Biển Đông mùa sóng to gió lớn, thời điểm chuyển giao sang một năm mới sắp bắt đầu. Để kịp cho các cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn giữa biển khơi có đủ hàng hóa hậu cần chuẩn bị cho cái Tết ấm áp, những chuyến tàu cấp hàng lại lên đường ra khơi.
Trên tàu Trường Sa 16 - một trong những con tàu đưa đoàn công tác đi thăm các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DKI, chúng tôi được nghe về cuộc sống và nhiệm vụ của những người làm nhiệm vụ “đưa đò”, thấy cảm phục vì những điều thầm lặng nhưng mạnh mẽ và bền bỉ của các anh.
Không chỉ có Tết mà trong năm, các chuyến tàu cũng miệt mài lên đường với ý nghĩa như vậy. Nhiệm vụ của tàu cũng đa dạng, khi thì chuyển hàng, khi thì chuyển người, hỗ trợ tàu khác, trực tuần tra... Đối với các cán bộ, chiến sĩ trên tàu, họ là một “gạch nối nhỏ” từ đất liền để kết nối với anh em đồng chí ngoài biển cả, giúp họ yên tâm công tác, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa thiêng liêng của quê hương.
‘Sóng lớn quá không thấy tàu đâu, tôi chỉ nghĩ đến nhiệm vụ’
Đại úy Trần Minh Huấn, Phó thuyền trưởng tàu Trường Sa 16, kể lại với đoàn báo chí đến thăm về những chuyến cấp hàng đáng nhớ, mà đối với anh nay đã thành quen. Chàng trai 30 tuổi là một trong những “tay lái” kinh nghiệm khi đưa xuồng mang hàng từ tàu đến các nhà giàn. Sau khi ra trường, anh công tác trong quân đội từ năm 2015 tới giờ và lái tàu từ năm 2018.
“Chuyến đó lên nhà giàn sóng rất to và khi xuồng mình vừa tấp vào nhà giàn, quay lại, tàu neo rồi nhưng không thấy tàu đâu, sóng to quá, cao khoảng 5 m, mãi mới chỉ nhìn thấy trên mũi tàu thôi. Lúc đấy mình chỉ nghĩ đến việc cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị”.
Có những trường hợp hạ xuồng rồi nhưng sóng quá cao, các cán bộ chiến sĩ không tiếp cận được nhà giàn phải quay về thì họ lại chuyển sang phương án khác, dùng dây để chuyển hàng, còn chuyển người thì phải đợi thời tiết tốt để đảm bảo an toàn, Đại úy Huấn cho biết.
Lần đầu lái xuồng của anh là chở người đi cho nhiệm vụ thay quân cuối năm. Khi đó sóng cũng cao 3 - 4 m, “chở được người đi xong về tàu là mình mệt nằm một chỗ”, anh nhớ lại. Đến nay, anh đã quen với việc thực hiện các nhiệm vụ cấp hàng và thay quân, chở người, “có những ngày đi mười mấy hai mươi chuyến”.
Đối với Đại úy Huấn, dù làm nhiệm vụ có những lúc phải đối mặt với gió to, sóng dữ như vậy, cảm giác của anh vẫn là tự hào, cảm thấy có trách nhiệm trong việc đưa hàng hóa và người đến với nhà giàn. “Với vai trò và trách nhiệm của mình, mang theo tinh thần hết mình để canh con sóng, làm thế nào để đưa hàng hóa và người đến với nhà giàn một cách thuận lợi nhất, nhẹ nhàng nhất” , anh Huấn nói.
Hành trình làm nhiệm vụ, thường xuyên đưa đón các đoàn, ngoài ra anh và các cán bộ, chiến sĩ tàu cũng làm nhiều nhiệm vụ khác, có những nhiệm vụ xa nhà đến 2 tháng thì cũng rất nhớ gia đình, Đại úy Huấn chia sẻ. Tuy nhiên, gia đình vẫn luôn động viên anh, và anh vẫn luôn cảm thấy niềm vui, niềm tự hào với mỗi một chuyến vận chuyển thành công.
Video: Đưa quà Tết đến các nhà giàn DKI.
‘Ngư dân nhiều khi chỉ trông vào mình thôi’
Thiếu tá Võ Văn Chương, thủy thủ trưởng, xúc động chia sẻ về sự tin tưởng của bà con ngư dân với các cán bộ, chiến sĩ hải quân. Anh cho biết, tàu lúc nào cũng tạo điều kiện hỗ trợ bà con hết sức có thể để ngư dân yên tâm bám biển.
“Ngư dân đi đánh cá ở đây cũng hay xin nước. Vì cái ghe của họ rất là nhỏ, mà họ đi đến 4 - 5 tháng rồi mới về bờ. Nên là lúc nào gặp ngư dân tàu cũng tạo điều kiện hết mức có thể, chia sẻ nước, mắm, muối, những đồ vật dụng,... để cho họ yên tâm bán biển. Ngư dân nhiều khi chỉ trông vào tàu của mình thôi, nhất là tàu hải quân, những khi hỏng máy, hoặc đi ghe kéo lưới rồi tay chân bị thương, thì cũng vào tàu và được quân y băng bó đầy đủ. Nói chung làm được gì cho họ mình đều làm, không từ chối một cái gì, vì ngư dân bám biển rất là cực và gian nan”.
Anh Chương gây ấn tượng với chúng tôi khi làm nhiệm vụ điều khiển cần cẩu nâng hạ xuồng và tham gia các nhiệm vụ trên boong tàu. Đến với “nghề đi biển” một cách tình cờ khi 21 tuổi, “từ lúc còn say sóng lắm”, đến nay đã gần 30 năm đồng chí thủy thủ trưởng gắn bó với công việc này.
Theo anh Chương, các nhiệm vụ trên tàu đều rất quan trọng, nhất là trong những chuyến công tác cuối năm, điều kiện sóng gió khắc nghiệt. “Khi tàu không tiếp cận được trực tiếp nhà giàn mà phải dùng xuồng đưa hàng và người vào thì công tác cẩu xuồng và đưa đón người xuống xuồng rất quan trọng, chúng tôi phải làm sao phát huy tất cả kinh nghiệm có được đảm bảo an toàn tuyệt đối cả về người và hàng hóa, để nhà giàn có thể đón nhận được những tình cảm của đất liền”.
Đối với những chuyến chở hàng nặng, tàu thả neo giữa mênh mông sóng gió, “như mùa từ tháng 10 đến tháng 12 hầu như là gió mùa đông bắc rất là lớn, mà chở khoảng 1000 tấn hàng thì tàu không thể nổi hẳn được, trên boong của mình nước cũng sẽ ào vào, nên sẽ rất vất vả. Nhưng theo hành trình thì mình đều cũng đã có kế hoạch cả rồi” , anh cho biết.
Các cán bộ chiến sĩ cũng phải vô cùng cẩn trọng khi bốc dỡ hàng nặng từ tàu, che chắn, đảm bảo đưa được đầy đủ từng gói hàng được cấp đến các nhà giàn.
Thiếu tá Chương không đếm được hết số chuyến tàu vận chuyển, số người mà mình đã tham gia chuyên chở. Nhưng cảm giác mỗi lần đưa được hàng và người đi thành công, an toàn là những lúc khiến anh “thấy hạnh phúc nhất”. “Ở đây không nói trước điều gì nhưng đến nay được vậy là tôi thấy hạnh phúc, tự hào rồi”, anh nói.
Về động lực gắn bó với công việc, người thủy thủ kỳ cựu nhận mình “chưa vất vả bằng” các đồng chí ở nhà giàn hay những đồng chí làm những nhiệm vụ xây dựng như công binh, “nhưng chúng tôi đều vì Tổ quốc”.
Đam mê màu áo lính
Đại úy Lê Xuân Thống, trưởng ngành cơ điện tàu Trường Sa 16, là người phụ trách “duy trì sự sống” của con tàu, bao gồm hoạt động và trang bị máy móc như thiết bị động lực, cơ khí, hay thiết bị điện, để đảm bảo một hải trình an toàn nhất. Từ niềm yêu mến màu áo hải quân thời niên thiếu, cộng với sở thích về máy móc, anh đã theo đuổi lĩnh vực này.
Anh cho biết, đối với các cán bộ chiến sĩ ngành cơ điện, họ thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn và các trang bị máy móc, đòi hỏi có sức khỏe để đảm bảo công tác tốt trong điều kiện sóng gió phức tạp, đủ kĩ năng để xử lý đa dạng các tình huống liên quan đến trục trặc máy móc trên biển. “Đã nhận nhiệm vụ trên con tàu này thì mình sẽ đảm bảo cho con tàu này”.
Trong nhiều chuyến công tác xa nhà, anh cũng cảm thấy nhớ gia đình. Đó là một phần động lực để anh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. “Lần vợ sinh mà mình không có mặt do ở xa, chỉ có thể gọi điện thoại. Nhưng sau khi về thì cũng được tạo điều kiện về thăm vợ con”.
Khi con còn nhỏ chưa “quen” bố, anh thường kể chuyện về những chuyến đi để con biết. “Giờ cháu chưa hình dung được toàn bộ, nhưng cũng đã hiểu phần nào về việc bố đi xa rồi trở về nhà”.
Nói về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát triển đất nước, Đại úy Thống cho rằng dù ở trong quân đội hay ở bất cứ đâu, “mỗi người sẽ có một nhiệm vụ riêng”, và người trẻ cần được rèn luyện bản lĩnh cũng như có lập trường vững vàng. Bên cạnh đó, giống như các cán bộ chiến sĩ, “chúng ta ủng hộ những quan điểm sống, lối sống có đam mê và mục tiêu”.
Khu vực biển DKI nằm ở phía Đông Nam bờ biển Nam bộ nước ta, với nguồn tài nguyên phong phú, đã và đang góp phần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của khu vực biển DKI và tình hình trên Biển Đông, năm 1989, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Chỉ thị số 180/CT về việc xây dựng cụm kinh tế - khoa học – dịch vụ tại khu đá ngầm thuộc Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Tại nhà giàn, các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ thiêng chốt giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Nhà giàn cũng nhằm các mục đích dân sự như đặt dàn đèn biển; đặt trạm khí tượng thuỷ văn, các trạm nghiên cứu khoa học về biển; nghiên cứu hải sản để nắm chắc được tiềm năng đặc sản biển trong khu vực, quy luật sinh trưởng và di cư theo mùa của các luồng cá cung cấp cho các cơ sở đánh bắt hải sản, nhằm xây dựng kế hoạch đánh bắt có hiệu quả cao; nghiên cứu khai thác có hiệu quả các mỏ đá san hô trong khu vực v.v.