Nguy cơ các trạm xăng tại Pháp lại phải đóng cửa do thiếu nhiên liệu vì biểu tình

Mạnh Hà |

Người dân Pháp một lần nữa lại đứng trước nỗi lo thiếu nhiên liệu khi nhiều cây xăng lại rơi vào tình trạng đói xăng hoặc dầu khi các cuộc đình công, tuần hành phản đối dự luật hưu trí do các nghiệp đoàn phát động bắt đầu lan rộng đến các nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ.

Nhật báo Le Figaro trích dẫn số liệu từ cổng điện tử chính phủ Pháp cho biết, tính đến hết ngày 11/3, gần 5% các trạm xăng tại Pháp đã không còn dầu diesel hoặc các loại xăng như SP95, SP98 hay E5 để bán. Đặc biệt tại các tỉnh phía Tây như Calvados, Orne, Mayenne, Sartre, Vienne, Eure-et-Loir, Indre-et-Loire hay một phần vùng thủ đô Ile-de-France, tỷ lệ cây xăng hoàn toàn cạn kiệt xăng hoặc dầu đã vượt qua ngưỡng 10%.

Nguy cơ các trạm xăng tại Pháp lại phải đóng cửa do thiếu nhiên liệu vì biểu tình - Ảnh 1.

Người dân Pháp đang lo ngại tình trạng thiếu xăng dầu quay lại. Ảnh: Le Parisien

Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ các phong trào đình công phản đối cải cách dự luật hưu trí của chính phủ lan rộng tại các nhà máy lọc hoá dầu tại Pháp. Kể từ ngày 7/3, theo lời kêu gọi của Tổng Công đoàn lao động Pháp (CGT), công nhân tại các nhà máy lọc dầu thuộc tập đoàn năng lượng TotalEnergies bắt đầu đình công và tiến hành phong toả khoảng 20% các cơ sở lọc dầu và lưu trữ tại các tỉnh thành kể trên.

Trong khi đó, lãnh đạo tập đoàn TotalEnergies cho biết hiện hơn một nửa nhà máy lọc dầu và cây xăng thuộc tập đoàn vẫn duy trì hoạt động sản xuất trong khi các kho lưu trữ vẫn ở mức cao, đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong vài tuần nếu không bị các nghiệp đoàn phong toả.

Để xoa dịu lo ngại của người dân Pháp về nguy cơ tái diễn tình trạng thiếu nhiên liệu từng kéo dài trong gần 1 tháng hồi cuối năm 2022, Bộ trưởng Giao thông Pháp ông Clément Beaune khẳng định đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho người dân và chính phủ sẽ hành động nếu các cơ sở lưu trữ bị người biểu tình phong toả.

“Đã có một số hành động vô trách nhiệm, giống như là sự đe doạ, nhuốm màu sắc chính trị. Đó không phải là hoạt động của công đoàn, không phải là quyền được biểu tình. Chính phủ sẽ không để các hoạt động phong toả quy mô tại các nhà máy lọc dầu xảy ra cũng như không để lĩnh vực kinh tế sống còn của đất nước bị dừng lại. Chính phủ có các công cụ pháp lý để can thiệp nếu cần thiết”, ông Beaune nói.

Trong giai đoạn từ cuối tháng 9/2022 cho đến cuối tháng 10/2022, người dân Pháp đã từng phải xếp hàng hàng cây số tại tại các trạm xăng để được tiếp nhiên liệu sau khi các nghiệp đoàn lớn tại Pháp tiến hành các cuộc tổng đình công kéo dài, phong toả các nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ để đòi tăng lương bù cho mức lạm phát tăng cao. Tình trạng thiếu nhiên liệu đã có những thời điểm khiến khoảng 40% trạm xăng tại Pháp đã phải đóng cửa và làm cho mạng lưới giao thông rơi vào tình trạng tê liệt./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại