Chỉ số đo lường trí thông minh IQ được phát hiện ra vào năm 1912, trở thành một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để xác định về khả năng thành công dựa trên năng lực cá nhân của một người. Trong một thời gian dài, đây là bộ chỉ số được tin cậy nhất để xác định một người có hay không cơ may thành công, với quan điểm thông minh thì chắc chắn sẽ thành công.
Tuy nhiên, vào những năm 1990, việc đo lường khả năng thành công của một người được hỗ trợ thêm bởi hàng loạt các chỉ số khác, trong đó nổi bật là EQ và AQ.
EQ là bộ chỉ số đo cảm xúc, được xây dựng rất khác với IQ, bao gồm loạt câu hỏi trắc nghiệm nhằm xác định trí tưởng tượng, sáng tạo của một người và khả năng thấu hiểu của người đó với những người xung quanh. Người có EQ cao có khả năng nhận biết, đánh giá và điều tiết cảm xúc của bản thân và mọi người rất tốt, do vậy thường trở thành những nhà lãnh đạo giỏi.
Trong khi đó, AQ là chỉ số vượt qua khó khăn, đo lường khả năng vượt qua những cú sốc, thất bại trong cuộc sống. Rất nhiều người thông minh, tài giỏi nhưng chỉ một lần thất tình, một lần thất bại là sự nghiệp xuống dốc, không thể đứng dậy; ngược lại có những người có khả năng lành vết thương nhanh chóng, tìm thấy sự thúc đẩy và kích thích.
Các chỉ số EQ và AQ ngày càng được đánh giá cao hơn IQ về mức độ nhận biết khả năng thành công của một người bởi IQ có thể rèn luyện để đạt điểm cao được, trong khi AQ và EQ có cách đánh giá hoàn toàn khác và mang tính cá nhân hóa nhiều hơn.
Ngoài EQ và AQ, một số chỉ số khác cũng dần trở nên quen thuộc để đánh giá khả năng thành công của một cá nhân, như SQ, CQ và PQ. SQ - chỉ số thông minh xã hội - được xem như chiếc chìa khóa để thành công trong cuộc đời, xác định mức độ hòa nhập và thích nghi của cá nhân với xã hội.
CQ đo lường khả năng tạo đột phá, sự sáng tạo, là chỉ số Trí thông minh sáng tạo. Tương tự IQ, CQ có thể được "đánh thức" nhờ quá trình tập suy nghĩ, khai thác tới tận cùng khả năng của não phải và được thúc đẩy thực hành liên tục. Trong khi đó, PQ - sự say mê quyền lực - là chỉ số thể hiện tính khao khát của một cá nhân.
Trong nhiều trường hợp, PQ mang tính tiêu cực, nhưng thực tế, phẩm chất này thường giúp các cá nhân đạt được thành công trong nghề nghiệp của mình. PQ thường áp dụng cho những người theo đuổi chính trị, những nhà lãnh đạo cấp cao.
Bill Gates hay Warren Buffett đều là những doanh nhân, nhà đầu tư nổi tiếng đương thời. Chỉ số IQ của hai doanh nhân này được cho là ở mức 160. Tuy nhiên, đánh giá về sự tác động IQ tới sự thành công của mình, Warren Buffett từng nói ông không cho rằng IQ 160 hay 130 có sự khác biệt nào.
"Thành công trong đầu tư không có liên quan gì tới chỉ số IQ kể cả khi IQ của bạn ở trên mức 125. Khi bạn có chỉ số thông minh trung bình, điều bạn cần là khí chất" và Warren Buffett nhấn mạnh tới EQ và AQ trong câu trả lời của ông.
Điều tương tự cũng đúng với Jack Ma. Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc vốn là người không giỏi về toán học, ông thi trượt đại học 2 lần và từng lấy hình tượng của nhân vật Forest Gump (một người có chỉ số IQ thấp) để thúc đẩy bản thân mỗi khi thấy nản chí. Tuy vậy, ông lại có khát khao thành công rất lớn, với SQ và CQ vượt trội.