Bảo Đại được biết đến là vị vua cuối cùng của Việt Nam. Mặc dù ông mang nhiều "tai tiếng" trong lịch sử như ham chơi, phong lưu,... nhưng ông cũng được người đời sau ngưỡng mộ vì cuộc tình sâu sắc với vợ ông là Nam Phương Hoàng hậu. Trong mắt hậu thế, bà là biểu tượng nhan sắc một thời, vừa thông minh lại cá tính. Người ta biết đến bà không chỉ vì là Hoàng hậu của vị vua cuối cùng chế độ phong kiến mà còn những thứ đặc biệt duy nhất mà không phải bà hoàng nào cũng có được.
Cuộc hôn nhân vấp phải nhiều sự phản đối nhưng rồi vẫn "chịu thua hai chữ si tình"
Ngay từ khi Bảo Đại còn đi học ở Pháp, Từ Cung Thái hậu (mẹ Bảo Đại) đã âm thầm lo nghĩ đến tương lai cho con mình, tìm hiểu phẩm hạnh lẫn sắc đẹp của nhiều tiểu thư nhà khuê các, các vị đại thần để lựa chọn một nàng dâu nắm giữ vị trí Hoàng hậu cho nước An Nam.
Thế nhưng ngày ấy, vua Bảo Đại lại lỡ đem lòng mến thương người con gái gốc Gò Công tên Nguyễn Thị Hữu Lan, con gái một điền chủ giàu có. Bà là con gái thứ hai của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Nguyễn Thị Bính. Bà được gia đình cho sang Pháp du học tại trường Couvent des Oiseaux - một trường nữ danh tiếng ở Paris năm 1926. Đến tháng 9/1932, sau khi thi đậu Tú tài toàn phần, bà về nước trên con tàu D’Artagnan của Hãng Messagerie Maritime. Vua Bảo Đại hồi loan cũng đi trên chuyến tàu đó, nhưng hai người lại không gặp được nhau.
Gần một năm sau đó, Bảo Đại lên nghỉ mát ở Đà Lạt, dưới sự sắp xếp của Toàn quyền Đông Dương Pasquier và viên Đốc lý Darle (Thị trưởng Đà Lạt), trong một buổi dạ tiệc tại Khách sạn Palace, Bảo Đại đã gặp Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan và nhanh chóng bị sự khả ái và khí chất của bà thu hút.
Trong cuốn hồi ký "Con rồng Việt Nam", Bảo Đại chia sẻ thế này: "Tại khách sạn Lang Bian đại sảnh đường, Quan Toàn quyền có giới thiệu tôi với một thiếu nữ Việt Nam đi cùng với cụ bà Charles, cô Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào, con gái nhà điền chủ Nguyễn Hào. Theo đạo Công giáo, cô này mới mười tám tuổi, vừa mãn khóa ở Couvent des Oiseaux ở Pháp.
Sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, thường thường chúng tôi gặp lại nhau một cách bất ngờ. Marie Thérèse rất thích thú ngày du học tại Pháp. Cũng như tôi, cô rất yêu âm nhạc và các môn thể thao. Cô có vẻ đẹp yểu điệu của người miền Nam.
Trong triều đại của chúng tôi, vì tìm kiếm người vợ cho Vua, hướng nhiều vào con gái miền Nam. Bởi vì đối với người Trung hay Bắc kỳ, Nam kỳ vẫn được ít nhiều coi như “đất hứa”. Sau vài lần trò chuyện, một tình cảm êm dịu đã nẩy nở ra giữa chúng tôi, và chúng tôi hứa hẹn sẽ gặp lại nhau".
Chuyện tình này nhanh chóng vấp phải sự phản đối của bà Từ Cung. Bà không hoan nghênh khi biết Nguyễn Hữu Thị Lan theo đạo Công giáo. Bà muốn Bảo Đại lấy một người vợ biết tôn cổ, biết đạo tam tòng tứ đức. Nhưng hơn cả vấn đề tôn giáo, đây còn là vấn đề quốc gia.
Con cái sinh ra trong cuộc hôn nhân này, theo đạo Công giáo thì người kế vị lên làm vua sao có thể biết phụng thờ tôn miếu và làm lễ tế Nam giao? Người đứng đầu Tông nhân phủ là Tôn Thất Hân càng phản đối kịch liệt khi cho rằng: "Thị Lan chỉ đậu Tú tài toàn phấp Pháp không thể so với Trạng nguyên xứ ta, lại đòi làm Hoàng hậu nữa thì không thể chấp nhận được".
Thế nhưng, gạt bỏ tất thảy những lời phản đối kịch liệt từ phía triều đình và bà Từ Cung, vua Bảo Đại thốt lên: "Trẫm cưới vợ cho trẫm, đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và triều thần".
Sau cùng, dưới sức ép của người Pháp và sự quyết tâm của vua Bảo Đại, đám cưới được cử hành vào ngày 20/3/1934. Khi ấy, vua Bảo Đại 21 tuổi còn Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi.
