Việt Nam nằm trong nhóm những nước hạnh phúc nhất trên thế giới, theo nghiên cứu của Indochina Research trong khuôn khổ cuộc Điều tra Cuối năm 2016 do mạng lưới Win/Gallup International thực hiện tại 66 quốc gia. Việt Nam cũng thuộc nhóm 10 nước lạc quan nhất về viễn cảnh năm 2017 nói chung và kinh tế nói riêng.
Dù năm 2016 được đánh giá là một năm toàn cầu có nhiều biến động, xảy ra nhiều tranh chấp và khủng bố, 68% số người được hỏi trên toàn thế giới cho biết họ vẫn hạnh phúc, tăng hơn so với năm 2015.
Chỉ có 9% cho biết họ không hạnh phúc.
Việt Nam là nước hạnh phúc thứ tư trên thế giới với chỉ số hạnh phúc là 78%, chỉ đứng sau Fiji – một quốc gia thuộc Châu Úc, Trung Quốc và Philippines.
Chỉ 1% số người Việt được hỏi cho biết họ không hạnh phúc. Năm ngoái, Việt Nam cũng nằm trong top 5 những nước hạnh phúc nhất.
Đông Á và châu Úc là những khu vực hạnh phúc nhất. Trong khi đó Trung Đông có chỉ số hạnh phúc thấp nhất với Iraq là nước “bất hạnh nhất” thế giới.
Cũng theo cuộc khảo sát này, Việt Nam là nước lạc quan thứ 5 trên thế giới về viễn cảnh kinh tế trong năm 2017. 59% số người được hỏi cho rằng 2017 sẽ là một năm kinh tế phát triển, 12% nghĩ kinh tế sẽ xấu đi và 26% cho rằng kinh tế 2017 sẽ không thay đổi so với năm 2016.
Trong khi đó, người dân trên toàn thế giới tỏ ra bi quan hơn về viễn cảnh kinh tế trong năm mới. Chỉ 42% số người được hỏi lạc quan về kinh tế năm 2017, trong khi đó có tới 22% tỏ ra bi quan. Chỉ số lạc quan kinh tế (phần trăm lạc quan trừ phần trăm bi quan) là 20%.
Người dân châu Âu có cái nhìn u ám về kinh tế, với chỉ số lạc quan là -26%, thấp nhất so với các khu vực trên thế giới. Italia có chỉ số lạc quan thấp nhất khu vực là -48%, Anh là -38% và Pháp là -35%. Chỉ có Hàn Quốc và Hồng Kông, là những nơi trong năm 2016 xảy ra nhiều biến động chính trị và kinh tế, là có chỉ số lạc quan thấp hơn (lần lượt là -62% và -56%).
Đây là cuộc điều tra cuối năm lần thứ 40 của Hiệp hội nghiên cứu thị trường và điều tra Win/Gallup International. Win/Gallup đã phỏng vấn 66.541 người dân sống tại 66 quốc gia trên thế giới về viễn cảnh, nhận định và suy nghĩ của họ về các vấn đề quốc tế và quốc gia.
Tại Việt Nam, đối tác của Win/Gallup đã thực hiện 700 người tuổi từ 15 đến 64 sống tại Hà Nội và TPHCM.
Theo số liệu của World Bank, GDP/người của Việt Nam năm 2015 đạt 2.111 USD/năm, xếp thứ 129/184 quốc gia.