Theo truyền thuyết, có những loại yêu tinh thường xuất hiện vào đêm giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình, khóc thét lên hoặc bị bệnh.
Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được đứa con trai nên rất cưng chiều. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé.
Đến đêm, chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi mới đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy.
Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Thấy việc lấy tiền bọc trong bao đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ em mạnh khỏe an lành nên cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em, còn gọi là tiền lì xì và nó dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì ngày Tết.
Những truyền thuyết khác về việc lì xì đầu năm
Có người cho rằng, tục tặng tiền mừng tuổi bắt nguồn từ hoàng cung nhà Đường. Năm đó, Dương Quý Phi sinh hạ hoàng tử, được tin mừng nhà vua đích thân đến thăm và ban cho Dương Quý Phi một số vàng bạc gói trong giấy đỏ.
Dương Quý Phi coi đó vừa là tiền mừng, vừa là chiếc bùa Hoàng đế ban tặng con trẻ để trừ tà. Việc này được đồn đại ra ngoài, từ cung đình lan rộng ra dân gian, nhiều người bắt chước tặng tiền mừng và cũng bắt đầu coi như tặng món lộc trừ tai họa, mang lại nhiều điều may mắn cho trẻ con.
Theo những nghiên cứu khác, tục mừng tuổi ở Trung Quốc đã có từ đời Tần. Vào thời gian đó, người ta dùng một sợi chỉ đỏ để xâu tiền thành một xâu theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở chân giường hoặc cạnh gối trẻ em.
Xâu tiền đó gọi là tiền áp Tuế giống như cách gọi của người Trung Quốc ngày nay, có nghĩa là món tiền mừng cho đứa trẻ, với mong ước đứa trẻ được tiền, được lộc có thể vượt qua tuổi đó với những điều tốt lành và may mắn.
Lì xì thế nào?
Việc để tiền lì xì trong phong bao thể hiện cho sự kín đáo, khiến người nhận không so bì nhiều ít dẫn đến xích mích hay chuyện không vui.
Ở miền Bắc Việt Nam, những năm bao cấp, kinh tế khó khăn, các gia đình vẫn thường tìm cách đổi những đồng tiền mới nhất "cạo râu được" để mừng tuổi cho trẻ mà không có phong bao. Khoảng trên mười năm gần đây, thói quen để tiền mừng tuổi vào bao "lì xì" mới phổ biến.
Đặc biệt, để lì xì, mọi người vẫn thường dùng những đồng tiền mới cứng, còn nguyên series. Để thực hiện điều này, trước Tết, mọi nhà, mọi người đều cố gắng tìm cách đổi những cọc tiền mới, khiến những người làm trong các ngân hàng phải đau đầu tìm cách đáp ứng.
Năm nay, nhiều đơn vị thiết kế những bao lì xì trên mẫu giấy "xi măng", in những hình ảnh theo con giáp của năm mới cùng các thông điệp, lời chúc ngộ nghĩnh, được giới trẻ đón nhận rất tích cực.
Tất cả các phong cách lì xì đó đều thể hiện lời chúc may mắn, mang lộc tới nhà và dồi dào sức khỏe. Không chỉ lì xì cho trẻ em để chúc các cháu ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn, mọi người vẫn thường lì xì cho các cụ già để thay lời chúc các cụ khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi.
Người ta có thể lì xì cho nhau từ ngay lúc giao thừa cho tới tận ngày đầu tiên đi học, đi làm, hoặc ngày đầu tiên gặp nhau trong năm mới.
Trong những ngày Tết, khách khứa tới chúc Tết thường chuẩn bị bao lì xì cho con cháu chủ nhà và ngược lại. Có người quan niệm quan hệ thân thiết, gần gũi thì phải lì xì nhiều tiền, tuy nhiên điều này không đúng. Số tiền bên trong bao lì xì ít nhiều không quan trọng, quan trọng là lấy hên, là lời chúc may mắn đầu năm.
Đầu năm mới, mong rằng mọi người đều coi lì xì là một phong tục tốt đẹp, là món quà tinh thần dịp đầu năm, thay cho lời chúc an lành và sung túc tới gia đình, bạn bè của mình. Hãy đừng coi bao lì xì là một món nợ vật chất mà nên nhớ rằng, đây là một món quà tinh thần, thể hiện truyền thống quý giá của dân tộc.