Bà Nguyễn Thị Hương Thanh (TP.HCM) cho biết đã ký hợp đồng vay ngân hàng để mua đất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình bà gặp khó khăn trong việc trả lãi khoản vay. Bà Thanh đề nghị cơ quan chức năng xem xét có chính sách hỗ trợ cho những trường hợp như bà tạm dừng đóng các khoản lãi vay.
Trả lời thắc mắc của bà Thanh, Ngân hàng Nhà nước cho biết , khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như: Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19; có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định (nợ phát sinh trước ngày 10/6/2021,..) thì được tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.
Theo đó, việc xem xét có cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi,…cho khách hàng hay không thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. NHNN đề nghị bà Thanh làm việc với các tổ chức tín dụng để được xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Trên thực tế, nhiều người vay ngân hàng để đầu tư bất động sản, mua nhà, mua đất với dự định bán lại kiếm lãi đang rơi vào tình cảnh chật vật khi khoản tiền phải trả hàng tháng cho ngân hàng là không hề nhỏ, trong khi thu nhập bị giảm, thậm chí đóng băng vì dịch bệnh. Việc mua, bán bất động sản thời điểm này cũng rất khó vì nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, không thể gặp gỡ, thương lượng.
Trong các đợt sốt đất vừa qua, không ít nhà đầu tư cá nhân đã "đánh liều" vay ngân hàng để mua đất nhằm lướt sóng kiếm lãi. Tuy nhiên, thị trường biến động mạnh khiến họ không kịp trở tay, chưa kịp bán đã phải gánh thêm khoản nợ.
Năm ngoái, vợ chồng chị T (Bình Dương) gom góp được hơn 500 triệu và mượn của người thân thêm 500 triệu nữa để mua một mảnh đất, sau vài tháng, chị T sang lại căn nhà này và lãi được 270 triệu đồng.
Thấy kiếm tiền quá dễ, đầu năm nay, chị tiếp tục gom góp và dùng sổ đỏ vay ngân hàng để tiếp tục lướt sóng theo đất, và lần này "chơi lớn" đầu tư hẳn lô đất hơn 3 tỷ đồng.
Thế nhưng, lần này không may mắn như trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường đi xuống khiến giá trị mảnh đất sụt giảm. Chị T chủ động bán cắt lỗ nhưng không được, trong khi hàng tháng phải trả lãi cho ngân hàng hơn 20 triệu đồng.
Những người vay mua nhà để ở cũng trong tình cảnh chật vật. Lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà khoảng 7-9%/năm và sau kỳ ưu đãi sẽ phổ biến 10-15%/năm.
Với mức lãi suất cao như vậy, lại trong bối cảnh thu nhập sụt giảm do công việc gián đoạn trong dịch bệnh, nhiều người không thể xoay nổi tiền để trả. Trong khi đó, đa số ngân hàng hiện nay chủ trương ưu tiên giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và loại trừ các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán,…
Cụ thể, ngân hàng sẽ giãn nợ cho khách hàng trong một khoảng thời gian, ví dụ như 3-4 tháng. Sau thời gian giãn nợ đó, khách hàng sẽ phải trả một cục, gộp tất cả những tháng đó lại. Như vậy, số tiền phải nộp cho ngân hàng sau thời gian cơ cấu là rất lớn, trong khi thu nhập sẽ không thể phục hồi nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn như vậy.
Mệt mỏi với các khoản nợ, nhiều nhà đầu tư muốn bán ra để thu hồi vốn nhưng thị trường giao dịch thứ cấp thời gian qua khá ảm đạm, bị ép giá đến mức phải chịu lỗ.
Trước tình hình này, mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM mới đây đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ người vay, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.
Các ngân hàng thương mại được đề nghị xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký; hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc xin giảm lãi suất tới 2%/năm cho các khoản vay bất động sản là khá nhiều, khó có thể được các ngân hàng đồng ý.