Bây giờ đã là 29 Tết!
Trên góc đường Hai Bà Trưng (Q.1), Lý Thường Kiệt (Q.10), Võ Văn Tần (Q.3),… những chậu mai vàng đã bung nở, từng cánh xếp lớp nhau, tròn xoe như những đồng tiền vàng.
Trước cửa phòng Cấp cứu Bệnh viện Quân Y 175 (Nguyễn Kiệm, Q. Gò Vấp, TP.HCM), năm nay có lẽ đã khác nhiều.
Tốp bác sĩ có thời gian trang trí một nhành đào, treo trên đó câu đối đỏ, hình chú chuột vác hạt gạo khổng lồ với ngụ ý cầu chúc gia chủ tài lộc.
0h đêm: Tiếng chuông cấp cứu vang lên inh ỏi, hơn 10 con người, tất bật túc trực bên giường bệnh, chỉ đón Tết vỏn vẹn vài phút.
Bên kia nữa, 3h sáng, đêm 27, đội công nhân Môi trường Đô thị Thành phố, vẫn miệt mài trồng luống hoa cuối cùng.
Đêm 27 trong phòng Cấp cứu Bệnh viện 175.
Và ngày mai, 29 Tết, hôm sau nữa, 30 Tết, họ vẫn sẽ làm việc. Mãi cho đến khi pháo hoa nổ đi đùng bên kia hầm sông, họ mới kịp nghỉ tay, quây quần đếm từng khoảnh khắc một năm cũ từ từ trôi qua.
Họ - những người Sài Gòn cuối cùng đón Tết…
Công nhân tất bật với đường hoa ngày cuối cùng trước khi khai mạc.
"Tết là khi giường bệnh ít đi một người, phòng cấp cứu vắng đi một chút"
22h, 27 Tết, một bé trai 18 tháng lên cơn co giật, đã thở mềm như chiếc lá úa.
22h07 phút, người phụ nữ, ngoài 40, còn mặc nguyên bộ đồng phục, máu ướt sũng một phần. Nạn nhân kể: Đi làm về, vừa vào quán nước thì bị nhóm giang hồ đuổi đánh nhầm, chẳng nhớ mặt mũi. Bác sĩ tỉ mẩn lau vết thương, khâu 3 mũi lớn dài hơn 2 đốt tay.
23h30, cậu sinh viên viêm ruột thừa cấp.
23h45, bà nội trợ mắc chiếc xương cá từ hôm qua đến nay mới chịu để chồng đưa đi viện vì "ngại".
0h30, cô gái trẻ có mái tóc vàng hung, vào cửa đã gào lên: "Bác sĩ… Bác sĩ… Nối tay cho con…" rồi ngất xỉu xuống giường.
Đêm 27 với hơn 20 ca bệnh được bác sĩ tiếp nhận.
Với họ, 24 tiếng đồng hồ là 24 tiếng của mọi sự sinh tử, của cuộc chiến giành giật sự sống cho người dân Thành phố.
1h07, người đàn ông ngoài 50, không mặc áo, da đã ngả màu đọt chuối, tim ngừng đập, nằm nhũn ra trên chiếc xe đẩy. Vừa qua cửa, bác sĩ đã đẩy vội vào phòng hồi sinh. Người vợ đứng cạnh bên, khóc không ngừng: "Lúc nãy ổng còn dặn tui ngủ sớm, vậy mà giờ ông định bỏ tui đi sao???".
Hỏi ra: Hôm nay công ty anh nghỉ Tết, anh em làm bữa tiệc rượu chia tay từ sáng tới chiều, từ chiều tới tối. Về đến nhà, nằm một lúc thì môi đã tím tái, răng nghiến chặt, chết lâm sàng. Hơn 10 phút sau cứu nguy, bác sĩ ra khỏi phòng, thở phào nhẹ nhõm: "Anh đã qua khỏi rồi. Nhưng não mất oxy hơn 30 phút nên khả năng sẽ sống đời thực vật. Gia đình xin bình tĩnh…". Người vợ quỵ xuống đất, khóc to hơn.
Người phụ nữ bật khóc vì tai nạn trước ngày Tết.
Người vợ ngã quỵ khi nghe tin chồng có khả năng sống thực vật.
Cứ vậy, suốt đêm 27 Tết, hơn 20 ca chân thương, ngộ độc, tai nạn giao thông, ngộ độc… cánh cửa phòng Cấp cứu của Bệnh viện Quân Y 175 không bao giờ khép cửa. 24 tiếng đồng hồ, đó là 24 tiếng của mọi sự sinh tử, của cuộc chiến giành giật sự sống cho người dân Thành phố. Nhất là những ca đêm, khi số ca tai nạn giao thông thường xảy ra nhiều sau buổi tiệc rượu bia.
"Ca trực bắt đầu từ 7 giờ sáng hôm nay đến hôm sau, liên tục suốt 24/24 nên ngần ấy năm làm việc, bác sĩ tụi anh đâu có thời gian ăn Tết. Cứ ở viện túc trực rồi đón giao thừa ở đây luôn. Hồi con còn nhỏ, mỗi lần đi qua đêm thì nó hay hỏi: Bao giờ bố về ăn Tết cùng con, sau này quen dần nó cũng hiểu luôn." - Đại uý Phạm Xuân Trường (39 tuổi) nhớ lại.
Bác sĩ phải túc trực theo dõi thường xuyên.
Với họ, Tết chỉ là một khoảnh khắc nhỏ trong đêm giao thừa, khi đồng nghiệp trong phòng Cấp cứu quây quần bày mâm cúng, trang trí cành đào và chúc nhau một năm mới an lành. Rồi sau đó, người bệnh vào, ai lại việc nấy, tiếp tục công việc giành giật sự sống cho bệnh nhân.
"Với anh, vui nhất là Tết thấy giường bệnh ít đi một người, phòng cấp cứu vắng đi một chút. Như thế có nghĩa là bà con mình ngoài kia đang vui chơi lành mạnh, không xảy ra thương vong gì rồi…" - anh Trường cười kể.
Với họ, Tết là giường bệnh ít đi một người, phòng cấp cứu vắng đi một chút.
"Tết à! Là đêm giao thừa duy nhất được trở về nhà ở bên cạnh mấy đứa nhỏ"
15h chiều, 27 Tết, tốp công nhân vẫn đi dọc con đường kiểm tra lại từng luống hoa lần nữa. Chỉ còn vài giờ nữa đường hoa Nguyễn Huệ sẽ khai mạc, trông ai nấy tật bật, vui vẻ hơn phần.
Tết với đội công nhân Môi trường Đô thị Thành Phố là bắt đầu từ những ngày giữa tháng Chạp, khi chị em chia nhau dựng tiểu cảnh, trồng hoa, dọn rác sạch sẽ và chờ đợi đêm 28, hàng nghìn khách đổ về đường hoa tham quan.
Mãi đến 3h sáng, ai nấy dắt con xe về nhà, trong giỏ đã đựng một ít những cành hoa gãy làm món quà chưng Tết cho mấy đứa nhỏ ở nhà.
Hàng trăm công nhân miệt mài với đường hoa.
Công việc tất bật từ giữa tháng Chạp đến hết mùng 4 Tết.
"Tết với tụi chị chỉ vỏn vẹn 10 tiếng đồng hồ đêm gia thừa. 3h chiều, trở về nhà, cùng chồng con bày mâm cúng. Đợi đến 0h đêm thì 4 mẹ con chở nhau ra hầm sông ngắm pháo hoa. Trở về nhà, cho con ngủ thì chị lại xách xe và bắt đầu công việc tại đường hoa. Thế là hết Tết." - chị Yến (37 tuổi, công nhân Môi trường Đô thị Thành phố) cười.
Với họ, Tết chỉ là vỏn vẹn 10 tiếng đêm giao thừa được ở bên con.
Những chậu hoa gãy, bị bỏ sẽ được nhặt lại để chưng ở nhà.
Giờ phút nghỉ ngơi ngắn ngủi.
"Tết à! Là đêm giao thừa đánh ghe không về quê, chẳng còn chậu nào"
17h chiều 28 Tết, càng về ngày cuối nằm, Bến Bình Đông càng nhộn nhịp hơn hẳn. Từ những ngày 25 Tết, khi thuyền ghe khắp tỉnh miền Tây đổ về Sài Gòn, con bến này đã náo động sáng đêm. Người bán buôn, tiếng mời chào, thuyền ghe ra ra vào vào,… đủ cả.
