Người Việt sắp tiêu 10 đồng nhưng quẹt thẻ tới 9 đồng?

Nhóm PV |

Phó tổng giám đốc VCCorp cho rằng, thay vì chờ đến mốc 2020 để đưa lượng tiền mặt sử dụng trong thanh toán về dưới 10%, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này trong vòng 1 năm nếu Chính phủ tạo ra cơ chế đủ mạnh để thúc đẩy người dân thích ứng với xu hướng thanh toán mới, tạo ra được trào lưu.

Phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh việc Chính phủ đặt mục tiêu phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020. Như vậy, trước mắt, nền kinh tế còn thời hạn 3 năm nữa để hoàn thành mục tiêu tham vọng này, với khối lượng công việc lớn và gấp gáp.

Trao đổi tại Toạ đàm "Làm gì để phòng tránh nguy cơ trộm tiền từ thẻ tín dụng?", Phó tổng giám đốc VCCorp Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, chỉ cần đảm bảo được hai yếu tố then chốt, mục tiêu này của Chính phủ thậm chí có thể hoàn thành chỉ trong vòng 1 đến 2 năm, thay vì chờ đến mốc 2020.

Theo quan điểm của vị này, nếu Chính phủ đưa ra những quy định thật cụ thể về các dịch vụ bắt buộc phải sử dụng thanh toán điện tử, thì tỷ lệ dùng tiền mặt trong nền kinh tế sẽ giảm xuống rất nhanh.

"Ví như thanh toán các dịch vụ công như tiền điện, nước…, Nhà nước không cho phép thu tiền mặt nữa mà phải thanh toán điện tử. Đây là những nhu cầu quen thuộc và hầu như người dân nào cũng phải thực hiện, mỗi tháng ít nhất một lần.

Thậm chí như vấn đề về BOT Cai Lậy, nếu thực hiện thanh toán điện tử thì chúng ta sẽ không gặp bài toán về tiền lẻ, và xử lý sự cố cũng sẽ có những bước đi nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, nhìn sang nước bạn, tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt ở Trung Quốc đạt 30%/năm - một con số rất lớn - là nhờ vào việc các ngân hàng của nước này hỗ trợ người dân rất sâu sát về cách sử dụng QR code.

Họ cho người hướng dẫn, cài đặt ứng dụng, chia sẻ cách sử dụng và đưa ra ưu đãi đến từng người dùng. Điều này ở Việt Nam tôi chưa thấy, nên rất cần có sự thúc đẩy, yêu cầu từ Chính phủ đối với chính hệ thống ngân hàng".

Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, người Việt Nam có thói quen và sở thích cầm tiền mặt nên gây khó cho quá trình chuyển đổi thanh toán từ tiền mặt sang cách thức thanh toán điện tử. Nhưng theo ông Tuấn, thực tế thói quen này rất dễ thay đổi.

"Người dân thích ứng rất nhanh với những xu hướng mới, thích chạy theo trào lưu, theo số đông. Khi đã có được trào lưu như vậy thì hành vi thói quen thì sẽ thay đổi. Đặt trong trường hợp có cơ chế thúc đẩy sử dụng dịch vụ theo cách thức ép buộc thì rõ ràng họ không thay đổi không được".

Nếu muốn an toàn trong một xã hội không dùng tiền mặt

Người phụ trách các trang thương mại điện tử trực tuyến của VCCorp như Mua Chung, Demo... cho biết, nếu trong một xã hội lý tưởng không sử dụng tiền mặt, lựa chọn hàng đầu của vị này sẽ là thanh toán di động (mobile payment).

"Tôi ít dùng thẻ, không tiền mặt, chẳng có ví vì hiện tại tôi có một cái app trên điện thoại, là Samsung Pay. Công cụ này cho phép người dùng tích hợp được nhiều loại thẻ, trong đó có thẻ tín dụng, và sử dụng được trên những máy quẹt thẻ thông thường, máy POS.

Trong trường hợp nhờ người khác thanh toán hộ, nếu sử dụng Samsung Pay, các giao dịch sẽ an toàn hơn vì trên app điện thoại không hiển thị bất cứ thông tin nào về thẻ, sử dụng giao thức từ nên không có gì để người lạ khai thác.

Với tôi, đó là sự lựa chọn an toàn, vừa không sợ lộ thông tin, vừa gần gũi vì luôn ở trên điện thoại - thứ ít khi tôi bỏ quên nhất - lại vừa tiện lợi, kể cả khi sử dụng mua một món hàng nhỏ như cốc cà phê chẳng hạn".

Người Việt sắp tiêu 10 đồng nhưng quẹt thẻ tới 9 đồng? - Ảnh 1.

Chuyên gia bảo mật Lê Nguyên Khang.

Bàn thêm về vấn đề bảo mật, chuyên gia Lê Nguyên Khang cho hay các phương thức thanh toán di động hiện tại không cho lưu thông tin về thẻ trên màn hình và không chịu sự quản lý của các nhà sản xuất điện thoại như Apple và Samsung. Nơi lưu giữ thông tin của người dùng nằm trên chip, trong khi bảo mật của chip là rất tốt.

"Nó tạo ra tầng bảo mật là token. Trong mỗi lần thanh toán, tổ chức chuyển mạch thẻ sẽ cung cấp một mã token duy nhất ứng với dữ liệu thẻ mà người dùng đã đăng ký, được sử dụng thay cho số thẻ, mã số xác minh thẻ và không thể can thiệp để truy ngược lại thông tin ban đầu.

Kịch bản cho biệc đánh cắp token từng được xét đến, nhưng không có ý nghĩa trên thực tế vì dù kẻ xấu có nghe trộm, chặn bắt được chuỗi số token hoặc thậm chí là hack máy quẹt thẻ, điện thoại thì chúng cũng không thể truy được thông tin thẻ gốc của người dùng".

Người Việt sắp tiêu 10 đồng nhưng quẹt thẻ tới 9 đồng? - Ảnh 2.

Người Việt đang sử dụng thẻ tín dụng như thế nào?

Người Việt sắp tiêu 10 đồng nhưng quẹt thẻ tới 9 đồng? - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại