Người Việt Nam quá giỏi: Lời thán phục của một lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với 122 năm lịch sử cho mục tiêu ‘hóa rồng’ nhờ bán dẫn toàn cầu

Băng Băng |

Người Việt Nam thông minh, giỏi toán, khát khao phát triển là lợi thế khiến ngay cả tập đoàn công nghệ hiện đang là đối tác Apple cũng không thể bỏ qua.

Người Việt Nam quá giỏi: Lời thán phục của một lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với 122 năm lịch sử cho mục tiêu ‘hóa rồng’ nhờ bán dẫn toàn cầu- Ảnh 1.

Đại diện Công ty 3M giới thiệu với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper về các hoạt động của Trung tâm

Số liệu của Deloitte cho thấy tổng doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu năm 2021 mới chỉ hơn 550 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng hơn 80% lên hơn 1 nghìn tỷ USD năm 2030. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay vẫn là nhân lực.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu rằng nguồn nhân lực sẽ là thế mạnh không thể copy của Việt Nam trong mục tiêu trở thành mắt xích quan trọng của ngành bán dẫn toàn cầu.

"Người Việt Nam có gen về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, rất hợp với ngành công nghiệp bán dẫn. Lợi thế về gen không kém gì lợi thế về địa chính trị và đây là một lợi thế độc đáo không thể copy", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu".

Với lợi thế không thể copy này, Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư ngành bán dẫn để đáp ứng được cơn khát nhân lực toàn cầu, qua đó bắt lấy cơ hội "hóa rồng" như Nhật Bản đã từng làm.

Người Việt Nam quá giỏi: Lời thán phục của một lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với 122 năm lịch sử cho mục tiêu ‘hóa rồng’ nhờ bán dẫn toàn cầu- Ảnh 2.

Ông Amit Laroya

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Cấp cao khu vực châu Á- Ngành Giao thông và Điện tử 3M, ông Amit Laroya cũng cho rằng người Việt Nam tài năng, chăm chỉ và là ưu thế giúp thu hút các doanh nghiệp bán dẫn đến đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước.

“Một trong những lý do chúng tôi tin tưởng vào Việt Nam là thị trường đang phát triển mạnh, cùng với nguồn nhân lực tiềm năng. Chúng tôi nhận thấy người Việt Nam rất tài năng, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và toán học, và rất chăm chỉ, tập trung trong công việc”, ông Laroya cho biết trong sự kiện khai trương Trung tâm trải nghiệm khách hàng (Customer Experience Center-CEC) và phòng lab trong ngành điện tử của 3M Việt Nam.

Cũng theo ông Laroya, chính vì nền tảng văn hóa vững chắc này của Việt Nam mà một trong những nhiệm vụ của 3M là đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyên biệt như sản xuất bán dẫn và điện tử, qua đó góp phần vào mục tiêu đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhân lực bán dẫn toàn cầu.

Người Việt Nam quá giỏi

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành bán dẫn đang thay đổi và định hình thế giới chúng ta đang sống. Ngành này đã, đang và sẽ thay đổi mọi mặt đời sống xã hội, thậm chí đe dọa đến an ninh kinh tế, quốc phòng.

Xu thế này sẽ còn tiếp tục đến ít nhất giữa thế kỷ 21 và Việt Nam đang có lợi thế là trung tâm toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Nếu lấy Việt Nam làm trung tâm quay một vòng tròn 4-5 giờ bay thì sẽ bao phủ tới 80% ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.

Lợi thế về địa lý khi gần các chuỗi cung ứng bán dẫn, lại ổn định về địa chính và và còn nằm trong số các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh đang khiến Việt Nam trở thành điểm sáng cho nhiều tập đoàn quốc tế như Nvidia, Apple.

Tuy nhiên đây chưa phải là lợi thế lớn nhất khi chính con người Việt Nam mới là thứ có thể đưa nền kinh tế "hóa rồng" như Nhật Bản nhờ tận dụng cơ hội bán dẫn.

Người Việt Nam quá giỏi: Lời thán phục của một lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với 122 năm lịch sử cho mục tiêu ‘hóa rồng’ nhờ bán dẫn toàn cầu- Ảnh 3.

Tính đến năm 2023, Việt Nam đã giành 266 huy chương trên tổng số 282 lượt thí sinh tham dự Olympic toán học quốc tế (IMO) kể từ năm 1974, trong đó 69 huy chương vàng, 115 bạc và 82 đồng.

Nếu tính tổng số huy chương vàng kể từ khi IMO được tổ chức lần đầu vào năm 1959, Việt Nam đứng thứ 8 toàn cầu, xếp trên cả Anh, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...

Trong tình hình đó, công ty 3M đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ với nhiều sáng kiến, bao gồm việc cử nhân viên từ Việt Nam ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Mỹ để được đào tạo thêm.

Với lợi thế là tập đoàn đa quốc gia từ Mỹ với 122 năm lịch sử, hoạt động rộng khắp trong các ngành công nghiệp như điện tử tiêu dùng, bán dẫn, sản xuất, ô tô, đặc biệt hiện đang là đối tác của Apple...công ty 3M đã mời các kỹ sư chuyên gia trong lĩnh vực đến Việt Nam để giúp nhân viên tại đây nâng cao kiến thức và trải nghiệm.

Việc thành lập nên CEC cũng là một phần trong kế hoạch này khi là nơi trưng bày, phát triển ứng dụng, làm việc với khách hàng và quan trọng nhất là đào tạo, huấn luyện, nâng cao kiến thức cho nguồn nhân lực Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn hợp tác với các trường Đại học để đưa sinh viên tới tham quan, đào tạo thêm về các ngành bán dẫn, điện tử, vật liệu trong ngành công nghiệp điện tử... Điều này không chỉ giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm mà còn góp phần vào việc xây dựng và phát triển đội ngũ tài năng địa phương”, Phó chủ tịch Laroya nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo 3M này cũng cho rằng lý do chính khiến các doanh nghiệp bán dẫn dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam là nhờ lợi thế cạnh tranh nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, qua đó tạo nên môi trường cạnh tranh mạnh mẽ và thu hút.

Người Việt Nam quá giỏi: Lời thán phục của một lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với 122 năm lịch sử cho mục tiêu ‘hóa rồng’ nhờ bán dẫn toàn cầu- Ảnh 4.

“Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ dồi dào với nền tảng kiến thức khoa học máy tính vững chắc. Nhiệm vụ của 3M là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này bằng cách đào tạo những kỹ năng chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn và điện tử. Một trong những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam chính là nguồn nhân lực trẻ, đầy năng động và sáng tạo. Sự nhiệt huyết và khát vọng phát triển không ngừng của thế hệ trẻ Việt Nam là một động lực lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước”, ông Laroya cho hay.

Nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo 3M về Việt Nam là hoàn toàn chính xác khi báo cáo của KPMG cho thấy thế giới sẽ thiếu khoảng 900.000 kỹ sư mới trong ngành bán dẫn trị giá 1 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2030.

Điều này tương đương với 100.000 kỹ sư mỗi năm khiến nhân lực là khó khăn lớn nhất của ngành này trong 3 năm tới.

Việt Nam hóa rồng?

"Đưa chip bán dẫn vào các thiết bị điện tử tiêu dùng cuối thế kỷ 20 đã tạo ra Nhật Bản hóa rồng. Vậy đưa chip AI vào các thiết bị điện tử sẽ tạo ra quốc gia nào hóa rồng?", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ.

Để hiện thực hóa mục tiêu này của chính phủ, công ty 3M đã có những chia sẻ thẳng thắn khi cho rằng ngành bán dẫn là một lĩnh vực rộng lớn và không thể phát triển ngay lập tức từ con số 0 thành phòng thí nghiệm chất bán dẫn.

Thay vào đó, các doanh nghiệp nên bắt đầu từ những bước nhỏ và mở rộng dần và bước đầu tiên là thiết lập các trung tâm thiết kế, thử nghiệm tại Việt Nam.

Đây là bước đi không cần nhiều vốn đầu tư và cực kỳ thích hợp để trở thành những viên gạch đầu tiên trong mục tiêu “hóa rồng” ngành bán dẫn.

Tiếp đó là mảng công nghiệp phụ trợ.

Trên thực tế, Phó chủ tịch Laroya của 3M khẳng định ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể.

Người Việt Nam quá giỏi: Lời thán phục của một lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với 122 năm lịch sử cho mục tiêu ‘hóa rồng’ nhờ bán dẫn toàn cầu- Ảnh 5.

Tại các khu vực lân cận Hà Nội, nhiều khu công nghiệp và nhà máy sản xuất điện tử đã được thành lập và hoạt động mạnh mẽ. Điều này cho thấy Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử.

Hiện các chuyên gia đều đồng ý rằng cơ hội của ngành bán dẫn rất lớn và ai cũng nhìn thấy, nhưng vấn đề là ai sẽ tận dụng hết ưu thế để hưởng lợi từ mảng này.

Theo Deloitte, bình quân mỗi lao động ngành bán dẫn tạo ra khoảng 275.000 USD doanh thu, cho thấy khả năng làm giàu cho bản thân lẫn đất nước của mảng này.

Tuy nhiên hiện 80% số chip bán dẫn vẫn được sản xuất ở Đông Á và hơn 90% khâu lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói được thực hiện tại khu vực này.

Rõ ràng trong bối cảnh Phương Tây và nhiều nền kinh tế đổ hàng nghìn tỷ USD phát triển ngành bán dẫn, khu vực Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước thời cơ lớn chưa từng có.

Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp như 3M đã nhìn nhận được tiềm năng của Việt Nam và tận dụng cơ hội phát triển.

Nhanh nhất Đông Nam Á

Theo 3M Company, Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất của hãng về mảng điện tử tại Đông Nam Á.

Thật vậy, Phó chủ tịch Laroya cho hay 3M đang hết sức hào hứng trước sự phát triển của Việt Nam gần đây và thị trường này cũng là trọng điểm của tập đoàn tại Châu Á. Trên thực tế, năm 2024 đã là năm thứ 30 có sự hiện diện của 3M tại Việt Nam.

Người Việt Nam quá giỏi: Lời thán phục của một lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với 122 năm lịch sử cho mục tiêu ‘hóa rồng’ nhờ bán dẫn toàn cầu- Ảnh 6.

Các đại biểu ấn nút chính thức ra mắt Trung tâm Khoa học công nghệ và Kỹ thuật mới của 3M tại Hà Nội.

“Mặc dù 3M không phải là công ty sản xuất chip trực tiếp, nhưng khi các công ty sản xuất chip đến Việt Nam, chúng tôi đóng vai trò là nhà cung cấp vật liệu để hỗ trợ quy trình sản xuất của họ. Có thể nói, chúng tôi là một phần nhỏ nhưng rất quan trọng trong chuỗi cung ứng vật liệu cho quy trình sản xuất bán dẫn”, ông Laroya nhấn mạnh.

Với lợi thế sở hữu hơn 130.000 bằng sáng chế trên các nền tảng công nghệ cốt lõi và mỗi năm đăng ký khoảng 5.000 đến 6.000 bằng sáng chế mới, tập đoàn 3M tự tin có thể duy trì vị thế là công ty hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, đồng thời góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Bên cạnh đó, tập đoàn 3M cũng luôn luôn liên kết giữa khách hàng với bộ phận Nghiên cứu & Phát triển (R&D) tại mỗi quốc gia cũng như ở công ty mẹ, nhằm sáng tạo và phát triển những sản phẩm mới, phù hợp với yêu cầu, mục đích của khách hàng.

Mặt khác, nhóm R&D toàn cầu sẽ có tầm nhìn xa hơn, với khả năng nghiên cứu độc lập và chuyên sâu sẽ đưa ra những sản phẩm đột phá, có thể hiện tại chưa áp dụng nhưng trong 5-10 năm nữa sẽ được ứng dụng.

Tất nhiên với vai trò là một tập đoàn công nghệ, nổi tiếng trong mảng cung ứng vật liệu cho quy trình sản xuất bán dẫn thì vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cũng được 3M đặc biệt chú trọng.

Trên thực tế, tập đoàn 3M đã thực hiện phát triển bền vững từ những năm 1920, đầu những năm 1930 với các chương trình mang tên Giai đoạn Phòng ngừa Ô nhiễm (Pollution Prevention Phase), chủ yếu tập trung vào các nhà máy của 3M vào những năm 1930 - 1950.

Hiện tập đoàn 3M đang nhìn nhận câu chuyện bền vững một cách toàn diện hơn khi xem xét tính bền vững qua góc nhìn khoa học, khí hậu và cộng đồng.

Người Việt Nam quá giỏi: Lời thán phục của một lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với 122 năm lịch sử cho mục tiêu ‘hóa rồng’ nhờ bán dẫn toàn cầu- Ảnh 7.

Với mục tiêu muốn được ở lại Việt Nam lâu hơn nữa để chứng kiến kỳ tích “hóa rồng”, tập đoàn 3M đã và đang tiếp tục đầu tư hơn nữa cho thị trường này.

“Tập đoàn 3M tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Việt Nam còn rất nhiều cơ hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào con người, bồi dưỡng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, bất cứ khi nào phát hiện cơ hội và nhu cầu. Thực tế thì đây mới chỉ là một phần ba dự án. 3M đã hiện diện ở Việt Nam được 30 năm, và chúng tôi muốn ở lại đây thêm rất lâu nữa”, Phó chủ tịch Laroya tự hào tuyên bố trong sự kiện ra mắt CEC.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại