà nước này gọi là cắt sạch cỏ. Điều đó tức là hiện trạng sẽ được giữ nguyên và mỗi khi Gaza trở nên quá mạnh, hãy tấn công họ", nhà phân tích Baconi đánh giá.

Jean-Paul Chagnollaud, người đứng đầu Viện nghiên cứu Institut de recherche et d'études Méditerranée Moyen-Orient ở Paris thì cho rằng: "Các cuộc không kích của Hamas cho thấy lực lượng này đã chuẩn bị cho một tình huống như hiện nay và quyết tâm chống lại Israel. Hamas có cơ hội để giành được những lợi thế chính trị lớn và đánh bóng hình ảnh như một nhân tố quan trọng trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine".

“Tuy nhiên, các cuộc leo thang quân sự như vậy luôn dẫn đến một kịch bản giống nhau - đó là chết chóc, bạo lực và bế tắc chính trị”, chuyên gia này nhận định./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại