Chứng bệnh "không chừa một ai" trong xã hội hiện đại
Xã hội càng hiện đại, đời sống con người ngày càng tăng cao, hiện nay nhiều người hướng tới lao động trí óc và vận dụng thành tựu khoa học để phục vụ cho cuộc sống của mình.
Tuy nhiên kèm theo đó là nhiều hệ lụy từ lối sống và biểu hiện tâm lý mà đặc trưng là bệnh trầm cảm.
Trầm cảm là một căn bệnh hiện đại đang có xu hướng gia tăng mạnh ở các nước đang phát triển khi mọi người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, học tập và những áp lực trong đời sống hàng ngày. Nhiều người mắc bệnh tự tìm đến cái chết, thế nhưng nguy hiểm thay, nhiều người lại không ý thức được mức độ trầm trọng của trầm cảm.
Có lẽ vì thế mà bài chia sẻ về một người bạn mắc chứng trầm cảm của chị Hương Vũ - người phụ nữ Việt hiện đang sống cùng chồng và hai con tại Thụy Sĩ khiến nhiều người phải giật mình.
Chị Hương Vũ chia sẻ, bài viết này chị muốn dành cho chính người bạn thân đang mắc chứng trầm cảm của mình.
"Chiều qua, cô bạn thân gọi điện tâm sự: Em luôn ở trạng thái buồn bã, lo âu kéo dài, gia đình mới cho em đi chơi vài nước Bắc Âu để vui vẻ hơn.
Đi toàn chỗ nổi tiếng, ở khách sạn 5 sao đắt tiền mà cả đời em không dám tự bỏ tiền ra hưởng thụ kiểu đó, nhưng khổ nỗi em hoàn toàn không thể tìm thấy chút vui vẻ, hưng phấn nào.
Nhiều tháng nay em không thể tìm thấy một niềm vui nào trong cuộc sống, cũng không thể đọc hết vài trang sách hay tập trung xem một bộ phim. Em không thể nói với ai được, vì ai cũng chỉ nhìn thấy em có chồng giỏi con ngoan, kinh tế ổn. Em sợ mọi người nghĩ rằng em sướng quá hóa rồ.
Ngày nay, chứng trầm cảm dẫn tới nguy cơ tự tử tăng cao, đặc biệt là ở giới trí thức (Ảnh minh họa)
Tuần trước em mất ngủ, rồi tự nhiên đập một chai bia của chồng để lấy mảnh chai tự cứa tay mình, máu chảy lênh láng rồi em cứ ngồi ôm vết thương khóc một mình. Gần đây em luôn nghĩ tới đám ma của mình, em tưởng tượng cả chuyện cả đoàn sẽ hát những bài nào trước quan tài của mình… Chị là người duy nhất em chia sẻ những chuyện này.
Tôi nói với em: Chị hiểu, chị chia sẻ với em được, kể hết chị nghe đi, xả hết những gì đang có trong lòng. Chị hiểu là giờ có bày một núi vàng ra trước mặt em cũng chẳng thấy đời đẹp lên tí nào đâu.
Chuyện trò xong, phải nghe lời chị, nói rõ với chồng em đang trầm cảm ở giai đoạn khá nặng rồi. Bắt buộc không được giấu chồng nữa nếu em không muốn con em mất mẹ".
Cần có nhận thức đúng để "chung sống hòa bình" với trầm cảm
Được biết, trước đây, chị Hương Vũ từng làm phóng viên truyền hình cho một cơ quan báo chí, còn chồng chị là một kĩ sư người Thụy Sĩ.
Hiện tại, sau gần bốn năm từ ngày đặt chân tới Thụy Sĩ, chị Hương Vũ đã mở được một tiệm làm móng cùng các dịch vụ thẩm mỹ nhỏ của riêng mình, kết hợp với kinh doanh tự do.
Chị chia sẻ chính bản thân mình cũng từng mắc trầm cảm và cảnh báo rằng: Biểu hiện của trầm cảm đôi khi không rõ ràng, khiến người bệnh lầm tưởng mình mắc bệnh khác và khi phát hiện, trầm cảm đã ở giai đoạn nặng.
Vì thế, rất nhiều bệnh nhân tìm tới bác sỹ để tìm các bệnh nội khoa, nhưng các xét nghiệm đều bình thường khiến nhiều bác sỹ cũng không tìm được câu trả lời trong khi thủ phạm chính lại là stress.
"Vụ này, tôi từng trải qua chỉ thời gian ngắn trước đây. Trong hơn 10 năm kể từ khi sinh con đầu lòng, tôi luôn bị ít nhất 1-2 trận sốt rét run cầm cập về đêm kéo dài chừng khoảng 1 tiếng rồi tự hết.
Một năm trở lại đây, thêm chứng đổ mồ hôi trộm ướt sũng cả quần áo khi ngủ, dự đoán là thay đổi nội tiết sau hai ca mổ khá lớn. Bác sỹ gia đình ở Thụy Sĩ (có rất nhiều bằng cấp lớn, kinh nghiệm) cho xét nghiệm máu vài lần cũng không thể tìm ra được nguyên nhân, vì vậy tôi về Việt Nam khám.
Sau tất cả xét nghiệm, tôi được chẩn đoán là bị stress kéo dài tác động tới thần kinh thực vật, sinh ra các triệu chứng giả như trên. Sau một tháng điều trị stress, các triệu chứng trên đã hết"- Chị Hương Vũ kể.
Chị Hương Vũ chia sẻ chính bản thân mình cũng từng mắc chứng trầm cảm.
Bài viết của người phụ nữ Việt nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi người. Nhiều người bày tỏ sự lo lắng khi tìm thấy chính bản thân mình trong câu chuyện, bởi không ít người đang mắc phải chứng trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì có khoảng từ 10 – 15% dân số có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Bệnh này không ngoại trừ một ai.
Nguy hiểm hơn, căn bệnh có thể "giết chết" người mắc một cách âm thầm khiến người thân dù sống chung nhưng vẫn không nhận ra người bên cạnh mình đang mắc chứng bệnh nguy hiểm
Như trường hợp một người bạn khác của chị Hương Vũ, hơn 10 năm trước, cô đã uống gọn một chai thuốc sâu và chết khi ngủ qua đêm tại cửa hàng quần áo của mình.
Không một dòng chữ để lại, không phát hiện nguyên nhân nào khiến cô tự tử. Việc làm ăn ổn định, nợ nần không có, chuyện tình cảm êm ấm. Cô mồ côi bố mẹ từ nhỏ, cá tính và rất tự lập, mạnh mẽ. Cao 1,67m, xinh đẹp, luôn vui vẻ...
Kể câu chuyện trên, chị Hương Vũ muốn nhấn mạnh rằng, thực tế, người càng cá tính và có vẻ mạnh mẽ, độc lập càng dễ dính trầm cảm.
Vì họ có thói quen tự gồng gánh mọi vấn đề cá nhân, tự nuốt vào trong cơ thể mọi năng lượng xấu, và thường chủ quan cho rằng mình có thể vượt qua mọi chuyện một cách nhẹ tênh.
Có nhiều nguyên nhân gây nên chứng trầm cảm. Tự tử, xu hướng hành xử bạo lực, hoang tưởng… là những hậu quả kinh khủng của chứng bệnh này nếu không được phát hiện và xử lý.
Những người trầm cảm có trạng thái chung là cực kỳ mong manh, dễ xúc động và nhạy cảm. Cái khó nói và gây nguy hiểm hơn cả là, người mắc trầm cảm có xu hướng giấu bệnh, vì các biểu hiện của bệnh giống như giả vờ, đóng kịch.
Họ sợ không tìm được sự cảm thông sẽ khiến mình tổn thương hơn, sợ người thân lo lắng, mặc cảm mình là gánh nặng.
Hơn nữa, quan điểm lệch lạc của xã hội luôn đánh đồng các triệu chứng trầm cảm với tâm thần… nên họ càng có xu hướng co mình. Đây là một nguy cơ cao để họ tìm tới tự tử là giải pháp.
Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm được thống kê khá nhiều: Cuộc sống áp lực, công việc căng thẳng, các cú sốc quá khứ, hormone, sốc môi trường sống, thay đổi hoàn cảnh sống, cuộc sống nhàm chán…
Trầm cảm có thể giảm bớt hoặc thậm chí khiến người bệnh cảm giác như đã thoát khỏi chúng sau những nỗ lực/ thay đổi/ điều trị tích cực, nhưng nó không bao giờ hết hoàn toàn. Nó chỉ tạm ngủ yên, và có thể thức giấc bất cứ lúc nào.
Vì thế, đã dính trầm cảm, nên xác định biện pháp phù hợp nhất để chung sống hòa bình cùng bệnh.
Chào tạm biệt bệnh trầm cảm bằng việc tập luyện thể dục.
Cuối cùng, tác giả bài viết còn đưa ra một vài lời khuyên hữu ích dựa trên kinh nghiệm của bản thân:
- Tránh những việc khiến mình căng thẳng, hoặc không vui. Tránh đẩy tâm trạng tới trạng thái tiêu cực càng nhiều càng tốt.
- Xác định đây là một hội chứng cực kỳ phổ biến trong xã hội hiện đại, ai cũng dính phải, không chừa một ai, bởi vậy việc mình mắc bệnh không có gì lạ. Đừng giấu bệnh.
- Nên tìm người chia sẻ khi cảm thấy có các triệu chứng. Việc này cực kỳ quan trọng, phải nói với người thân (vợ, chồng, gia đình…) tình trạng của mình. Thái độ ứng xử của những người xung quanh cực kỳ ảnh hưởng tới diễn biến bệnh của người trầm cảm.
- Nên đi khám chuyên khoa để loại trừ các triệu chứng giả bệnh hoặc stress thông thường.
- Chẳng ai giúp được mình bằng bản thân mình, yoga, thể thao… là các biện pháp tốt mà rất nhiều người đã chia sẻ. Nhưng đôi khi bản lĩnh cá nhân cũng không đủ, cần phải điều trị chuyên môn bằng thuốc khi bệnh đã ở những mức độ buộc phải có bác sỹ can thiệp. Đừng né tránh biện pháp này.
- Cố gắng đơn giản hóa mọi vấn đề, nhìn đời theo cách nhẹ nhàng, thanh thản. Và nên nhớ, dẫu cuộc sống luôn có nhiều thử thách, sóng gió, nhưng bạn không chỉ sống cho riêng mình.