Người thương binh là khắc tinh của tội phạm đặc biệt nguy hiểm

Nguyễn Long |

Trong 30 năm cống hiến trong lực lượng Công an nhân dân thì có tới 20 năm làm Cảnh sát hình sự, 10 năm làm cảnh sát bắt tội phạm truy nã - Thượng tá Đào Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, CATP Hà Nội là “khắc tinh” với các đối tượng giang hồ. Dù từng mang thương tật tới 24% do bị đối tượng tấn công khi thi hành nhiệm vụ, nhưng anh chưa từng chùn bước trước bất kỳ một công việc khó khăn nào.

Sinh ra để làm lính hình sự

Bây giờ nhiều lúc nhìn lại chặng đường công tác gần nửa đời người, Thượng tá Đào Anh Tuấn vẫn bảo, có lẽ số anh sinh ra để làm lính hình sự.

Chừng ấy năm làm việc, những tình huống hiểm nguy khi đối mặt với tội phạm nhiều đến mức không nhớ nổi, ấy vậy mà cứ khi nào xảy ra “án từ” hay nhận được mệnh lệnh từ cấp trên là anh lại hăng hái lên đường với tâm thế của một chàng thanh niên lần đầu ra trận.

“Có lẽ mình bị “lây” cái máu nhiệt tình ấy từ người chỉ huy cũ - Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Đại tá Vũ Đình Hoành.

Chính ông là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến tác phong làm việc và cách hành xử của mình trong công việc”, Thượng tá Tuấn nhớ lại.

Ngày còn là một cậu bé, Thượng tá Tuấn đã yêu thích ngành Công an. Cũng chẳng có gì ghê gớm, chỉ là bên cạnh căn nhà cũ của anh ở khu tập thể có mấy chú hàng xóm đều làm công an.

Các chú ấy rất quý trẻ con, lại hiền lành và đi chơi đâu cũng kéo cậu bé Tuấn đi cùng.

Chừng ấy năm làm việc, những tình huống hiểm nguy khi đối mặt với tội phạm nhiều đến mức không nhớ nổi, ấy vậy mà cứ khi nào xảy ra "án từ" hay nhận được mệnh lệnh từ cấp trên là anh lại hăng hái lên đường với tâm thế của một chàng thanh niên lần đầu ra trận.

Thế rồi trong một lần được các chú đèo xe đạp dạo phố, cậu bé Tuấn đã cứng người vì sợ hãi khi thấy chú hàng xóm của mình quẳng xe đạp để tóm lấy một gã thanh niên bặm trợn đang bỏ chạy sau tiếng hô cướp từ con ngõ nhỏ.

Khi đối tượng bị dẫn giải về trụ sở cơ quan công an, lúc ấy trong lòng cậu bé bỗng trào nên sự ngưỡng mộ và rồi anh quyết định nộp hồ sơ thi vào trường Trung học Cảnh sát.

Ra trường năm 1992, về CATP Hà Nội công tác và được giao nhiệm vụ giúp việc cho Đại tá Vũ Đình Hoành, lúc ấy nhiều người cứ khen cậu lính trẻ Đào Anh Tuấn tốt số.

Anh bảo: “Anh em bạn bè tớ hồi đó còn nói, làm lính văn phòng vừa nhàn hạ, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, sướng thế còn gì.

Trong khi mình mới ra trường, chỉ muốn lao ra đường nhận nhiệm vụ ngay để có điều kiện rèn luyện, cọ xát thực tế.

Người thương binh là khắc tinh của tội phạm đặc biệt nguy hiểm - Ảnh 2.

Bàn giao đối tượng truy nã cho công an nước bạn

Một trong số những đức tính của Đại tá Vũ Đình Hoành mà anh học được chính là không bao giờ để cảm xúc riêng tư ảnh hưởng đến công việc.

Còn nhớ có lần Đại tá Vũ Đình Hoành đi công tác, anh ngồi ở nhà trực văn phòng thì có ngay một cuộc điện thoại từ người thân của ông gọi đến nhờ can thiệp với Cảnh sát Giao thông.

Người này khi đi mua lô máy kéo cho Hợp tác xã đã bị phạt tạm giữ toàn bộ số phương tiện trên do vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Ngày ấy chưa có điện thoại di động, đến khi Đại tá Vũ Đình Hoành về và được anh báo cáo lại, ông chỉ khẽ chau mày rồi thủng thẳng: “Vi phạm thì phải chịu phạt là đúng.

Xin xỏ gì”. Thế rồi công việc cuốn đi và ông cũng quên luôn. Nhưng những cách hành xử nhỏ nhặt ấy đã thành ấn tượng khó phai trong tâm trí người lính của ông.

Luôn sẵn sàng vì nhiệm vụ

Sau 2 năm làm “lính văn phòng”, anh quyết tâm xin chuyển công tác.

Đơn vị mà anh chọn là Đội đặc nhiệm thuộc Phòng Cảnh sát hình sự. Lúc nghe anh đề đạt nguyện vọng, Đại tá Vũ Đình Hoành thẳng thắn nói: “Việc này cần phải xin từ dưới tổ chức quyết định.

Sang đấy là vất vả đấy, nhưng đã đi là phải phấn đấu, chấp nhận gian khổ. Đừng có để xấu mặt, nghe chưa!”.