Nam Phương Hoàng Hậu: Người phụ nữ của những cái "đầu tiên"
Đám cưới được cử hành trước triều đình và các đại diện của Pháp. Đây thực sự là một điều mới mẻ vì từ xưa đến này chưa bao giờ có tiền lệ như vậy. Vua Bảo Đại quyết định tấn phong cho vợ mình là tước vị Hoàng hậu, sau khi cưới, điều mà từ xưa, mẫu thân của ông chỉ được phong sau khi phụ hoàng chết. Rõ ràng, vua Bảo Đạo đã phá vỡ nhiều quy củ cũ của triều đại nhà Nguyễn. Bởi vì 12 đời Tiên đế trước, các chính cung chỉ được phong Hoàng quý phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu.
Người phụ nữ được phong Hoàng hậu ngay trong ngày cưới
Cũng trong cuốn hồi ký "Con rồng Việt Nam", Bảo Đại viết: "Tôi tấn phong cho vợ tôi là Nam Phương Hoàng hậu, có nghĩa là hương thơm của miền Nam".
Lễ tấn phong được cử hành ở ngay điện Cần Chánh, là nơi vẫn dùng để thiết đại triều. Trước sân chầu có trải thảm đỏ và vàng, vẫn dùng để Hoàng đế bước lên. Các quan triều thần đều tập hợp đông đủ. Khi ấy, báo chí nước ngoài rầm rộ ca ngợi cuộc hôn nhân này là "xứng đôi vừa lứa", "đẹp đôi như một bức tranh sáng ngời về tuổi thanh xuân lộng lẫy",...
Người phụ nữ đầu tiên (và duy nhất) trong triều đại phong kiến được mặc phục trang màu vàng
Chưa kể đến, ngoài tấn phong tước vị, vua Bảo Đại còn ra một sắc dụ, "cho phép Hoàng hậu được mặc áo vàng da cam, vốn chỉ dành riêng cho Hoàng đế".
Hoàng hậu vận trào phục màu vàng, đầu đội mũ kết trân châu bảo ngọc, đi hia mũi nhọn, tay cầm phết ngà, từ từ tiến vào, qua hai hàng quan triều thần chào đón để tiến tới trước ngai. Vua Bảo Đại cũng khẳng định: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước tôi, một thiếu nữ đã một mình tiến cung vua như vậy".
Người phụ nữ khiến vua thực hiện chế độ "một vợ, một chồng"
Nhắc đến chuyện hậu cung của nhà vua, ai chẳng liên tưởng đến hàng nghìn cung tần mỹ nữ hay năm thê bảy thiếp, thế nhưng khi cưới Hoàng hậu Nam Phương, vua Bảo Đại chỉ có mình bà là chính thất.
Không chỉ vậy, vốn dĩ xưa nay "Thuyền theo lái, gái theo chồng", thế nhưng khi quyết định chuyện cưới hỏi, phía Thị Lan ra điều kiện phải được giữ nguyên đạo Công giá, các con khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo và giữ đạo. Tiếp đó, phải được Tòa thánh Vatican cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau. Đây cũng chính là điều kiện khiến cuộc hôn nhân này bị phản đối gay gắt lúc ban đầu.
Vị Hoàng hậu gây nhiều tranh cãi nhưng xứng đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ
Mặc dù chưa có tiền lệ trong lịch sử, một vị Hoàng hậu lại được hưởng nhiều đặc quyền như vậy, nhưng suốt những năm tháng tại vị, Nam Phương hoàng hậu cũng đã có cách ứng xử và nếp sống phẩm hạnh của bậc mẫu nghi thiên hạ.
Sở hữu tư chất thông minh, ham học hỏi và có học thức, Nam Phương Hoàng hậu đã giúp vua Bảo Đại trong nhiều hoạt động ngoại giao, đón tiếp với quốc khách, giao thiệp với Pháp.
Trong "Tuần lễ Vàng" do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động, Nam Phương Hoàng hậu cũng là người phụ nữ đầu tiên tháo hết trang sức bằng vàng mang trên người để hiến tặng cho đất nước và bà rất hân hoan khi gắn lên áo một chiếc huy hiệu cờ đỏ sao vàng vào tháng 8/1945. Bà còn khuyên nài vua Bảo Đại thoái vị để làm một người dân độc lập còn hơn làm một vị mua mất nước.
Đầu năm 1946, khi Pháp dã tâm quay trở lại một lần nữa, Nam Phương Hoàng hậu đã viết thư kêu gọi tới các nước, bạn bè, chị em phụ nữ bốn phương bênh vực Việt Nam. Trong đó, bà viết: "Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp, nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng minh mà nước Pháp lại là một thành viên.
Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi. Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi".
Cuộc hôn nhân hạnh phúc trong 10 năm, rồi vua Bảo Đại cũng chẳng thể giữ nổi lòng thủy chung "một vợ, một chồng" khi kết hôn. Ông lao vào các cuộc ham chơi, mải mê chạy theo hình bóng những người tình đến mức khi bà qua đời cũng không thể nhìn mặt lần cuối.