Hình ảnh nam thanh niên bị “chông sống” (ảnh cắt từ clip).
Trưa 28/3, trao đổi với PV Infonet, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã xác định được người tung clip lên mạng xã hội. Nhóm 11 người bị bắt và nạn nhân cũng đều đã khai ra người tung clip.
Theo Đại tá Hùng, người tung clip lên mạng xã hội có liên quan đến nhóm người tham gia trong vụ “chôn sống” nam thanh niên xảy ra mới đây. Cơ quan điều tra sẽ triệu tập thêm nhiều người liên quan đến vụ việc nên chưa thể thông tin cụ thể người tung clip lên mạng xã hội là ai được.
Trong vụ việc này, nếu người quay và tung clip lên mạng xã hội có liên quan đến vụ việc thì xử lý ra sao? Còn không liên quan thì có được khen thưởng không?
Theo luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, đối với vụ nam thanh niên bị "chôn sống", giả sử nếu đoạn clip này là thật thì đủ yếu tố cấu thành tội phạm về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và giết người.
Nếu là đùa cũng cực kỳ phản cảm. Không một ai, dù ở cương vị nào có quyền tự ý bắt và giam, giữ người vì những lí do không chính đáng hoặc nghi ngờ không có căn cứ.
Tự tiện bắt và giam, giữ người trái pháp luật là xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, là hành vi trái pháp luật và bị xử lí nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Hành vi bắt giữ người trái phép được pháp luật quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, người nào bắt, giữ người trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức cao nhất là phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Ngoài quy định về xử phạt hành chính, Bộ Luật hình sự năm 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định về các tội phạm trên không gian mạng. Cụ thể, Điều 288 Bộ Luật hình sự quy định về tội đưa, hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Cụ thể, người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội để thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc là gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000 triệu đồng, hoặc gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...”
Từ lập luận nêu trên, luật sư Bình phân tích: “Đối với người đưa clip lên mạng, nếu những người này cùng tham gia thì tùy vào mục đích để xem xét hành vi phạm tội hình sự hoặc hành vi vi phạm hành chính nêu trên. Nếu mục đích đưa lên nhằm để tố cáo thì hành vi này cần đáng khen ngợi.
Bởi tố cáo và giải quyết tố cáo có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Tố cáo là một trong những kênh thông tin giúp nhà nước phát hiện, phòng, ngừa và xử lý các hành vi gian lận, tiêu cực, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật. Giải quyết tố cáo sẽ góp phần bảo vệ lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân".