Trong phiên đấu giá gây quỹ mua máy thở cho các bệnh viện tuyến đầu ngày 29/08 vừa qua, với tên gọi "Những kỷ vật biết thở" do Quỹ Hạt Vừng tổ chức, có một nhân vật đã tích cực trả giá từ đầu đến cuối chương trình.
Điều đáng chú ý là khi chương trình kết thúc, chị đã chuyển khoản cho Quỹ một khoản tiền 260 triệu đồng, mà không nhận về bất cứ một món đồ nào, đồng thời còn gửi tặng thêm những chiếc túi hiệu để Quỹ Hạt Vừng bán đấu giá.
Đó chính là chị Linda Vũ – một Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ. Trao đổi với chúng tôi, chị Linda cho hay chị quê ở Ninh Bình, là một cô gái quê, không có bằng cấp gì. Chị gặp chồng mình ở Sài Gòn, sau đó kết hôn rồi cùng chồng sang Mỹ. Hiện tại chị có mở một tiệm nail và kinh doanh online.
Trước đây, mỗi năm chị thường về Việt Nam 1-2 lần, tham gia kinh doanh bất động sản. Một nửa lợi nhuận được chị trích ra để làm từ thiện, giúp những hoàn cảnh khó khăn trên quê hương mình. Thời gian này vì dịch bệnh không đi lại được, chị phải tìm cách khác để kiếm tiền ủng hộ, giúp đỡ người dân – thanh lý toàn bộ số đồ hiệu mà mình có.
Ảnh chụp màn hình một status tổng kết bán đồ hiệu trên facebook chị Linda Vũ
"Mình sẵn sàng đánh đổi tất cả mọi thứ mình có để giúp Việt Nam"
Được hỏi về cảm xúc khi nghe những thông tin về tình hình dịch bệnh ở quê hương, chị Linda không giấu nổi xúc động: "Xem mỗi video mà nước mắt không thể cầm được, ngực đau không thở nổi, mình sẵn sàng đánh đổi tất cả mọi thứ mình có để giúp Việt Nam.
Người thân mình ở Việt Nam hết, chỉ có mình ở Mỹ. Những người nước ngoài luôn luôn nghĩ gửi tiền về giúp gia đình mình là được rồi, mình thì không suy nghĩ vậy. Dịch bệnh như thế này phải giúp cả người ngoài, thì người nhà mình mới có hy vọng sống. Ngay lúc này đây phải hành động để không ai phải chết".
Có lẽ quan điểm đó đã thôi thúc chị phải hành động ngay, phải tìm mọi cách để có thêm tiền giúp đỡ đồng bào. Bán đi cái kính, chiếc túi hiệu mình yêu thích, là việc tưởng như nhỏ nhưng chẳng phải ai cũng làm được, ai cũng sẵn sàng làm.
Chính Linda cũng chia sẻ rằng đã là phụ nữ, ai mà không thích đồ hiệu, bán một món đồ mình thích cảm giác như ngày mai sẽ chia tay vậy. Thậm chí khi quyết định thanh lý những món đồ được chồng tặng, trong đó có những món rất khó để có được, chị đã phải trải qua những cuộc cãi vã với anh và kết thúc bằng lời hứa sẽ không bao giờ dùng đồ hiệu nữa.
Như lời Linda nói, đơn giản chỉ là chị yêu gia đình, yêu con người Việt Nam như máu thịt của mình. Lúc này họ cần mình, mình làm sao có thể quay lưng.
Chị Linda Vũ ủng hộ tiền cho Quỹ Thương Sài Gòn do siêu mẫu Xuân Lan phụ trách
"Cái nghèo làm cho mình chịu đựng không nổi, nên luôn tâm niệm một điều không muốn ai phải khổ như mình"
Cuộc sống luôn đặt con người đứng trước những lựa chọn. Một cách suy nghĩ tích cực cũng là một lựa chọn, khi con người ta phải đối mặt với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Với Linda, chị đã chọn từ bỏ sở thích cá nhân, thay đổi lối sống, để thuyết phục chồng đồng hành cùng mình trên chặng đường giúp đỡ những người khác.
Nói lời "chia tay" với những tài sản, những kỷ vật của mình, chị chọn cách nghĩ là thời điểm này các doanh nghiệp và nhiều tỷ phú còn phá sản, vậy coi như năm nay mình phá sản và làm lại từ đầu.
Trước kia buôn bán bất động sản, giờ lại ngồi livestream để bán từng món đồ 5-10$, dù lúc đầu cũng thấy…ngại, nhưng Linda nghĩ thế này: Mình sống đàng hoàng, được mọi người yêu quý, còn hơn là sống không có ích cho xã hội.
Chân dung chị Linda Vũ - người luôn mong muốn được giúp đỡ đồng bào Việt Nam gặp khó khăn trong hoàn cảnh đại dịch
Khi được hỏi lý do vì đâu mà có mong muốn giúp người khác lớn đến thế, chị chia sẻ: "Ba mẹ mình từ bé cũng không lo được cho mình, nên mình đã tự bươn chải, nằm bờ ngủ bụi có, lang thang cũng có... Cái nghèo làm cho mình chịu đựng không nổi, nên luôn tâm niệm một điều không muốn ai phải khổ như mình."
Người ta vẫn thường nói "bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm". Khi trao cho người khác một điều gì, thì ít nhiều người trao tặng cũng sẽ được nhận lại. Chúng tôi hỏi Linda, chị mong đợi điều gì khi hết lòng giúp đỡ người khác?
Câu trả lời của chị là không gì cả, chỉ muốn mọi người vui vẻ và hạnh phúc. Bởi vì "Mình ăn ngon mặc đẹp mà người khác đói khát, kêu khóc, mình không làm được".
Không biết gì về bóng đá nhưng vẫn trả 55 triệu cho chiếc áo có chữ ký của huyền thoại Mardona
Quay trở lại phiên đấu giá diễn ra vào ngày 29/08 vừa qua, Linda Vũ là người tham gia đấu giá chiếc nhẫn kim cương của MC Vân Hugo và chiếc áo bóng đá số 10 có chữ ký huyền thoại Maradona.
Hình ảnh chiếc nhẫn kim cương của MC Vân Hugo trong phiên đấu giá
Đến vật phẩm chiếc áo bóng đá được ký bởi "cậu bé vàng" Maradona, chị cũng là người đưa ra giá rất nhiệt tình, nhưng rồi khi có người đưa ra giá cao hơn mình, chị cũng nhường cơ hội sở hữu vật phẩm cho người sau, và vẫn tiếp tục ủng hộ con số 55 triệu đồng mà mình đã đưa ra để đấu giá cho chiếc áo.
Hình ảnh chiếc áo có chữ ký của huyền thoại bóng đá Maradona
Ngay sau buổi livestream, chị đã chuyển khoản đúng 260 triệu đồng như những gì mình đã nói trong chương trình.
Khi được hỏi về hành động của mình, Linda chia sẻ: "Trong đầu mình chỉ luôn suy nghĩ làm cách nào để kiếm được nhiều tiền trong phiên đấu giá, mua thêm được máy thở… Mình chưa bao giờ xem bóng đá, còn không biết cầu thủ đó là ai. Lúc đó chỉ tâm niệm máy thở đó hơn 100 triêu, phải làm sao để có đủ số tiền đó. Mình không nghĩ tới mấy món đồ đấu giá. Mình tham gia vì muốn gom tiền để mua máy thở cho Việt Nam."
Ảnh chụp tin nhắn chuyển khoản 260 triệu đồng ủng hộ mua máy thở của chị Linda Vũ cho Quỹ Hạt Vừng
Chúng tôi vẫn gọi phiên đấu giá gây quỹ mua máy thở ấy là phiên "chợ tình" đặc biệt, bởi mục đích của những người tổ chức không phải là vì tiền, mà vì những hơi thở cần được cứu.
Nhưng có lẽ chương trình đấu giá ấy không chỉ đặc biệt bởi mục đích của nó, mà còn bởi ở đó có những người tham gia đấu giá rất "ngược", như chị Linda Vũ chẳng hạn, bỏ tiền ra để mua những món đồ, nhưng lại tặng hết, không sở hữu gì cả, thậm chí còn "mất" thêm đồ của mình nữa.
Chị hứa với chúng tôi rằng chị sẽ gửi tặng thêm nhiều đồ nữa, sẽ tiếp tục tham gia đấu giá mà không nhận về món đồ nào hết, và chính chị sẽ lan toả chương trình để nhiều người biết đến hơn nữa.
Chị luôn tự nhận mình chẳng là gì trong xã hội này, trong cuộc đời này, nhưng có lẽ chị cũng là một người rất giàu có. Không phải vì những tài sản hay món đồ hiệu mà chị sở hữu, cũng không phải vì những gì chị đã sẵn sàng bán đi để giúp người khác. Ngoài kia có rất nhiều người có nhiều của cải hơn chị, nhưng chưa hẳn là họ giàu hơn chị. Sự giàu có của tâm hồn, của lòng tốt, của tình yêu thương!