Ngày 25/4, trang SCMP đưa tin người đàn ông họ Liu (36 tuổi) đã trải qua một ca phẫu thuật kéo dài 5 phút vào ngày 12/4 tại Bệnh viện Não Hồ Nam ở miền trung Trung Quốc, như một phần cuộc thử nghiệm lâm sàng do Hao Wei (cựu Phó chủ tịch Uỷ ban Kiểm soát ma tuý của Liên Hợp Quốc) đứng đầu.
Hao Wei là chuyên gia điều trị lạm dụng chất gây nghiện tại Bệnh viện Xiangya Thứ hai của Đại học Trung Nam. Ông và các đồng nghiệp cho biết, con chip này dự kiến chống lại cơn thèm rượu trong tối đa 5 tháng.
Sau khi được cấy ghép, con chip sẽ giải phóng naltrexone - một chất thường được sử dụng trong điều trị nghiện để ngăn ngừa tái nghiện - được cơ thể hấp thụ và tấn công các thụ thể trong não.
Theo các chuyên gia, naltrexone đã thay thế disulfiram, trở thành phương pháp điều trị nghiện rượu phổ biến nhất hiện nay. Trong khi disulfiram có tác dụng khó chịu như chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa, naltrexone nhẹ nhàng hơn.
Liu nghiện rượu khoảng 15 năm. Trung bình mỗi ngày, người đàn ông này uống khoảng nửa lít rượu vào trước bữa sáng và tiếp tục uống suốt cả ngày tại nơi làm việc.
Sau khi uống rượu, Liu có xu hướng bạo lực. Người đàn ông này cũng được chẩn đoán mắc 24 bệnh lý bao gồm rối loạn điện giải.
Khi thấy bệnh viện địa phương bắt đầu thử nghiệm lâm sàng về công nghệ và liệu pháp cấy ghép chip để cai rượu, Liu đăng ký tham gia với mong muốn thoát khỏi vòng xoáy nghiện ngập.
Ban đầu, Liu lo lắng về thủ thuật, song cho biết rất ngạc nhiên vì quy trình diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Sau khi cấy chip cai nghiện, Liu hy vọng có thể tận hưởng cuộc sống như người bình thường.
Theo SCMP , từ cuối thế kỷ XX, chất naltrexone được sử dụng trong việc điều trị nghiện rượu. Naltrexone hoạt động nhẹ nhàng bằng cách “tắt” phần não gây tác dụng sinh học khi uống.
Một báo cáo năm 2018 của tạp chí y khoa The Lancet cho thấy Trung Quốc đứng đầu thế giới về số ca tử vong liên quan đến rượu. Trong năm 2017, nước này ghi nhận 650.000 ca tử vong ở nam giới, 59.000 ca ở nữ giới. Đàn ông từ 45 đến 59 tuổi là nhóm tiêu thụ nhiều rượu nhất. Ngoài hàng loạt vấn đề sức khỏe, rượu góp phần gây ra những vấn đề xã hội ở Trung Quốc, từ tai nạn giao thông đến bạo lực gia đình.