Người Việt ở gần "chảo lửa" Gaza: Chỉ có đúng 9 giây để chạy trốn tử thần

Trương Thu Hường |

"Từ hầm trú bom có thể quan sát thấy cảnh tượng rocket nã vào Iron Dome (Vòm Sắt) và bị đáp trả rồi nổ tung như pháo hoa trên trời".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lê Anh (29 tuổi) - Trưởng Nhóm & Phiên dịch cho đoàn sinh viên Việt Nam tại Trung tâm Đào tạo Nông nghiệp Sedot Negev nhiệm kỳ 2020-2021 (miền Bắc Israel) cho biết: trong khoảng một tuần qua, cô đã 3 lần chứng kiến cảnh tượng mà nếu thoạt nhìn qua, sẽ nghĩ rất lãng mạn.

Phản ứng trong 9 giây

Xung đột giữa nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas và quân đội Israel đang ngày càng căng thẳng. Chiến tranh bùng nổ dữ dội nhất kể từ năm 2014. Từ dải Gaza, những quả rocket liên tục nã thẳng sang Israel. Với Lê Anh, đây là lần đầu tiên cô tận mắt chứng kiến và trải nghiệm thực tế tình huống đất nước mình sinh sống, làm việc bị bắn phá dữ dội.

"Trước kia mình nghe nói là chỉ thi thoảng mới có rocket bay qua từ dải Gaza. Vì hầu hết chúng sẽ bị chặn lại bởi Vòm Sắt. Nhưng lần này thực sự rất căng thẳng. Nhiều người dân ở đây khi có còi báo động phải chạy vào nhà trú ẩn, họ đã khóc và rất hoảng sợ".

Lê Anh (ảnh bên trái) cùng nhóm sinh viên Việt (ảnh bên phải) ở trong hầm trú ẩn.

Phạm Thị Huỳnh Như, nữ sinh người Việt sống cách dải Gaza 15km cho biết, từ hôm 10/5, mỗi ngày quân Hamas lại bắn rất nhiều rocket qua các moshav (tổ chức Hợp tác xã của Israel) và dọc theo đường bờ biển. Nhóm sinh viên như cô được dặn rằng, bất kể khi nào nghe thấy tiếng báo động phải lập tức nằm sấp xuống đất và dùng tay ôm đầu.

"Khoảng cách từ dải Gaza đến moshav Kefar Maimon của tụi mình chỉ khoảng 15 km trong khi tốc độ bay của rocket rất nhanh. Chúng mình chỉ có 9 giây để tìm chỗ nấp. Việc ôm đầu, nằm sấp là lựa chọn tốt nhất vì 9 giây thì không đủ thời gian chạy đi đâu cả. Mặc dù để đến hầm trú ẩn cũng chỉ mất chừng 1 phút thôi vì nó ở ngay sát vách".

Như cho biết, khoảng một tuần nay, cô thường sinh hoạt theo cách đi làm vào ban ngày còn tối thì xuống hầm hoặc phòng trú bom ngủ. Nỗi sợ lớn nhất là tiếng rocket oanh tạc, gào rú kinh khủng hơn rất nhiều so với những gì cô đã nghĩ.

Sẵn sàng ẩn nấp bất cứ lúc nào

Vì sống trong nông trại có 8 bạn nữ người Việt ở với nhau nên ban đầu, Huỳnh Như và mọi người rất hoảng loạn. Tuy nhiên, trải qua 6 ngày "ăn ngủ" cùng rocket nên tâm lý sợ hãi đã bớt đi một phần.

"Tụi mình động viên nhau, tìm hiểu các kỹ năng xử lí tình huống. Bên cạnh đó, với sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, bọn mình vẫn yên tâm tiếp tục công việc tại nông trại."

Như cho biết, theo cảnh báo có khoảng 10% rocket sẽ "đi lạc" do không được Vòm Sắt cản phá. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, moshav mà cô sinh sống mới chỉ có 1 quả rocket bắn lạc tại nông trại và một vài mảnh vỡ rơi vào đây.

Những mảnh vụn của rocket do Lê Anh chụp lại

Còn đối với Lê Anh, do không hề có kinh nghiệm chung sống cùng chiến tranh, ban đầu Lê Anh rất hoảng loạn. Có lúc vào tới hầm trú ẩn rồi, Lê Anh vẫn còn run lập cập. Tuy nhiên, sau khoảng 2-3 lần tận mắt nhìn thấy những màn đáp trả từ Vòm Sắt khiến "pháo hoa" nổ tung giữa bầu trời, cô dần tập làm quen.

"Mỗi khi có còi báo động, mình sẽ chạy vảo hầm trú ẩn ngay khu nhà mình ở. Đi tới đó cũng rất dễ dàng. Ở chỗ khác thì có nơi chỉ có nhà trú bom nhỏ, có nơi họ sẽ có hầm ở dưới, khá to và đầy đủ tiện nghi. Thường nhà sẽ trú tạm thời, còn hầm trú được lâu dài và có thể ở lại trong đó.

