Kể từ iPhone 12, Apple không bán kèm củ sạc và tai nghe trong hộp máy. Các dòng iPhone 11, iPhone XR, iPhone SE sản xuất cuối năm 2020 cũng không được tích hợp hai phụ kiện này. Rất nhiều người dùng đã phải bỏ tiền mua thêm phụ kiện trong khi giá niêm yết của iPhone không giảm.
Cục sạc Apple 20W cho iPhone 12. (Ảnh: DĐV)
Với giá bán 990.000 đồng/cục sạc rời, mỗi người dùng đã phải bỏ thêm hơn 3% giá trị máy (nếu tính trung bình 30 triệu đồng/chiếc iPhone) để có cục sạc. Nếu phải mua thêm tai nghe Earpods với giá 790.000 đồng, một người phải trả thêm 1,78 triệu đồng để chiếc iPhone có đầy đủ phụ kiện như trước.
Đó là chưa kể nhiều người có thể nâng cấp lên tai nghe Airpods không dây, hiện đang bán với các mức giá 3,99 triệu đồng đến 4,99 triệu đồng mỗi chiếc.
Thống kê của FPT Shop cho thấy, 75% người mua iPhone gần đây đều mua cục sạc nhanh 20W, 35% người mua thêm tai nghe. Đây là con số khá lớn người dùng phải bỏ thêm, đồng nghĩa với việc Apple có thêm doanh thu từ hai món phụ kiện.
Do nhu cầu cao, cục sạc nhanh 20W đã lập tức xảy ra tình trạng khan hàng trên toàn thị trường sau giai đoạn mở bán iPhone 12.
FPT Shop cho biết giai đoạn đầu nhập về 15.000 cục sạc đã bán hết. Với giá niêm yết 990.000 đồng/cục sạc, chỉ tính riêng tại chuỗi này người dùng đã bỏ ra khoảng 14,8 tỷ đồng để mua thêm sạc nhanh (trên thực tế con số sẽ thấp hơn do nhà bán lẻ có giảm giá khi mua sạc kèm iPhone).
Kể từ 15/12, cục sạc này bắt đầu có hàng trở lại trên toàn thị trường. Riêng FPT Shop nhập thêm 10.000 cái, bán giá 798.000 đồng/cục sạc. Xét thị phần FPT Shop đứng thứ hai tại Việt Nam, có thể ước tính lượng tiêu thụ cục sạc mới của Apple là khá lớn.
Một bài phân tích trên The Verge ước đoán, nếu Apple bán được lượng iPhone khoảng 217 triệu chiếc như năm 2018, và chỉ cần 5% trong số này bỏ tiền mua tai nghe Airpods thì hãng có thể kiếm thêm 700 triệu USD lợi nhuận gộp.
Nếu tính tương tự, giá cục sạc 20W đang bán 19USD, nếu 20% người mua iPhone mua thêm cục sạc thì doanh thu hơn 824 triệu USD.
Cũng trong bài của The Verge, do iPhone 12 tích hợp thêm 5G khiến giá thành đội lên, do đó hãng phải tìm cách bù chi phí bằng cách kiếm thêm doanh thu từ phụ kiện.
Cụ thể, chỉ riêng bộ tần số vô tuyến 5G trên iPhone 12 đắt hơn 30-35% so với bộ linh kiện tương tự trên dòng iPhone trước. Do đó Apple phải tìm cách giảm chi phí ở các khâu khác. Việc bỏ bớt phụ kiện, làm hộp nhỏ lại là một trong các giải pháp Apple áp dụng.
Theo tính toán, việc cắt giảm nói trên giúp Apple tăng được 1% lợi nhuận gộp trên mỗi chiếc iPhone, tuy nhiên chuyên gia cho rằng đây chỉ là giải pháp giúp duy trì lợi nhuận hiện tại của iPhone.
Trên thực tế tại Việt Nam, nếu trả nguyên giá, người dùng phải bỏ thêm 1,78 triệu đồng để có phụ kiện cục sạc và tai nghe. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ thường giảm giá, 20-30%, khi mua các phụ kiện này kèm iPhone ở giai đoạn đầu. Hiện nay giá cục sạc đang bán 798.000 đồng (giảm 20% so với niêm yết).
Bên cạnh đó, dù giá niêm yết của Apple khi ra mắt iPhone 12 không giảm so với trước, nhưng tại Việt Nam các nhà bán lẻ có giảm giá bán so với trước, nhằm thu hút người mua và cạnh tranh với hàng xách tay.
Apple từ thế hệ iPhone 12 cắt bỏ hai phụ kiện nói trên với lý do giảm lượng khí thải carbon, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên các ý kiến phản đối cho rằng, việc người dùng phải mua thêm hai phụ kiện trên khiến nhu cầu tăng, cả Apple lẫn các hãng phụ kiện phải tham gia sản xuất, do đó việc khí thải có giảm hay không là dấu hỏi lớn.