Chuyến ghe chở đầy "canh bạc" may rủi.
Những chiếc ghe từ nơi xa, mang Tết về cho người Sài Gòn, nhưng với họ, Tết là một canh bạc đầy sự may ruổi dựa vào khách hàng.
Như chị Hiền (50 tuổi, Bến Tre) có hơn 20 năm gắn bó với buôn bán hoa Tết, chia sẻ: Từ giữa tháng 6, cả gia đình đã rục rịch trồng hoa cảnh. Đến đêm 22 âm lịch thì đánh ghe chở hơn 5.000 chậu hoa cảnh, vạn thọ, mân xôi, cúc, trang… lên phục vụ bà con.
Những ngày Tết, cả gia đình vạ vật ngủ trên ghe, thay phiên nhau bán buôn ngày đêm. Vậy mà có năm sức mua giảm, ép giá, đêm 30 mà vẫn còn nửa ghe, chị nhìn người ta mà chỉ biết khóc…
Với họ, Tết là đêm 30 đánh chiếc ghe không trở về quê nhà.
Giấc ngủ ngắn ngủi giữa tiết lạnh.
Với chị Hiền, Tết là đêm 30, khi pháo hoa đã nổ trên trời Sài Gòn, cả gia đình chị dong ghe trống trơn trở về quê. Vừa ngắm pháo hoa, vừa ăn buổi tối với ca khô, tép rang mà ngon lành!
"Đi về mà ghe không là sướng lắm! Tới nhà thì đã quá mồng một, chị bày ít mâm cỗ cúng kiếng rồi ai cũng nằm nghỉ lấy lại sức mấy ngày bán buôn thôi…" - chị Hiền cười.
Chị Hiền ước được một chuyến ghe trống vào Tết Canh Tý.
"Tết à! Là trôi sông lạc chợ, mua vui cho bà con thiên hạ…"
3h chiều 28, Nhã Vy dặm lại ít son, kẽ đôi khoé mắt, mặc thêm chiếc áo dài rồi chạy con xe Dream ra khỏi dãy nhà trọ. Vy là người cuối cùng ở lại dãy nhà. Cô đi lên công viên Tao Đàn, tập hợp dưới gầm sân khấu cùng mấy chị em bóng gió để chờ đợi tới lượt mình kêu số.
Đến 18h, hàng ghế nhựa đã đầy ắp người xem. "Xin chào quý cô bác, anh chị đã đến với đoàn lô tô của chúng em. Ai thương dùm thì mua ủng hộ chúng em từng vé lô tô…", tiếng rao văng vẳng gian hàng hội chợ, chẳng mấy chốc mớ vé hết sạch.
Với đoàn lô tô, Tết là cháy hết mình trên sân khấu.
Nhã Vy rao bán từng tấm vé lô tô.
Với phận lô tô bóng gió như Nhã Vy, mỗi mùa Tết là một mùa làm ăn, mùa không nhà. Họ chia nhau đi lưu diễn khắp lục tỉnh Nam Kỳ, mãi cho đến cái đêm giao thừa, qua 0h, chị em mới ngồi dưới gần sân khấu, cúng bái tổ nghiệp rồi chia nhau từng miếng bánh dẻo, kẹo ngọt với lời chúc năm mới đoàn mua may bán đắt nhiều hơn.
"Có năm về nhà, ở buổi sáng, buổi chiều chị lại không chịu được cái chân nên lại thóc xe lô tô. Như cái nghiệt duyên của mình vậy… 14 tuổi theo nghiệp lô tô, ấy cũng là ngần ấy năm chị đón Tết dưới gần sân khấu" - Vy kể lại.
29 Tết: Anh cảnh sát giao thông vẫn đứng giữa làn đường Hai Bà Trưng-Điện Biên Phủ điều tiết xe cộ, bác xe ôm vẫn miệt mài chạy cuốc xe cuối năm, anh bảo vệ nửa đêm thiêu thiêu ngủ dưới bóng cây hoa sữa,… họ - những người Sài Gòn cuối cùng ăn Tết, chỉ vì đang bận mang Tết về cho thành phố này thôi!