Dần dần mình cũng học được cách thích nghi và không còn sợ hãi. Chúng mình thậm chí cũng chưa cần nhờ tới sự giúp đỡ của Sứ quán vì lúc này phía nhà trường đã quan tâm và hỗ trợ rất nhiệt tình," Lê Anh chia sẻ.

Trước đó, toàn bộ sinh viên Việt Nam ở Sedot Negev đã được tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19. Mọi người có thể thoải mái đi lại tự do. Tuy nhiên, chiến tranh xảy ra khiến họ phải lưu ý nhiều hơn đến việc ẩn nấp khi cần thiết. Dù vậy hầu hết sinh viên cảm thấy lạc quan nhiều hơn chính người thân của họ tại Việt Nam.

"Các gia đình đều khá lo lắng và hầu hết tụi mình đều động viên họ bằng cách nói dối rằng đang sống xa rất xa khu vực bom đạn nên rocket không thể nào bắn tới".

Xung đột sẽ chấm dứt trong tuần này?

Mặc dù chiến tranh đang đi tới hồi ác liệt nhưng Lê Anh cho biết, hầu hết người Israel đều rất lạc quan. Họ vẫn sinh hoạt như bình thường và gần như tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh quân đội.

Anh Vũ Quách (một người Việt sống ở gần dải Gaza vừa phải rời khỏi vùng chiến sự thường xuyên bị oanh tạc bởi rocket) cho biết: "Mọi người đã quá quen với các cuộc xung đột như vậy. Vì thế dịch vụ thiết yếu ví dụ như: y tế, phương tiện công cộng, siêu thị, nhà máy, cửa hàng... vẫn hoạt động bình thường. Chỉ riêng khu vực thường xuyên bị Hamas dội rocket thì trường học mới phải tạm đóng cửa. Người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà, tránh ra đường. Mình làm việc ở nhà máy Intel-Kiryat Gat và thấy khoảng 70% nhân viên vẫn đi làm".

Rocket từ dải Gaza bay tới cây xăng tại Netivot. Video được ghi lại bởi camera an ninh tại đây. Nguồn: Hagai Horev.

Trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp, Dan Senor và Saul Singer cũng từng miêu tả rằng, trong một lần chiến sự bùng nổ, nhân viên Intel chỉ hoảng loạn mất 1 ngày. Sang tới ngày thứ 2, họ nhận ra chuyện nghỉ việc chỉ để chui trong hầm trú ẩn thật lãng phí thời gian. Và dù Intel không bắt buộc, vẫn có tới 70% nhân viên tự nguyện đến trụ sở làm việc. Những ngày sau đó, gần như 100% người lao động trong công ty đi làm bình thường. Anh Quách cho rằng, truyền thống này vẫn không hề thay đổi sau nhiều năm.

"Mình thấy quân đội Israel đang hoàn toàn áp đảo nhóm Hamas. Người dân ở đây cảm thấy an toàn và thậm chí họ còn tin rằng cuộc xung đột sẽ sớm kết thúc ngay trong tuần tới".

Chia sẻ về cảm giác phải vào phòng trú ẩn, anh Quách nói lần đầu tiên rất hồi hộp. Sau này quen rồi, anh cảm thấy thật bình thường. Đợi sau khi còi báo động tắt thì khoảng 5 phút sau, anh có thể thoải mái sinh hoạt, làm việc.

Người Việt ở gần chảo lửa Gaza: Chỉ có đúng 9 giây để chạy trốn tử thần - Ảnh 7.

"Đây có phải là một dấu hiệu của hòa bình sau khi hàng trăm quả rocket đã nhắm vào Ashkelon (Israel)", anh Quách chia sẻ một bức ảnh ở tòa nhà mình đang sống.

Tại miền Nam đất nước, Hoàng Phi Vương Khả (du học sinh Việt tại Trung tâm AICAT) nói rằng chưa có quả rocket nào thực sự bay tới đây. Một vài lần, chuông báo động vang lên chỉ để mọi người tập làm quen với việc lui vào hầm trú ẩn.

"Người Israel cũng có thương vong nhưng không nhiều bằng phía Palestine. Mình thực sự mong cuộc chiến sớm kết thúc vì có vẻ càng đánh thì người Palestine càng thiệt thòi".

Vương Khả cho biết, các gia đình ở đây hầu hết đều có hầm trú bom hoặc căn phòng an toàn. Ngoài ra ở từng khu vực dân cư lại có khu trú ẩn tập trung rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Hệ thống cảnh báo qua ứng dụng của Israel cũng hoạt động rất chính xác nên mọi người cảm thấy an tâm.

"An toàn càng cao hơn khi mình ở miền Nam. Chỗ này sa mạc nhiều và không phải mục tiêu bắn phá của Hamas. Chủ yếu rocket đang dội vào miền Bắc hoặc miền Trung. Tuy nhiên dù ở đâu thì mình nghĩ hầu hết người Israel và cả người Việt ở bên này đều vẫn đang rất ổn".

Người Việt ở gần chảo lửa Gaza: Chỉ có đúng 9 giây để chạy trốn tử thần - Ảnh 8.

Bạn Khả vẫn tự tin ra đồng cùng nông dân để thu hoạch dưa lưới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại