Anh Quách Kiến Lân và dự án các loại vải sợi tự nhiên - Ảnh: THIÊN AN
Với họ, sự bền vững được đo đếm bằng mức độ gắn bó và hòa hợp giữa con người với thiên nhiên trong từng bước phát triển của mọi hoạt động kinh tế, xã hội.
Bôn ba dệt vải sinh thái
Rời Việt Nam năm 16 tuổi sang New Zealand rồi trở thành sinh viên ngành kinh tế tại Đại học Massey, anh Quách Kiến Lân (39 tuổi) tưởng đã lựa chọn một cuộc sống lâu dài tại xứ kiwi - một trong những đất nước yên bình nhất thế giới.
Thế nhưng tròn 10 năm sau ngày cầm trên tay tấm bằng cử nhân - trải qua hàng loạt công việc ở hải ngoại từ nhân viên marketing, bán hàng đến cả thử sức với nghề đầu bếp, pha chế đồ uống - Lân quyết định trở về Việt Nam viết một chương sách cuộc đời mới mẻ: làm vải sợi tự nhiên.
Mới nghe qua có vẻ tréo ngoe nhưng chàng du học sinh tuổi đôi mươi ấy ấp ủ một mong muốn góp sức "xanh hóa" nghề may mặc tại Việt Nam - một trong những ngành công nghiệp chủ lực nhưng cũng chịu không ít tai tiếng vì những tác động tiêu cực đến môi trường.
Anh Lân đang cùng tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng - trưởng bộ môn công nghiệp hóa học Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - và các cộng sự thực hiện dự án làm vải từ chuối.
Trong hơn một năm qua, nhóm nghiên cứu tự thiết kế và gia công cơ khí những loại máy tước xơ từ thân chuối, cho ra đúng những sợi có độ dài và mỏng tiêu chuẩn vốn rất khó thực hiện bằng tay.
Một trong những điểm trừ lớn nhất trước nay của xơ chuối là khi gặp nước dễ cứng lại, khó dệt thành vải. Nhiều người tham vọng chinh phục sợi chuối cũng bị vướng bước này.
Để giải bài toán, nhóm phải đưa tơ vào một quy trình khép kín đặc biệt thay đổi một số thành phần trong kết cấu của xơ. Xơ chuối sẽ được tăng thành phần cellulose đến một mức đủ để kéo thành sợi.
"Chúng tôi đã xong được một trong những bước khó nhất là cho ra xơ chuối một cách hoàn hảo. Thử thách tiếp theo sẽ là từ xơ kéo thành sợi rồi từ sợi dệt ra vải. Một hướng đi khả thi là kết hợp các sợi từ chuối với một số loại có nguồn gốc tự nhiên đặc biệt khác.
Tỉ lệ đã ướm thử để có thể giữ được cái độc đáo của tơ chuối nhưng vẫn duy trì được chất lượng của vải thành phẩm", tiến sĩ Phượng chia sẻ.
Anh Lân tiếp lời: "Chúng tôi đã ngắm nghía các vùng trồng chuối tại An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang và Long An làm nguồn nguyên liệu cho sản xuất quy mô lớn. Trước nay chuối ở Việt Nam không được tận dụng hết nên lãng phí".
Anh Lân cho rằng Việt Nam sẽ sớm không còn lợi thế về nhân công giá rẻ trong ngành may mặc. Và cũng sẽ đến lúc Nhà nước bắt đầu siết lại những quy định nhằm hạn chế tối đa những tác động của ngành công nghiệp này với tự nhiên.
Do vậy nếu muốn cạnh tranh, theo anh, Việt Nam phải có những sản phẩm tạo được những giá trị gia tăng. Giá trị ấy có thể được hình thành từ việc cho ra những sản phẩm tơ sợi, vải vóc mới có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Chẳng hạn anh Lân vừa mới cho ra mắt sợi BambooBiocell được dệt từ những loại tre cực giàu cellulose. Từ các tơ tre, nhóm sử dụng công nghệ đưa vào 2 nhà máy ở Long An và Huế để dệt sợi.
Vải sợi từ tre chủ yếu mới ứng dụng trong sơ mi và áo thun nên còn nhiều dư địa để phát triển. Sợi còn có thể kết hợp nhiều chất liệu khác tạo ra nhiều loại vải phong phú ứng dụng đa ngành như thời trang, nội thất, phụ kiện...
"Trước đây gia đình tôi ở Sài Gòn làm về nghề nhuộm, nhưng tôi lại chưa từng nghĩ sẽ làm việc liên quan tới vải vóc. Như cơ duyên, có gì thôi thúc để tôi từ New Zealand trở lại Việt Nam làm dệt theo hướng xanh hóa. Những năm đầu tôi gặp rất nhiều thất bại. Không ít người nói sẽ không làm được" - anh Lân nói.
"Với loại vải tre đang có, ước tính có thể giảm bớt đến 50% lượng nước cần để dệt và 50% lượng khí thải phát ra. Đó chính là những giá trị tăng thêm theo hướng bền vững cho một ngành công nghiệp để tránh phụ thuộc lợi thế của một nền công nghiệp nhân công giá rẻ", anh cho biết thêm.
Giờ đây với anh Lân là sợi chuối, dự kiến có thể ra mắt vào tháng 12-2022. Phác họa về các hướng đi kế tiếp cũng được vạch ra, trung bình 2-3 năm công ty của anh sẽ cho ra một loại vải từ vật liệu bản địa ở Việt Nam.
Anh cũng khởi động dự án thổi làn gió thời đại cho vải lụa Lãnh Mỹ A tại Tân Châu (An Giang). Theo anh, vải lụa có phần không phù hợp với hoạt động thường nhật.
Tuy nhiên, nếu sợi tơ lụa kết hợp với tơ tre có thể cho ra một loại sợi mới, giữ được những nét đẹp của lụa nhưng mang một màu sắc hiện đại.
Tôi nghĩ văn hóa không theo kịp thời đại sẽ trở thành một phần trong quá khứ, trong lịch sử. Văn hóa muốn theo kịp thời đại phải sáng tạo để vừa giữ được phần gốc, vừa có thể hòa nhập với đời sống mới. QUÁCH KIẾN LÂN
"Trên vùng Tây Nguyên bạt ngàn hiện có một loài bông (cotton) cổ thụ. Khác với những cây bông nhỏ vừa, loại cây này mọc trên những cây to lớn và đang được một số bạn trẻ có tâm huyết ở vùng đất đỏ bảo tồn. "Dự án tiếp theo của chúng tôi sẽ là góp phần phát triển các sản phẩm từ bông cổ thụ cũng như dựng lại vùng trồng loại cây bản địa độc đáo đó", anh Lân nói.
Anh Võ Quang Trung cùng những chuyến đi rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Cái bắt tay giữa người và rừng
Cuộc trò chuyện với anh Võ Quang Trung diễn ra khi sương đêm đã bắt đầu lấp lánh trên những bụi cây trong vườn. Một buổi cuối tuần có phần thư thái với người đàn ông mảnh khảnh có gương mặt sáng sủa hay cười vừa mới vượt gần 50km từ Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai lại phố thị đèn ngọn xanh ngọn đỏ.
Bụi phong trần từ quãng đường dài dường như không giảm bớt chút nào sự sảng khoái và hào hứng mà anh Trung đem về từ rừng xanh khi khoe anh vừa cùng một nhóm bạn trẻ Bình Thuận đến khu Mã Đà để thả về rừng gần chục con rắn hổ mang chúa đặc hữu.
Nhóm bạn này có sự đồng cảm sâu sắc với thiên nhiên, họ thường "nằm vùng" trong những hội nhóm rao bán động vật hoang dã để hễ thấy người ta "bán chui" những loài nào độc lạ là bỏ tiền xin mua lại. Con nào có phân bố ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, các bạn sẽ gọi ngay cho anh Trung hỗ trợ tái thả.
"Thường là những loại rắn thuộc nhóm IB - động vật hiếm, nguy cấp. Nhóm bạn rất nhiệt huyết, tinh thần là cứu được con nào thì cứu", anh Trung nhẹ nhàng tâm sự.
"Sau mỗi lần tái thả, các bạn thường ở lại kêu tôi dẫn đi "soi" đêm. Chúng tôi loanh quanh trên các lối mòn, ngắm nhìn cảnh rừng khi đêm xuống. Tất nhiên cũng sẽ mang theo máy ảnh để chụp lại một số bò sát hay lưỡng cư sống về đêm. Có hôm chúng tôi mê mẩn tới 3h sáng mới về".
Đó là một trong rất nhiều việc mà anh Võ Quang Trung, phó trưởng bảo tồn thiên nhiên và hợp tác thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, đang đảm nhận. Thường xuyên rong ruổi trong các cánh rừng, anh Trung cùng các nhóm nghiên cứu khảo sát mức độ đa dạng sinh học và thống kê hệ động thực vật trên địa bàn rừng quản lý.
Chiếc máy ảnh trở thành vật bất ly thân của anh trong mỗi chuyến đi, ghi lại hàng ngàn bức ảnh về những loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu cho khu vực này. Nhiều dự án quy mô cũng đang được anh Trung thực hiện, trong đó có dự án đề xuất thành lập khu bảo tồn ASEAN ngay tại Mã Đà và hình thành khu ramsar của thế giới ở vùng đất trũng bên hồ Trị An.
Công việc anh Trung dành nhiều tâm huyết nhất là khai thác những nguồn gene quý hiếm để phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Nhiều cây thuốc quý đặc trưng ở khu vực Đông Nam Bộ như giác đế Đồng Nai, mật nhân Đồng Nai... được nhóm của anh nhân giống thành công cho người dân có thể trồng trọt với quy mô lớn.
Anh Trung liên kết với các đơn vị sản xuất để tiêu thụ đầu ra cả dưới dạng thô lẫn những sản phẩm mang tính thương mại cao. Điển hình, loài lạc tiên thường được tìm thấy tại khu bảo tồn đã được nhân rộng cho dự án phát triển một sản phẩm trà túi lọc bán trên thị trường.
"Trước nay rừng bị ảnh hưởng nhiều thường là do người dân sống gần vào khai thác trái phép. Là do người dân khi đói, họ phải vào rừng tìm gì bỏ bụng", anh Trung nói.
Đêm đã khuya nhưng người đàn ông năm nay đã 40 tuổi này vẫn tiếp tục những câu chuyện. Anh Trung bảo đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống khi tham gia những chuyến đi thực địa rừng miền Trung để làm bộ sưu tập các bức ảnh về những loài động vật, thực vật khi nghiên cứu khoa học với các giảng viên thời đại học.
"Tôi cũng không ngờ những chuyến đi này đã thay đổi mình. Hồi nhỏ tôi còn là một đứa sát sinh lắm, thường cầm ná đi bắn con này con kia. Giờ thì không hiểu sao tôi lại xem chuyện hỗ trợ cho những loài động vật như một duyên nợ".
Hay mới đây người dân trong vùng đã phát hiện một con chim niệc mỏ vằn cực kỳ quý hiếm chẳng may gặp nạn, rơi vào vườn nhà. Vì là loài quá hiếm, chưa có nhiều thông tin, anh Trung phải hỏi han rất nhiều chuyên gia động vật tại Việt Nam, lần mò thêm nhiều tài liệu nước ngoài mới tìm ra cách cứu hộ.
Ròng rã suốt 3 tháng, anh theo dõi chú chim từng ngày như người cha chăm đứa con ốm. Anh đích thân đi bắt từng con nhái, thằn lằn nhỏ và một số loại trái cây cho chim ăn cho đến lúc khỏe mạnh và biết tập bay.
Một người dân kể với chúng tôi, nhờ những người như anh Trung mà họ "cảm" được nhiệt huyết và trách nhiệm của con người với rừng. Họ đã thấm thía được câu nói "ăn của rừng rưng rưng nước mắt". Bởi, rừng mất chủ yếu do lòng tham, do tâm lý muốn làm giàu được từ tự nhiên.
Muốn bền vững thì rừng phải giữ được cá thể, khai thác nguồn gene của chúng. Nghĩa là những nguồn gene quý có thể phục vụ cho lợi ích kinh tế của người dân sống xung quanh. Nhưng, từng cá thể quý hiếm trong rừng - từ những con vật, loài cây - phải thuộc về rừng. VÕ QUANG TRUNG
"Có lần người dân báo cho tôi có một con sóc bé con chẳng may đi lạc quanh nhà họ. Tôi chạy xe máy hơn 40 cây số mới tới nơi, đưa sóc về đúng nơi cư ngụ. Không cần đó phải là một loài quý hiếm mình mới có trách nhiệm, chỉ cần đó là của rừng thì sẽ trả về rừng".
Anh Nguyễn Anh Thế dẫn khách trong những chuyến đi xem chim, khám phá thiên nhiên - Ảnh: ANDY NGUYỄN
Người dẫn khách xem chim Việt Nam
Cao nguyên Lâm Viên có cao độ khoảng 1.500m so với mực nước biển. Với những người có đam mê sự đa dạng của mạng lưới động vật Việt Nam, trên cao nguyên này không chỉ có thành phố Đà Lạt đông đúc du khách, mà còn là nơi sinh sống của nhiều loài chim đặc hữu của Việt Nam.
Nguyễn Anh Thế (sinh năm 1984) là một hướng dẫn viên du lịch thích chim chóc. Gần 5 năm qua anh thường tổ chức các tour ngắm chim cho du khách, phần nhiều là khách nước ngoài.
Anh Thế nói nhờ độ cao vượt trội so với khu vực xung quanh, cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) có thể xem là "ốc đảo" trên cạn của những loài chim độc đáo ở Việt Nam. Do địa lý có phần tách biệt, nhiều loài chim đã tiến hóa để thích nghi với môi trường sống và khí hậu cao nguyên đặc trưng.
Qua những cánh rừng thông, thảo nguyên hay những khu dự trữ sinh quyển, khách nước ngoài thường theo chân anh Thế lặn lội khắp nơi có những loài chim hiếm sinh sống.
"Ban đầu tôi cũng bất ngờ vì nhiều người "máu" như vậy. Du khách đến từ nhiều quốc gia như Mỹ hay châu Âu đi để khám phá thiên nhiên Việt Nam. Có những vị khách đặt vấn đề với tôi dành hẳn 10 ngày liền chỉ để đi xem chim và hệ sinh thái ở Việt Nam thay vì đến nghỉ dưỡng ở những bãi biển đẹp hay vui chơi ở những thành phố lớn - anh Thế tâm sự - Sau này tôi mới biết họ rất thích thú với phong cảnh hoang sơ miền nhiệt đới ở Việt Nam. Họ thích sự đa dạng của hệ thống động thực vật của mình đến nỗi một vị khách Tây làm trong ngành sinh vật học từng nhận xét rằng trung bình chỉ 200m2 rừng ở Việt Nam đã có số loài chim ngang ngửa ở toàn châu Âu".
Không chỉ vùng đất "nên thơ" như cao nguyên Lâm Viên, anh Thế cũng dẫn khách đi quan sát chim ở Cần Giờ (TP.HCM), nơi những rừng đước, rừng bần làm nên nét riêng cho hệ thống rừng ngập mặn rìa thành phố, cũng là nơi cư ngụ của nhiều loài chim như cà kheo cánh đen, diệc lửa, bạc má, bông lau mày trắng hay loài bông lau tai vằn...
Được đánh giá là "sân ga" của các loài chim tại Việt Nam, Cần Giờ là điểm nghỉ chân của nhiều loài chim quý trên đường di cư. Từ cuối tháng 9, mòng biển đuôi đen và nhạn biển Caspi trong hành trình dài từ phương Bắc về phương Nam bắt đầu xuất hiện và ngày càng đông đúc. Có thời điểm lên đến hàng ngàn con, nhộn nhịp không chỉ trong rừng mà còn trên khắp các ruộng muối ở Cần Giờ.
Gốc là nhân viên xây dựng, rồi từ niềm yêu mãnh liệt với thiên nhiên, anh Thế rẽ ngành, học làm hướng dẫn viên du lịch. Anh đã lang thang hết các vùng rừng núi ở Việt Nam để chụp những loài chim mới lạ. Tất cả tư liệu được anh đưa vào website Vietnambirds.
Đi rừng Việt Nam đòi hỏi mình phải sử dụng cả 5 giác quan mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp. Không chỉ nhìn bằng mắt mà còn nghe bằng tai, sờ bằng tay, ngửi bằng mũi. Có như vậy, mới tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên nước mình. NGUYỄN ANH THẾ
Anh cũng đang triển khai tour tham quan thiên nhiên riêng cho trẻ em. Có thể là một chuyến đi Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, lên Đà Lạt hay về Cần Giờ...
Tour cho các em sẽ hơi khác, không phải trèo đèo lội suối nhiều, mà chỉ cho các em cảm nhận được tình yêu thiên nhiên: "Các em sẽ ý thức nước mình giàu đẹp thế nào và chính các em sẽ có trách nhiệm với thế giới xanh xung quanh. Những tour này tôi làm lời lỗ không quan trọng. Với tôi gieo cho những đứa trẻ suy nghĩ "xanh" và niềm yêu thích, tôn trọng thiên nhiên là đủ".
"Họ có thể lên trước một danh sách những loài chim mình muốn gặp, muốn thấy và sẵn sàng dạo trong những cánh rừng hàng cây số hay chôn chân một chỗ cả tiếng trời để đợi chim. Có người vác theo những máy chụp ảnh chim chuyên dụng hoặc có người đơn giản chỉ mang theo những ống nhòm để nhìn chim, thấy được chúng ngoài đời thực là đã mãn nguyện.