Người Trung Quốc nắm giữ nhiều vị trí trong Liên Hợp quốc, Nhật Bản muốn cạnh tranh

BÌNH GIANG |

Chính phủ Nhật và đảng Dân chủ tự do cầm quyền sẽ lên kế hoạch cho việc tăng cường đưa thêm người vào các vị trí trong Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, báo chí Nhật Bản cho biết.

Theo đó, Tokyo sẽ xác định các vị trí quan trọng chiến lược với quốc tế trong những lĩnh vực như kinh tế và an ninh, sau đó sẽ cố gắng đưa các quan chức Nhật Bản có kinh nghiệm vào.

Một nhóm nghị sĩ của đảng LDP do nghị sĩ Akira Amari dẫn đầu sẽ bắt đầu soạn đề xuất đưa quy trình đề cử về dưới sự quản lý trực tiếp của Ban thư ký Nội các, bộ phận làm việc trực tiếp với thủ tướng. Cho đến nay, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chính phủ khác phụ trách việc giới thiệu ứng viên.

“Nhật Bản lâu nay không quan tâm đến việc cử người vào các tổ chức quốc tế. Nhưng đưa tiêu chuẩn quốc gia của mình thành tiêu chuẩn quốc tế là một chiến lược cực kỳ hiệu quả về kinh tế”, ông Amari nói.

Các tổ chức quốc tế ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, từ thương mại đến viễn thông hay quy tắc trên biển. Nhật Bản tin rằng việc đưa người của mình vào các tổ chức quốc tế đó sẽ đóng vai trò quan trọng hơn đối với an ninh kinh tế của mình trong tương lai.

Chiến lược mới của Nhật Bản sẽ là vừa giới thiệu ứng viên của mình cho những vị trí cấp cao trong các tổ chức quốc tế, vừa phối hợp với Mỹ và các nước châu Âu có chia sẻ các giá trị chung, như pháp quyền, để giới thiệu ứng viên. Nhiều tổ chức có quy định không chọn những người cùng thuộc một khu vực cho các nhiệm kỳ liên tục.

Chọn tổng giám đốc cho Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ là một phép thử. Vị trí này hiện do ông Roberto Azevedo, công dân Brazil, nắm giữ. Ông Azevedo gần đây đột ngột thông báo sẽ từ chức vào cuối năm nay nên người thay thế ông đang được tìm kiếm.

WTO bắt đầu chấp nhận đề cử từ ngày 8/6. Giới quan sát tin rằng Mỹ sẽ ủng hộ ông Tim Groser, cựu bộ trưởng thương mại New Zealand, còn Trung Quốc dự kiến ủng hộ ứng viên người Kenya Amina Mohamed. Nhật Bản dự kiến sẽ phối hợp với Mỹ.

Nhiệm kỳ của nhiều vị trí lãnh đạo các tổ chức quốc tế như UNESCO, WHO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sẽ kết thúc vào năm sau hoặc 2022.

Người Trung Quốc đang nắm giữ các vị trí đứng đầu Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ và Liên minh viễn thông quốc tế.

Trung Quốc rất tích cực đưa người vào LHQ, hiện đang nắm giữ vị trí lãnh đạo của 4 trong tổng số 15 cơ quan chuyên ngành của LHQ.

“Chúng ta thấy họ có kế hoạch đưa chính sách quốc gia của họ thành các tiêu chuẩn quốc tế”, một nghị sĩ LDP nói với báo chí Nhật.

Trung Quốc đang dùng tiền của mình để hỗ trợ các nước châu Phi và những nơi khác để gia tăng ảnh hưởng. Một ví dụ là năm 2019, Trung Quốc đồng ý hoãn trả nợ cho Cameroon, một quốc gia ở Tây Phi. Cameroon sau đó rút ứng viên khỏi vị trí tổng thư ký Tổ chức Nông lương LHQ và ứng viên người Trung Quốc đã trúng cử.

Trong một số trường hợp, cộng đồng quốc tế hoài nghi quan điểm trung lập của các tổ chức quốc tế có người Trung Quốc điều hành. Cơ quan hàng không dân sự của LHQ đã không cho phép Đài Loan dự cuộc họp đại hội đồng của tổ chức này năm 2016. Tổng thư ký người Trung Quốc Fang Liu có vai trò đáng kể trong chính sách hàng không của chính phủ Trung Quốc.

Liên minh viễn thông quốc tế, dưới sự điều hành của tổng thư ký Trung Quốc Houlin Zhao, tuyên bố sẽ đẩy mạnh hợp tác với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc. Là một kỹ sư làm việc trong chính phủ Trung Quốc, ông Zhao tham gia thiết lập các tiêu chuẩn và chiến lược quốc gia về viễn thông của nước này.

WHO gần đây vấp phải nhiều chỉ trích, đặc biệt từ phía Mỹ, vì cáo buộc thiên vị Trung Quốc trong giai đoạn đối phó với đại dịch COVID-19. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, một người Ethiopia, không thể xua tan hoài nghi rằng ông đang ưu ái Trung Quốc, trong khi Ethiopia và Trung Quốc có quan hệ kinh tế gần gũi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại