Người Trung Quốc nhìn về phía Triều Tiên, không biết xa xa là đám mây hay đám bụi phóng xạ

Tất Đạt |

Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng ông cảm thấy căng thẳng Triều Tiên đã bắt đầu được nhen nhóm trở lại.

Bài báo đầu tiên về vũ khí hạt nhân

Ngày hôm qua (6/12), một tờ báo nhà nước ở vùng đông bắc Trung Quốc đã đăng bài hướng dẫn người dân địa phương cách xử lí trong tình hình huống có một cuộc tấn công hạt nhân. Đây là dấu hiệu cho thấy mối quan ngại của Bắc Kinh đối với tình hình bán đảo Triều Tiên.

Bài viết "Kiến thức về Vũ khí hạt nhân và Cách phòng bị" được đăng tải trên tờ Cát Lâm Nhật báo tại tỉnh Cát Lâm, gần biên giới với Triều Tiên. Bài báo được xuất bản một tuần sau thời điểm Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa được xem là mạnh nhất, tầm xa nhất của nước này.

Tờ Cát Lâm Nhật báo không đề cập trực tiếp tới Triều Tiên, nhưng lại nhắc tới sự kiện Mỹ thả bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản hồi năm 1945 làm hơn 70.000 người thiệt mạng do nhiệt độ, phóng xạ và sóng xung kích.

Bài báo đưa ra nhiều lời khuyên về cách bảo vệ bản thân người dân trước phóng xạ, trong đó có việc bổ sung i-ốt và đăng nhiều hình minh họa hoạt hình chỉ dẫn mọi người đóng cửa sổ, cửa ra vào trong tình huống nguy cấp và ngay lập tức đi tắm, súc miệng, rửa tai sau khi phơi nhiễm với phóng xạ.

Tỉnh Cát Lâm có chung đường biên giới dài 1.200km với Triều Tiên, rất gần với địa điểm thử bom hạt nhân Punggyeri của nước này.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát vụ phóng tên lửa Hwasong-15 ngày 29/11/2017

Trước đây, tờ báo này cũng từng đăng tải nội dung liên quan đến phóng xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào tháng 3/2011, nhưng chưa từng đề cập cụ thể tới vũ khí hạt nhân.

Các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đưa ra lời khuyên tương tự cho công dân của mình.

Hồi tháng 8, khi bị Triều Tiên đe dọa tấn công, Cơ quan An ninh Nội địa và Văn phòng Quốc phòng Dân sự đảo Guam cũng đăng tải hướng dẫn tránh hậu quả phóng xạ trên các trang web và mạng xã hội của đảo. Chỉ cách Triều Tiên 3.400 km, đảo này nằm hoàn toàn trong tầm bắn của các tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) của Bình Nhưỡng.

Vấn đề Triều Tiên nhức nhối

Zhang Liangui, giáo sư nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Trường Trung ương Đảng Trung Quốc, cho biết: "Triều Tiên đã phóng thử thành công loại tên lửa mới có thể tới đất Mỹ và Mỹ cũng đang tập trận hải quân với Hàn Quốc quanh khu vực bán đảo. Chúng ta không thể chắc chắn rằng chiến tranh sắp xảy ra, nhưng trong những trường hợp như vậy, Trung Quốc cần phải cung cấp cho người dân nhiều kiến thức hơn về vũ khí hạt nhân."

Thời báo Hoàn cầu hôm thứ Tư (6/12) cũng viết: "Tình hình căng thẳng Triều Tiên đang xấu dần và người dân các nước nên chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Nếu chiến tranh thực sự xảy ra, Trung Quốc sẽ cố gắng giảm thiểu hậu quả hết mức có thể."

Xu Yucheng, phó giám đốc tại Văn phòng Phòng không Cát Lâm cho rằng nội dung của bài báo chỉ đơn thuần nhằm giáo dục an ninh quốc gia và không nên bị thổi phồng lên như vậy.

Ông nói: "Nhiều quốc gia sử dụng phương tiện truyền thông để hướng dẫn người dân về cách phòng vệ trước phóng xạ. Việc này ở Trung Quốc không được triển khai nhiều như ở các quốc gia khác, ví dụ như Nhật Bản."

Người Trung Quốc nhìn về phía Triều Tiên, không biết xa xa là đám mây hay đám bụi phóng xạ - Ảnh 2.

Thành phố Cát Lâm - Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia

Một nhân viên thuộc tờ Cát Lâm Nhật báo cũng cho biết nội dung về vũ khí hạt nhân sẽ chỉ được đăng tải một lần.

Nhiều người dân sinh sống tại các thành phố sát biên giới Triều Tiên cho biết họ rất quan tâm về vấn đề phóng xạ.

Một người dân đề nghị giấu tên ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, nói: "Tình hình có vẻ đã yên bình trở lại. Nhưng khu vực thử hạt nhân rất gần với Đan Đông. Nhiều lúc chúng tôi ngước nhìn về phía Triều Tiên và không biết liệu mây ở đằng xa thực sự là mây hay đám bụi phóng xạ. Chúng tôi cảm thấy hơi lo lắng."

Wang Sheng, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Đại học Cát Lâm, cho biết tờ Cát Lâm Nhật báo đang gửi đi tín hiệu cho dân chúng rằng thảm họa có thể ở ngay gần kề. Ông nói: "Bài báo phản ánh mối lo ngại sâu sắc dọc khắp các tỉnh đông bắc Trung Quốc. Người dân cần học được cách tự bảo vệ bản thân."

photo-1

Bài viết được đăng tải trên Cát Lâm Nhật báo. Ảnh: SCMP

Dưới đây là 5 cách ứng phó với một cuộc tấn công hạt nhân, theo tờ Nhật báo:

1. Không nhìn thẳng vào cầu lửa đang phát nổ để tránh gây tổn thương mắt.

2. Nếu đang ở ngoài đường, ngay lập tức nằm xuống mặt đất và tìm nơi trú ẩn. Nếu ở gần sông, hồ hay suối, hãy nhảy ngay xuống nước. Nếu có thể, sử dụng quần áo sáng màu bao phủ thân thể, đặc biệt những chỗ hở da.

3. Nếu ở trong nhà, ngay lập tức nằm xuống dưới bàn hoặc gầm giường. Hãy tránh xa cửa sổ gương, các vật dễ cháy nổ và dễ vỡ.

4. Sau vụ nổ, nhanh chóng vứt bỏ những quần áo bị nhiễm phóng xạ; đóng cửa sổ, cửa ra vào để tránh phóng xạ xâm nhập.

5. Nếu có thể, tắm và gội bằng xà phòng. Nếu không có nước sạch, hãy dùng khăn sạch để lau toàn thân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại