Hợp đồng bán 49 tỷ ký từ năm 2014
Vụ việc ẩu đả khiến một người bị chảy máu đầu ngay tại cuộc họp ngày 7/12 nhằm quyết định hạ giải cây sưa 200 tuổi được rao bán 50 tỷ đồng tại đình làng thôn Đông Cốc (Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn đang khiến người dân tại đây bàn tán xôn xao.
Cùng với đó, dân làng bức xúc về việc có người đã ký hợp đồng với thôn trả giá 49 tỷ đồng mua cây sưa này nhưng xã bán đấu giá chỉ được hơn 24 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dương, người dân thôn Đông Cốc cho biết, vào khoảng năm 2013, một người tên Hải đã đặt cọc 200 triệu đồng mua cây sưa. Nhưng sau đó vì nhiều lý do khách quan nên họ chưa đóng đủ tiền và chưa mua được.
Sau đó, bà Nguyễn Thị Hợp (TP Bắc Ninh) đặt vấn đề sẽ giúp đỡ dân trong thôn làm thủ tục hạ giải và mua cây sưa.
Vào tháng 3/2014, sau một thời gian bàn bạc, đại diện thôn, các ban ngành và hơn 20 cụ cao niên trong làng... cùng ký vào hợp đồng bán cây sưa 200 năm tuổi cho bà Hợp.
Cụ thể, theo hợp đồng, các cán bộ, các cụ và nhân dân trong thôn bán cho bà Hợp cây sưa đỏ to ở ngoài cổng đình bao gồm cả thân, rễ, cành với giá 49 tỷ đồng.
Khi khai thác, sử dụng, vận chuyển cây gỗ sưa tại đình làng thì các giấy tờ, thủ tục xin phép có liên quan và các loại thuế bà Hợp sẽ phải lo toàn bộ. Sau khi có quyết định hạ giải và khai thác của các cơ quan chức năng, bà Hợp phải đặt một khoản tiền tạm ứng cho địa phương.
Nếu bên nào tự ý thay đổi hợp đồng hoặc tự ý thanh lý hợp đồng sẽ bị phạt tương đương 1/3 giá trị hợp đồng hoặc bị khởi kiện ra tòa.
Bản hợp đồng được thôn Đông Cốc ký với bà Nguyễn Thị Hợp được phía xã khẳng định là không có giá trị.
Bản hợp đồng này cũng nêu rõ, khi có quyết định hạ giải và khai thác cây sưa này thì hợp đồng mới được thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Dương, khi các cơ quan chức năng cho phép chặt hạ, đấu giá cây sưa thì lại không thông báo cho bà Hợp được biết.
Đến khi UBND xã Hà Mãn thực hiện thành công đấu giá với mức giá 24,5 tỷ đồng, thì bà Hợp mới biết và đến yêu cầu phải đảm bảo quyền lợi vì có hợp đồng ký trước đó.
"Sau khi bà Hợp có ý kiến, UBND xã có tiếp nhận, nhưng lại yêu cầu nếu bà Hợp muốn mua thì trong 7 - 10 ngày phải nộp 3 tỷ đồng đặt cọc và giá tính theo hợp đồng ký trước đó.
Xã bán 24,5 tỷ đồng, nhưng lại yêu cầu bà Hợp thực hiện theo hợp đồng ký trước đó là 49 tỷ thì tôi thấy không hợp lý. Rồi việc phải đặt cọc ngay mấy tỷ trong 7 - 10 ngày thì bà ấy làm sao lo nổi?
Vì thế, bà Hợp phải đi tìm đối tác mua để có tiền đặt vào chứ người này làm gì có nhiều tiền đến thế...", ông Dương cho hay.
Cũng theo ông Dương, vì bà Hợp chưa tìm được người mua nên sau nhiều lần UBND xã mời đến nộp tiền, bà không đến.
"Đến khoảng 2 tháng nay thì chính tôi là người thân quen cũng không liên lạc được với bà Hợp. Gọi vào số điện thoại thì có chuông nhưng không ai nghe. Con trai bà ấy bảo "mẹ cháu đi Trung Quốc, chưa biết khi nào về..."", ông Dương kể.
Về nghề nghiệp cụ thể của bà Hợp, ông Dương cũng không nắm rõ.
Đến tận nhà tìm cũng không được
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn cho hay, về việc ký hợp đồng giữa bà Nguyễn Thị Hợp với thôn Đông Cốc để mua cây sưa, chính quyền xã hoàn toàn không biết.
"Trưởng thôn cũ và một số cụ trong làng tự bàn bạc với bà Hợp làm hợp đồng mua bán sưa chứ không báo cáo với xã. Chúng tôi nhiều lần xuống làm việc với thôn để nêu rõ bản hợp đồng này không có giá trị, trái pháp luật.
Bởi cây sưa thuộc di tích lịch sử nên việc mua bán phải được sự đồng ý của các cơ quan chức năng và thôn không phải là cấp chính quyền nên không được ký hợp đồng", Chủ tịch xã Hà Mãn khẳng định.
Cây sưa 200 năm tuổi ở đình làng Đông Cốc.
Ông Hiến cũng cho biết, sau khi xã đấu giá xong cây sưa với giá 24,5 tỷ đồng, bà Hợp có mang bản hợp đồng theo kiểu "xí chỗ" này đến đòi quyền lợi.
"Chúng tôi có giải thích nhưng do bà con bàn tán về chuyện bán đắt, rẻ nên xã đã xin ý kiến huyện và tạm dừng hợp đồng đấu giá 24,5 tỷ để thực hiện hợp đồng của dân thôn đã bán cho bà Hợp 49 tỷ đồng, dù có thể phải bồi thường.
Chúng tôi mời bà Hợp lên và cho bà thời hạn 7 - 10 ngày phải đặt cọc tiền thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, bà này đều lấy lý do rồi không đến. Cho đến nay, chúng tôi không thể liên hệ được với bà ấy", ông Hiến nói.
Chủ tịch UBND xã Hà Mãn thông tin thêm, sau vụ ẩu đả xảy ra vào ngày 7/12, phía công an huyện đã đến tận nhà bà Hợp để tìm nhưng được con trai thông báo bà không có nhà.
"Theo thông tin từ phía công an huyện thì khi họ đến, nhà bà Hợp chỉ là một căn nhà nhỏ 2 gian ở phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh chứ không phải giàu có và bà này đã không có mặt tại địa phương từ nhiều ngày qua.
Hỏi hàng xóm thì không ai biết bà Hợp đi đâu. Trong khi đó, công an phường còn cung cấp thông tin đang tiếp nhận một số khiếu nại của người dân về bà Hợp.
Thế nên đến thời điểm này, chúng tôi không có cách gì liên lạc với bà Hợp để mời đến giải quyết các vấn đề có liên quan", ông Hiến bày tỏ.
Vị chủ tịch xã này cũng nêu rõ, khi tìm được bà Hợp, lãnh đạo xã sẽ mời bà về làm việc để trả lời câu hỏi có tiếp tục thực hiện hợp đồng mua cây sưa này hay hủy.