Tâm niệm với những lời dặn dò đó, anh dồn tâm sức vào các vụ án, quyết đưa ra ánh sáng các đối tượng lưu manh cộm cán từng gây biết bao nỗi ám ảnh với người dân lương thiện.

Và chuyên án triệt phá ổ nhóm tội phạm Khánh “trắng” tại chợ Đồng Xuân thành công chính là nhờ những tháng ngày dài dằng dặc của anh bí mật thu thập tài liệu, bằng chứng trong suốt mấy năm trời.

Toàn bộ thông tin, hồ sơ về ổ nhóm của chúng được đích thân Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Thế Tiệm khi ấy yêu cầu anh báo cáo và cung cấp cho cơ quan điều tra.

Cũng chính Thứ trưởng trực tiếp xin lệnh của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để bắt khẩn cấp Khánh “trắng”. Nhờ hồ sơ đầy đủ, chứng cứ rõ ràng của anh mà vụ án Khánh “trắng” và đồng bọn đã được làm rõ khiến chúng phải đền tội.

Không chỉ riêng vụ án Khánh “trắng”, còn khá nhiều vụ án nổi tiếng khác cũng mang dấu ấn của Thượng tá Tuấn.

Ví dụ như vụ triệt phá ổ nhóm tội phạm liên tỉnh Hà Nội - Hà Tây - Nam Định - TP.HCM do đối tượng Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn “con”) cầm đầu diễn ra năm 2003.

Xác định đây là băng nhóm hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố, anh đã tham mưu cho Ban chỉ huy Đội đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự đề xuất Ban Giám đốc cho xác lập Chuyên án 494C để tập trung các lực lượng triệt phá.

Nhiều lúc tưởng chừng việc xác định nhóm đối tượng này rơi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, trong hơn 2 tháng kiên trì thu thập tài liệu chứng cứ, đến tháng 7- 2003, toàn bộ ổ nhóm đã bị triệt phá trong đó đích thân Thượng tá Tuấn trực tiếp chỉ đạo tổ công tác bắt giữ 27 đối tượng.

Quá trình đấu tranh khai thác còn làm rõ được ổ nhóm Tuấn “con” đã gây ra 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại TP.HCM như: vụ bắn và chém Nguyễn Xuân Thắng (tức Thắng “chập”) ngày 12- 9- 2000 tại đường Gia Bình (quận Tân Bình); vụ dùng súng K54 bắn và cướp 220 triệu đồng của anh Hoàng Ngọc Tài hồi tháng 5-2001 tại phố Cao Thắng hay vụ dùng mã tấu chém chết anh Đặng Vũ Thắng - kế toán Thảo Cầm Viên ngày 22-8-2001.

Người thương binh là khắc tinh của tội phạm đặc biệt nguy hiểm - Ảnh 3.

Thượng tá Đào Anh Tuấn (áo kẻ, bên trái) trực tiếp bắt sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa

Truy bắt Nguyễn Đức Nghĩa, Long “ma” về quy án

Đến khi sang nhận cương vị Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, anh cũng cùng đồng đội bắt giữ nhiều đối tượng đặc biệt nguy hiểm.

Trong đó, cần nhắc đến vụ bắt Long “ma” - đối tượng nghiện ma túy đá từng gây ra nhiều vụ thanh toán gây sợ hãi trong nhân dân mà đáng kể nhất là vụ nổ súng giết người ở đường Nguyễn Thị Định (quận cầu Giấy) hồi tháng 4-2016.

Hay như vụ anh cùng đồng đội tham gia truy bắt sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa giết người chặt xác phi tang từ Thái Nguyên về quy án.

Không chỉ với tội phạm trong nước, nhiều đối tượng lưu manh người nước ngoài sang Việt Nam gây án cũng đã phải thúc thủ trước tài trí của những chiến sĩ Công an Việt Nam.

Tháng 4-2016, sau khi nhận được yêu cầu của Cục Đối ngoại, Bộ Công an đề nghị giúp truy bắt đối tượng truy nã người Trung Quốc đang lẩn trốn tại Việt Nam là Li Min Cong - kẻ cầm đầu đường dây vận chuyển, mua bán 400kg cocain từ Nam Mỹ qua Hồng Kông vào Trung Quốc, Thượng tá Tuấn đã cùng đồng đội lên kế hoạch truy bắt.

Tài liệu của Cục Đối ngoại cho biết, đây là một trong những vụ án ma túy lớn nhất Trung Quốc từ trước tới nay và nhiều khả năng Li Min Cong đang lẩn trốn tại Hà Nội.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Thượng tá Tuấn cùng trinh sát xác định đối tượng chỉ ở Hà Nội đến ngày 6-4 và sau đó đã di chuyển vào TP.HCM.

Anh đã tổ chức cho trinh sát bám sát đối tượng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an.

Đến đêm 9-4, xác định được địa chỉ nơi lẩn trốn của đối tượng, Thượng tá Tuấn chỉ đạo tổ công tác tổ chức bắt giữ được đối tượng ngay tại phường Tân Hiệp Chánh, quận 12 trước khi hắn chuẩn bị trốn sang Campuchia.

Và ngày 11-4 đơn vị đã phối hợp với các Cục nghiệp vụ tổ chức bàn giao Li Min Cong cho Công an Trung Quốc để xử lý theo biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công an hai nước.

Link gốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại