Bangkok đang chìm dần xuống dưới mực nước biển; thành phố lớn này vốn đã nằm ở địa thế thấp, được xây trên nền đất đầm lầy, và như mọi khối bê tông nằm trên nền đất lún khác - nó đang chìm. Cứ có mưa lớn, những cơn mưa sẽ thường xuyên xuất hiện trong bối cảnh biến đổi khí hậu, là đường phố Bangkok lại biến thành sông.
Thế nhưng kỹ sư Bangkok không chùn bước, không chịu buông tay chìm xuống vũng sình. Ở khu campus của Trường Đại học Thammasat, một mái lớn phủ cây xanh được thiết kế đặc biệt để giữ được nước mưa.
Cấu trúc của nó giống với ruộng bậc thang, một phần cái mái này là trang trại trồng trọt; từng bậc thang đưa nước xuống từng bậc để nuôi dưỡng lúa và nhiều loài cây khác. Bên cạnh đó ruộng lưu trữ được tới 11 triệu lít nước trong các bể chứa, đây sẽ là nguồn tài nguyên quý giá khi mùa hạn hán tới.
Cũng giống như các mái nhà phủ cây xanh khác, nó sẽ ngăn được phần nào nhiệt lượng ảnh hưởng tới bên trong tòa nhà, và cũng giảm thiểu nhiệt độ chung của toàn thành phố. Khi mọi mái nhà được phủ cây thay vì bê tông - thứ vật liệu hấp thu nhiệt lượng rất tốt, Bangkok (hay bất cứ thành phố nào áp dụng thiết kế ấy) sẽ trở thành một ốc đảo giữa tình hình khí hậu cực đoan.
Phần khác của thiết kế mái này là một khu pin năng lượng Mặt Trời rộng tới gần 22.000 mét vuông, cung cấp nguồn điện cho tòa nhà bên dưới. Ngoài những mục đích trên, khu vực mái còn là lớp học ngoài trời cho sinh viên trong trường. Cần gì phải tới những vùng quê để đi thực địa, khi ruộng bậc thang đang nằm ngay trên đầu?
Những cánh đồng lúa vốn là quang cảnh thường thấy ở vùng ngoại ô thành phố, nhưng nhiều thập kỷ gần đây, và “sau nhiều năm đô thị hóa với tốc độ chóng mặt, vùng đầm lầy đã biến hóa ra những thành phố bê tông cứng đờ, không còn có thể thở, thấm hút nước và làm đất canh tác”, những nhà thiết kế làm nên cái mái đa năng, công ty thiết kế Landprocess của Thái, dẫn dắt bởi nhà thiết kế Kotchakorn Voraakhom, cho hay.
“Mái ruộng bậc thang” này là một hệ thống xoay vòng rất thông minh: trong một năm, khu trồng trọt trên mái có thể cho ra lượng gạo đủ cho 100.000 bữa ăn nhằm phục vụ cho cán bộ, công nhân viên trong trường và cho căng tinh của trường; mọi đồ ăn thừa sẽ được ủ thành phân và chuyển lên mái, làm phân bón cho vựa lúa tiếp theo.
Tham khảo FastCo