Cảnh đổ nát sau các cuộc oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza, ngày 22/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Dẫn lời các chuyên gia, đài truyền hình CNBC ngày 23/11 đưa tin tình hình leo thang hiện tại của cuộc xung đột, bắt đầu vào ngày 7/10, đã tước đi nguồn thu nhập chính của vùng lãnh thổ Gaza - khả năng tiếp cận thị trường lao động của Israel.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, trong tháng qua, khoảng 182.000 người Gaza, chiếm 61% lực lượng lao động, đã mất việc làm. Với tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này thuộc hàng cao nhất thế giới với hơn 40% ngay cả trước khi xảy ra xung đột, con số này đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ dân số Gaza không có việc làm.
“Nền kinh tế của Gaza phụ thuộc 100% vào hai nguồn thu: viện trợ nước ngoài và tiếp cận thị trường lao động của Israel. Nguồn thu sau hiện giờ đã biến mất và có khi là biến mất vĩnh viễn. Nguồn thu duy nhất còn lại là viện trợ nước ngoài”, Marko Papic, chiến lược gia tại tập đoàn tư vấn Clocktower Group, trả lời phỏng vấn đài CNBC.
Theo Liên hợp quốc, trước ngày 7/10, 80% người dân Gaza sống dựa vào viện trợ quốc tế. Vòng xoáy bạo lực leo thang đang diễn ra đã khiến gần 15.000 người Palestine thiệt mạng và khoảng 1,5 triệu người phải di dời.
Trong 15 năm qua, kể từ khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa trên không, trên bộ và trên biển đối với vùng đất này sau khi phong trào Hamas giành được quyền kiểm soát, nền kinh tế của Gaza gần như trì trệ.
Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Palestine cảnh báo Palestine sẽ chỉ có thể hồi sinh nền kinh tế trừ khi có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
“Điều cần thiết là một số hình thức thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột phải được thực hiện. Và trong thỏa thuận, một số quốc gia Arab vùng Vịnh và Saudi Arab có thể sẽ đứng ra gánh chịu phần lớn chi phí tái thiết cho Gaza trong tương lai”, chuyên gia Papic nhận định.