Kiều hối là sự dịch chuyển của dòng tiền từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình. Các loại tài sản được xem là kiều hối gồm: Tiền hoặc các loại giấy tờ có giá, có đơn vị ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế.
Theo thông tin vừa được Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm 2023 duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 9,46 tỷ USD. So với dự báo hồi tháng 12/2023, số kiều hối chuyển về thực tế cao hơn 500 triệu USD.
Với con số này, kiều hối năm 2023 của TP.HCM tăng tới 43,3% so với cùng kỳ năm 2022 và cũng là số liệu ghi nhận sự tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. So với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP.HCM năm 2023 thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần, bằng khoảng 14% GRDP của TP.HCM. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn năm qua thì đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng.
Xét theo khu vực thì lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á chiếm tỉ trọng cao nhất 50,5% và tăng trưởng 143,8% so với cuối năm 2022. Kiều hối từ khu vực châu Mỹ chiếm tỷ trọng cao, sau khu vực châu Á (chiếm 29,1%). Ở chiều ngược lại, lượng kiều hối gửi về từ khu vực châu Phi và châu Mỹ đều giảm.
Kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung - cầu ngoại tệ, hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Đây được coi là "nguồn lực vàng" đối với sự phát triển kinh tế bởi kiều hối là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Đặc biệt, vào mỗi dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, lượng kiều hối chuyển về cũng cao hơn bình quân chung của các tháng trong năm.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, dòng tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình chủ yếu là để chi tiêu, xây dựng, mua nhà cửa… Dòng tiền này chính là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính phân tích, kiều hối gửi về cho người thân không vào tiêu dùng thì cũng vào đầu tư, chủ yếu là bất động sản.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong năm 2023, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Cộng đồng này trong tương lai sẽ mở rộng thêm, là nguồn lực thúc đẩy kiều hối tăng cao.
Từ năm 2012 đến nay, số lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vượt qua con số 10 tỷ USD/năm và mỗi năm tăng khoảng 7 - 10%. Năm 2022, Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới với khoảng 19 tỷ USD. WB dự báo kiều hối về Việt Nam năm 2023 sẽ đạt 14 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng, năm 2024 sẽ đạt 14,4 tỷ USD, cao hơn năm 2023.
Theo thông tin trên tờ Đảng Cộng sản, đối với Việt Nam, kiều hối có vai trò vô cùng quan trọng giúp bù đắp sự thâm hụt cán cân thương mại, nâng cao chất lượng cuộc sống của những người nhận kiều hối từ nước ngoài.
Ngoài ra, kiều hối giúp tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, tạo thêm nguồn lực kinh tế cho nước nhà, góp phần làm giảm sự mất cân đối trong cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hối, giảm sức ép tăng tỷ giá của đồng đô la Mỹ.
Cùng với đó, dòng tiền này giúp tăng nguồn vốn đầu tư, kinh doanh thúc đẩy kinh tế, chuyển giao công nghệ, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn từ nước ngoài và lãi suất cao.