Dưới đây là nội dung bài viết tiêu đề "Nguy cơ chiến tranh tiền tệ điện tử cận kề" của tác giả Kenneth Rogoff đăng trên Project Syndicate. Ông là giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Harvard, nhận Giải Deutsche Bank về Kinh tế Tài chính. Ông là kinh tế gia trưởng tại Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) giai đoạn 2001 - 2003.
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg ít nhất đã đúng một nửa khi nói với quốc hội Mỹ rằng Mỹ sẽ không thể độc quyền trong công nghệ thanh toán thế hệ tiếp theo.
"Các ngài có thể không thích tiền điện tử Libra của Facebook", Zuckerberg gợi ý, "nhưng một loại tiền điện tử Trung Quốc do chính phủ quản lý với tham vọng toàn cầu có thể sẽ được tung ra chỉ vài tháng nữa, và các ngài thậm chí còn không thích điều đó hơn".
Có lẽ Zuckerberg đã đi quá xa khi cho rằng sự trỗi dậy của một loại tiền điện tử Trung Quốc có thể làm suy yếu sự thống trị nói chung của đồng USD trong thương mại và tài chính toàn cầu - ít nhất là phần lớn các giao dịch hợp pháp, bị đánh thuế và được theo dõi. Trên thực tế, các cơ quan quản lý của Mỹ có quyền lực lớn không chỉ đối với các đơn vị trong nước mà còn đối với bất kỳ công ty tài chính nào cần tiếp cận thị trường USD, điều gần đây châu Âu đã học được khi Mỹ buộc các ngân hàng châu Âu tuân thủ các hạn chế nghiêm ngặt trong làm ăn với Iran.
Các thị trường sâu và thanh khoản lớn, các định chế tài chính lớn mạnh và hệ thống luật pháp của Mỹ sẽ là rào cản lớn với tham vọng thống trị tiền tệ của Trung Quốc trong một thời gian dài. Khó khăn trong kiểm soát vốn, bị giới hạn nắm giữ trái phiếu và cổ phiếu nước ngoài cùng sự bất ổn chung của hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ khiến CNY mất nhiều thập kỷ để thay thế USD trong nền kinh tế toàn cầu hợp pháp.
Sự xuất hiện sắp tới của một đồng tiền điện tử của Trung Quốc có ảnh hưởng nhất định đến kinh tế thế giới. Ảnh: Getty Images.
Kiểm soát nền kinh tế ngầm, trái lại, là vấn đề hoàn toàn khác. Kinh tế ngầm toàn cầu, bao gồm chủ yếu là các hoạt động trốn thuế và tội phạm, thậm chí khủng bố, nhỏ hơn nhiều so với nền kinh tế hợp pháp (chỉ bằng khoảng 1/5), nhưng vẫn rất quan trọng. Vấn đề ở đây không phải là đồng tiền nào chiếm ưu thế mà là làm sao để giảm thiểu tác động bất lợi. Sự xuất hiện của một loại tiền điện tử Trung Quốc chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định.
Về nguyên tắc, một loại tiền điện tử do Mỹ quản lý có thể được theo dõi bởi các nhà chức trách Mỹ. Tuy nhiên, nếu đồng tiền điện tử được triển khai ở Trung Quốc, Mỹ sẽ có ít lợi thế hơn. Các nhà quản lý phương Tây có thể cấm sử dụng đồng tiền điện tử của Trung Quốc, nhưng điều đó sẽ không ngăn nó được sử dụng ở các vùng rộng lớn ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á, qua đó có thể đáp ứng một số nhu cầu ngầm ngay cả ở Mỹ và châu Âu.
Cũng có người đặt ra câu hỏi tại sao các loại tiền điện tử hiện tại như Bitcoin không thể thực hiện chức năng này. Ở một mức độ cực kỳ hạn chế, chúng có thể làm được. Nhưng các cơ quan quản lý trên toàn thế giới có động cơ mạnh mẽ để kiềm chế tiền điện tử bằng cách nghiêm cấm sử dụng loại tiền này trong các ngân hàng và cơ sở bán lẻ. Những hạn chế như vậy khiến cho tiền điện tử hiện tại có thanh khoản rất thấp và cuối cùng bị hạn chế rất nhiều giá trị cơ bản.
Đồng CNY điện tử được Trung Quốc hỗ trợ thì khác, có thể dễ dàng được sử dụng ở một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thật vậy, khi Trung Quốc công bố loại tiền điện tử mới, nó gần như chắc chắn “được cấp phép”. Một cơ quan thanh toán bù trừ về nguyên tắc sẽ cho phép chính phủ Trung Quốc biết mọi thứ họ muốn. Nhưng Mỹ thì không.
Libra của Facebook cũng được thiết kế như một loại tiền tệ “được cấp phép”, trong trường hợp này dưới sự bảo trợ của các nhà quản lý Thụy Sĩ. Hợp tác với Thụy Sĩ, nơi đồng tiền được đăng ký chính thức, chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với Trung Quốc, dù Thụy Sĩ từ lâu có truyền thống gia tăng quyền riêng tư cho các giao dịch tài chính, đặc biệt liên quan đến trốn thuế.
Việc Libra được neo vào USD sẽ cho chính quyền Mỹ thêm nhiều thông tin, bởi vì hiện tại tất cả các khoản thanh toán bằng USD phải thông qua các cơ quan quản lý Mỹ. Tuy nhiên, do chức năng của Libra phần lớn trùng khớp với các công cụ tài chính hiện có, khó có thể thấy nhiều nhu cầu cơ bản đối với Libra ngoại trừ những người muốn tránh bị phát hiện. Trừ khi các loại tiền công nghệ cung cấp công nghệ thực sự vượt trội - và điều này hoàn toàn không rõ ràng - chúng nên được quản lý theo cùng một cách như mọi thứ khác.
Libra đã truyền cảm hứng cho nhiều ngân hàng trung ương có nền kinh tế tiên tiến đẩy nhanh các chương trình cung cấp các loại tiền điện tử bán lẻ rộng lớn hơn và, hy vọng rằng, sẽ tăng cường nỗ lực của họ để thúc đẩy tài chính toàn diện. Nhưng cuộc chiến này không chỉ đơn giản là về lợi nhuận từ việc in tiền; cuối cùng, đó là về khả năng điều tiết và đánh thuế nền kinh tế nói chung, và khả năng sử dụng vị thế toàn cầu của đồng USD để thúc đẩy các mục tiêu chính sách quốc tế của chính phủ Mỹ.
Mỹ đang áp lệnh trừng phạt tài chính đối với 12 quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ đã bị trừng phạt ngắn vào tháng 10 sau khi tiến quân vào lãnh thổ của người Kurd ở Syria, các biện pháp trừng phạt đã nhanh chóng được dỡ bỏ. Đối với Nga, các lệnh trừng phạt đã kéo dài trong 5 năm.
Giống như cách ảnh hưởng tới truyền thông, chính trị và kinh doanh, công nghệ rất có thể sẽ lấy đi khả năng tận dụng niềm tin vào đồng USD để theo đuổi lợi ích quốc gia lớn hơn của Mỹ. Libra có lẽ không phải là đáp án cho sự xáo trộn sắp tới được gây ra bởi tiền điện tử của Trung Quốc hay các nơi khác. Chính phủ các nước phương Tây cần bắt đầu suy nghĩ đối sách ngay bây giờ, trước khi quá muộn.