Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dùng điện thoại di động để truy cập Internet đã tăng từ 57% trong năm 2020 lên 88% trong năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ người dùng máy tính để bàn/ máy tính xách tay để truy cập Internet đã giảm từ 80% năm 2020 xuống 78% vào năm 2021.
Về thời gian truy cập Internet trung bình mỗi ngày, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tỷ lệ người dùng dành ra từ 3-9 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet trong năm 2021 có xu hướng giảm so với năm 2020. Cụ thể, tỷ lệ người dùng dành ra 3-5 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet đã giảm từ 31% năm 2020 xuống còn 27% vào năm 2021.
Thời lượng truy cập internet trung bình mỗi ngày. Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Tương tự, tỷ lệ người dùng dành ra 5-7 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet xuống mức 23% vào năm 2021 so với con số 28% vào năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ người dùng dành ra hơn 9 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet trong năm 2021 có xu hướng tăng mạnh so với năm 2020, từ 9% lên 22%.
Khảo sát cũng cho biết, có đến 69% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ truy cập Internet để nghiên cứu và học tập; 61% người dùng Internet để xem phim, nghe nhạc; 59% truy cập Internet để mua sắm trực tuyến...
Mục đích sử dụng Internet. Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Cũng trong Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết, năm 2021, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Tổng kết cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD năm 2021; tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.